Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Tận tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân

Biên phòng - Trải qua các kỳ họp Quốc hội (QH), những đại biểu QH là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã chứng tỏ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và uy tín của mình. Tại QH khóa XV, các đại biểu DTTS tiếp tục là cầu nối, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đồng bào DTTS, góp phần không nhỏ vào thành công của QH, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc (CSDT) của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao đời sống của người dân khu vực DTTS và miền núi.

Đại biểu người dân tộc Brâu Nàng Xô Vi đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề giáo dục và đào tạo tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa XV. Ảnh: QH

Kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XV, các cử tri đã bầu 499 đại biểu, trong đó, có 89 đại biểu người DTTS, đạt tỷ lệ 17,8% tổng số đại biểu QH. Đặc biệt, lần này có đại diện của 2 dân tộc (thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu) lần đầu tiên tham gia QH. “Đây là những hạt nhân ưu tú, tiêu biểu, đại diện cho 30 thành phần DTTS, đến từ 35 tỉnh, thành trên cả nước” - Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH cho biết.

Ý chí của đại biểu người Brâu

“Các vị đại biểu QH là người DTTS trong nhiệm kỳ này đều có trình độ học vấn, chuyên môn cao, là minh chứng sinh động, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công tác chăm sóc, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là đồng bào DTTS, đặc biệt là tham gia vào cơ quan lập pháp. Nhiều đại biểu đang giữ vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và tham gia có hiệu quả vào việc thực hiện các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của đại biểu QH và hoạt động của QH” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết.

Là đại biểu QH đầu tiên của dân tộc Brâu, nữ đại biểu còn rất trẻ Nàng Xô Vi (tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Bản thân tôi rất vinh dự vì được tổ chức, nhân dân tin cậy, giới thiệu là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân tộc mình trong QH. Đó là trách nhiệm hết sức nặng nề trước nhân dân, trước dân tộc Brâu. Song, tôi sẽ phấn đấu, nỗ lực để giữ được lòng tin của cử tri, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ của người đại biểu QH”.

Đại biểu Nàng Xô Vi cho biết, bước sang nhiệm kỳ QH khóa XV, chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng của vòng xoáy suy thoái kinh tế thế giới vì đại dịch Covid-19. Nhiều chỉ số kinh tế-xã hội phát triển chậm so với chỉ tiêu đặt ra, hệ thống chính sách, pháp luật đang trong giai đoạn phải rà soát, điều chỉnh, sửa đổi nhiều nội dung, lĩnh vực để hội nhập và phát triển. Trình độ phát triển, mức thu nhập của khu vực đô thị, đồng bằng với vùng miền núi, DTTS vẫn còn khoảng cách lớn. Địa bàn cư trú, sản xuất của đa số đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

“Với cương vị đại diện của cử tri địa phương và cả nước nói chung, cho dân tộc tôi nói riêng, tôi sẽ tích cực học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, làm hết sức mình trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, giám sát thực thi các chương trình, dự án và phối hợp tham mưu cùng các cấp chính quyền địa phương, thúc đẩy giải quyết tốt những vấn đề khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra” - đại biểu Nàng Xô Vi chia sẻ.

Đưa tiếng nói của cử tri dân tộc thiểu số tới nghị trường

Lần đầu tiên tham gia QH, đại biểu Hoàng Thị Đôi, người dân tộc Lào (tỉnh Sơn La) tâm sự: “Được đại diện cho dân tộc mình tham gia QH, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là vinh dự lớn lao, nhưng nhiệm vụ cũng hết sức nặng nề đối với tôi. Qua tìm hiểu, tôi được biết, với truyền thống vẻ vang hơn 76 năm QH Việt Nam, nhiều đại biểu QH là người DTTS đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và cho sự nghiệp QH Việt Nam nói riêng, tiêu biểu như: Đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực QH; bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Khăm (đại biểu QH liên tục từ khóa I đến khóa IX) và nhiều đại biểu ưu tú khác. Đó là những tấm gương sáng về ý chí, khát vọng, nghị lực, sự cống hiến vì dân, vì nước để mỗi đại biểu chúng tôi học tập và làm theo”.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa XV. Ảnh: QH

Đại biểu Hoàng Thị Đôi cho hay, cách đây gần 30 năm, Sơn La vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống của nhân dân rất nhiều khó khăn, còn nhiều tập tục lạc hậu, y tế, giáo dục chậm phát triển và rất nhiều khó khăn khác. Được sự đầu tư về nguồn lực và thực hiện các CSDT của Đảng, Nhà nước, tỉnh Sơn La đã có sự phát triển nhanh chóng. Đến nay, hầu hết các xã có đường ô tô được rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; có trạm y tế, trường học, nhà trẻ..., kinh tế không ngừng phát triển, phát huy được tiềm năng, lợi thế địa phương.

Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu; các lễ hội dân gian, làng văn hóa truyền thống cộng đồng được phát huy, thu hút nhiều du khách đến du lịch, thưởng thức; an ninh trật tự được giữ vững, đồng bào luôn đoàn kết, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Đó là thực tế sinh động minh chứng cho việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và CSDT nói riêng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện vai trò là cầu nối giữa đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước, đại biểu Hoàng Thị Đôi cho biết: “Tôi sẽ đem hết sức mình, tận tâm, tận tụy để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, QH; hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng bào các dân tộc để phản ánh, kiến nghị với Đảng, QH, Chính phủ; tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, đại biểu Hoàng Thị Đôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm toàn diện đến CSDT, trong đó có chính sách giáo dục, đào tạo, chính sách đặc thù đối với cán bộ là người DTTS để giúp các dân tộc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp cho đội ngũ cán bộ người DTTS có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình tại đơn vị, địa phương công tác. Qua đó, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những người thực sự ưu tú, tiêu biểu tham gia làm cán bộ, đại biểu dân cử, đặc biệt là tham gia QH, để góp phần thực hiện tốt CSDT, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH trong thời gian tới.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO