Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Biên phòng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 5 năm nay, Việt Nam cũng đã nhập khẩu trên 70 nghìn tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá thịt lợn luôn ở mức cao từ cuối năm 2019 đến nay do nguồn cung khan hiếm. Ảnh: Bích Nguyên

Bên cạnh sản phẩm thịt lợn, ngành nông nghiệp cũng đã nhập khẩu hơn 7.700 con lợn giống (tăng hơn 300% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019) nhằm đẩy mạnh việc tái đàn lợn.

Trước tình trạng giá thịt lợn tăng cao do nguồn cung khan hiếm, Bộ NN&PTNT đã chủ động và tích cực đàm phán với các nước trong khu vực để nhập khẩu lợn sống bảo đảm an toàn dịch bệnh về Việt Nam để giết mổ, tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ NN&PTNT chỉ đạo tổ chức nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; trong đó có nghiên cứu vắc xin DTLCP 5. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp khẩn trương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Đối với các địa phương có dịch tái phát, cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh DTLCP (chưa qua 30 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Rà soát, khẩn trương chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO