Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 08:26 GMT+7

Tăng cường biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới

Biên phòng - Vừa qua, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng cục Quản lý thị trường đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường để làm rõ tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới nước ta hiện nay và những nội dung mới trong quy chế phối hợp vừa được hai lực lượng ký kết.

lzx8_19
Đồng chí Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Viết Lam

- Từ năm 2008, Bộ Tư lệnh BĐBP và Tổng cục Quản lý thị trường đã có quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Đồng chí có thể cho biết những kết quả đã đạt được? 

- Căn cứ vào tình hình thực tiễn làm nhiệm vụ, ngày 23-7-2008, Bộ Tư lệnh BĐBP và Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp số 649/QC-QLTT-BTL BĐBP trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Từ đó, hai bên chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và BĐBP các tỉnh, thành quán triệt, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn, tuyến đường trọng điểm về buôn lậu tại khu vực biên giới, vùng ven biển, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu.

Hai lực lượng cũng đã phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới, vùng ven biển tích cực tham gia tố giác, cung cấp thông tin đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật. Lực lượng BĐBP và Tổng cục Quản lý thị trường đã tích cực hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ, chiến sỹ, viên chức, tăng cường mối quan hệ gắn kết trong thực thi nhiệm vụ được giao. Hai bên cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong các đợt cao điểm, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm.

Trên tinh thần thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp, BĐBP và Tổng cục Quản lý thị trường đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị của hai lực lượng đã phối hợp kiểm tra 1.311 vụ, trong đó, xử lý được 1.139 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 14 tỉ đồng. Thu giữ, xử lý hàng hóa vi phạm với số lượng lớn như: 21.360 bao thuốc lá ngoại, 32 tấn thuốc lá lá nhập lậu, 253kg pháo, gần 5,9 tấn đường các loại, 102.111 lít dầu DO, 3.044 lít xăng, 978 tấn than và hơn 30m3 gỗ... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, có lúc, có nơi, sự phối hợp còn có những hạn chế nhất định như công tác trao đổi, cung cấp thông tin còn chưa kịp thời, việc tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm chưa được tổ chức thường xuyên.

- Đồng chí cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới nước ta trong giai đoạn hiện nay?

- Tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân cũng như an ninh trật tự ở địa bàn biên giới. Trong đó, tại tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, đáng chú ý là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, máy móc, phế liệu, gia cầm...; hàng hóa xuất lậu là than, quặng các loại, gỗ, động vật hoang dã và các loại hàng nông, thủy sản.

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, vũ khí, vật liệu nổ gia tăng và diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi; buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá, hàng điện tử, điện lạnh, động vật hoang dã tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...; tình trạng buôn lậu, khai thác, vận chuyển trái phép gỗ tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum cũng là vấn đề nổi cộm thời gian qua. Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động. 

Tuyến biên giới biển, địa bàn trọng điểm vẫn là khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam bộ, hoạt động buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp. Đối tượng lợi dụng vùng biển giáp ranh, móc nối với các tàu của nước ngoài (Thái Lan, Malaysia, Singapore) để đưa tàu chở xăng, hoặc dầu của các tàu nước ngoài sang mạn, chuyển tải xăng dầu cho các tàu của Việt Nam.

Một số đối tượng hợp thức hóa bằng các bộ hồ sơ mua bán quay vòng nhiều lần, chứng từ vận chuyển nội địa. Ngoài ra, đối tượng còn thủ đoạn cải hoán tàu đánh bắt thủy sản thành tàu chở dầu, nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Đáng chú ý, tình trạng cất giấu hàng cấm, hàng có giá trị, thuế suất cao xen lẫn trong các lô hàng phế liệu vẫn xảy ra tại các cảng biển quốc tế như Tiên Sa, Đà Nẵng, Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

- Vừa qua, hai lực lượng tiếp tục ký kết quy chế phối hợp trong buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Vậy, đồng chí có thể cho biết những nội dung mới trong quy chế phối hợp của hai lực lượng?  

- Ngày 29-5-2019, Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký quy chế phối hợp mới trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quy chế mới gồm 3 chương và 9 điều, quy định rõ định kỳ 6 tháng, Bộ Chỉ huy BĐBP và Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, thành phố thống nhất luân phiên tổ chức giao ban và báo cáo tình hình, kết quả, khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong công tác phối hợp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

imgp2988
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP (bên phải) và đồng chí Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường ký kết quy chế phối hợp (ngày 29-5-2019). Ảnh: Viết Lam

Đặc biệt, chú trọng công tác quản lý, bồi dưỡng đội ngũ công chức, cán bộ, chiến sỹ, xử lý nghiêm những cá nhân thực thi nhiệm vụ có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm...

Để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, hai bên sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, biện pháp tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, cùng nhau trao đổi thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan đến các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm và phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ở địa bàn biên giới, nội địa.

Đặc biệt, phối hợp đấu tranh, kiểm tra, bắt giữ, xử lý vụ việc; trao đổi những quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách mới liên quan đến hoạt động của mỗi bên. Đặc biệt là những thay đổi quy định của pháp luật về hoạt động quản lý biên giới, chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, chuyển cảng hàng hóa và lưu thông hàng hóa trong nước... Trong quá trình phát hiện, điều tra, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện nghi vấn cán bộ, công chức thuộc lực lượng của bên phối hợp bị móc nối nội bộ, bảo kê, tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật hoặc gây cản trở trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, thẩm tra, xử lý thì lãnh đạo đơn vị hai bên trực tiếp trao đổi hoặc báo cáo cấp trên của mỗi bên để chỉ đạo xử lý.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Viết Lam (thực hiện)

Bình luận

ZALO