Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Tăng chế tài nghiêm trị tin giả

Biên phòng - Trong 10 tháng của năm 2022, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) đã thẩm định, xử lý 4.363 tin và công bố 50 tin giả; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ trên 3.120 tin, bài có nội dung xấu độc, link giả mạo. Bộ Công an đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt hành chính 455 đối tượng; răn đe khoảng 1.500 đối tượng về hành vi tung tin sai sự thật trên các trang mạng.

Ảnh: minh họa

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, hiệu quả đấu tranh với hành vi đưa tin giả vẫn chưa tương xứng với thực trạng. Việt Nam có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội vào loại cao trên thế giới với thời gian sử dụng bình quân mỗi người khoảng 2-3 giờ/ngày, dẫn đến việc tiếp nhận nhiều thông tin thụ động từ mạng xã hội.

Thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin... Thủ đoạn phổ biến là tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh tổ chức, cá nhân để đăng tải tin giả nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện “nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, lan truyền thông tin thất thiệt về tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhằm trục lợi và lũng đoạn dư luận.

Theo các chuyên gia, tin giả làm xói mòn niềm tin và hoang mang trong xã hội, thiệt hại không thể đo đếm được. Hành vi đăng tin giả tùy theo nội dung, tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống…

Tuy nhiên, tin giả vẫn gia tăng trên các nền tảng số xuyên biên giới do người sử dụng cho rằng không gian mạng là ảo, là “vô danh” nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho cộng đồng và xã hội. Thêm vào đó, các đối tượng lợi dụng những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam. Trong khi các giải pháp ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên mạng xã hội chưa đạt hiệu quả, cũng như mức phạt đưa tin giả của nước ta chỉ bằng 1/10 so với các nước trên thế giới nên chưa đủ sức răn đe.

Để đối phó tình trạng này, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, qua đó phát hiện và xử lý nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán tin giả; ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.

Song nhiều chuyên gia đánh giá, việc xử lý tin giả còn chậm, hiệu quả ngăn ngừa chưa cao. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là quy định trách nhiệm của mỗi người dân trong chống tin giả, đồng thời tăng chế tài và mức phạt nghiêm khắc với hành vi này. Theo đó, tăng cường quản lý các nền tảng xuyên biên giới, buộc các doanh nghiệp lớn như Facebook, Google, Tik Tok, Apple tuân thủ pháp luật Việt Nam và có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp.

Thiết nghĩ việc ngăn chặn thông tin giả, xấu độc rất cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn nạn này trên không gian mạng.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO