Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

Biên phòng - Theo thống kê của ngành đường sắt, trên toàn mạng đường sắt dài hơn 3.100 km có gần 5.800 đường ngang, nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, còn lại hơn 4.200 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Việc bảo đảm an toàn giao thông tại hơn 4.200 đường ngang bất hợp pháp là vấn đề không hề đơn giản. Thậm chí, ở một số địa phương, vẫn còn tình trạng người dân tự ý mở thêm đường ngang.

456db3k8gq-8285_f_jplzp8ry0_anh_1
Đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm tử vong 67 người, bị thương 104 người. Qua phân tích tai nạn giao thông đường sắt cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát, các đoạn giao cắt giữa đường sắt và đường bộ quá nhiều, đặc biệt còn tồn tại nhiều lối đi tự mở.

Cụ thể vào ngày 1-8-2018 tại Km 106+315, khu gian Núi Gôi - Cát Đằng, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (thuộc địa phận xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, do đoàn tàu khách mang số hiệu SE7 chạy hướng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đâm vào xe ô tô 4 chỗ, làm 1 người chết và 3 người bị thương.

Để chấn chỉnh tình trạng này và tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa các vụ tai nạn tương tự xảy ra, vừa qua, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương khắc phục hậu quả các vụ tai nạn, chủ động phối hợp với các Bệnh viện để cứu chữa, thăm hỏi người bị thương, hỗ trợ các gia đình có nạn nhân bị chết trong vụ tai nạn. Chủ động phối hợp với Công an và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân vụ tai nạn nói trên và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân (nếu có) gây ra vụ tai nạn theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố có đường sắt và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, phân tích, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt và có các giải pháp cụ thể đối với từng vị trí mất an toàn.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến các vụ tai nạn giao thông đường sắt gia tăng thời gian qua xuất phát từ hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện qua đường ngang. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến, các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ còn khá nhiều, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn chưa được giải tỏa dứt điểm…

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Sở Giao thông vận tải có đường sắt đi qua xử lý nghiêm tình trạng mở đường ngang trái phép qua đường sắt, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật khi điều khiển phương tiện qua đường ngang đường sắt và xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Nguyễn Ân

Bình luận

ZALO