Biên phòng - Ở các địa phương của nước ta, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình vận chuyển hành khách, hàng hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tai nạn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa vẫn diễn ra rất phức tạp, gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân. Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là trong điều kiện mùa mưa bão đang đến gần.

Nước ta với khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hệ thống kênh ngòi, sông suối dày đặc và đường ven biển rất phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình giao thông đường thủy nội địa phát triển. Hiện nay, giao thông vận tải đường thủy nội địa được đánh giá là một trong những phương thức vận tải có nhiều ưu điểm vượt trội như chi phí thấp hơn nhiều lần so với các hình thức vận tải khác, có thể vận tải hàng hóa trọng tải lớn, ít ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, thực tế vận hành cho thấy tình trạng mất an toàn trên tuyến giao thông đường thủy nội địa cũng đang có những diễn biến rất phức tạp. Theo báo cáo từ Bộ Công an, 5 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ, làm chết 31 người, bị thương 4 người, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 8 vụ (tăng 33,33%), tăng 18 người chết (tăng 138,46%), tăng 3 người bị thương (tăng 30%). Nghiêm trọng nhất là 2 vụ lật thuyền ở Quảng Nam xảy ra ngày 25-2 và ngày 8-5, làm 11 người chết.
Cũng theo cơ quan chức năng, nguyên nhân trực tiếp trong các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong 5 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là do vi phạm quy tắc tránh vượt, chở quá tải trọng, quá số người cho phép, thiếu trang thiết bị an toàn. Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên được xác định là do một số địa phương còn lơ là trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý Nhà nước về an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong khi đó, quy định hiện hành về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông đường thủy chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về trang thiết bị an toàn đối với phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ khi tham gia giao thông đường thủy. Chưa kể đến là hiện chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện dân sinh, phương tiện nhỏ. Cùng với đó là tình trạng người dân sử dụng phương tiện dân sinh tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông. Ngoài ra còn có nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức về an toàn giao thông đường thủy.
Để ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có sự chỉ đạo đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh ở thôn, xóm, xã, phường), những quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy... nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy. Thông tin, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thủy loại nhỏ ký cam kết sử dụng phương tiện thủy đúng quy định, khi chở người phải có đủ chỗ ngồi ổn định, an toàn và có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện, không chở quá số người quy định, người đi trên phương tiện phải mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh.
Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa. Tập trung xử lý nghiêm các vi phạm đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện, không sử dụng áo phao, dụng cụ nổi. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm; xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa như đoạn, tuyến sông văn hóa - an toàn, cụm cảng, bến văn hóa, văn minh, an toàn, khu dân cư, xóm làng an toàn...
Cùng với đó, yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt đảm bảo đủ sức răn đe để ngăn ngừa vi phạm. Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện nêu trên.
Quang Chính