Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Tần số vô tuyến điện góp phần đảm bảo an toàn cho ngư dân

Biên phòng - Đối với ngư dân hoạt động nghề cá trên biển, thông tin liên lạc giữa đất liền và những người đi biển là vấn đề sống còn. Nhiều sinh mạng ngư dân bị cướp đi chỉ vì thiếu phương tiện thông tin liên lạc. Thế nhưng, có một thực tế hiện nay là đa số ngư dân tại các khu vực ven biển sử dụng máy vô tuyến điện để làm phương tiện thông tin liên lạc trên tàu thuyền không đúng tiêu chuẩn; một số ngư dân chưa nắm rõ về quy định cũng như về thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số, cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện và sử dụng chung tần số vô tuyến điện...

rmja_7a
Cán bộ Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực V hướng dẫn chủ phương tiện và ngư dân các xã ven biển của huyện Hải Hậu làm thủ tục đăng ký, cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Ảnh: Quang Long

Hiện nay, trên các phương tiện khai thác hải sản xa bờ, ngư dân đều lắp đặt nhiều thiết bị liên lạc hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị chưa thật sự hiệu quả do chưa sử dụng hiệu quả, đúng mục đích tần số đã được cấp phép. Điều đáng nói là, phần lớn tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển không đăng ký sử dụng tần số. Việc đăng ký thiết bị phát sóng vô tuyến điện và sử dụng tần số đối với phương tiện nghề cá không chỉ giúp ngư dân sử dụng tần số đúng quy định, mà còn để các cơ quan chức năng chủ động liên lạc hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân trong các hoạt động trên biển nhằm phòng tránh thiên tai và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Có mặt tại xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vào những ngày giữa tháng 11, chúng tôi được tham dự buổi tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện và cung cấp thông tin về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cho ngư dân, do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định và Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực V phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Nam Định tổ chức. Tại đây, chúng tôi thấy rõ được tầm quan trọng của việc nắm rõ những quy định, thủ tục pháp lý trong việc sử dụng đúng và có hiệu quả tần số vô tuyến điện trong việc giữ thông tin liên lạc trên biển giữa ngư dân và đất liền.

Theo ông Phạm Xuân Mai, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, tính đến giữa năm 2019, huyện Hải Hậu có 857 phương tiện khai thác với tổng công suất trên 90.000CV, trong đó, tàu cá khai thác hải sản xa bờ có chiều dài 15m trở lên là 229 tàu. Toàn huyện hiện có 14 tàu vỏ sắt công suất lớn từ 800 đến 1.200CV được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại như tời ma sát, cẩu, la bàn, máy định vị vệ tinh, máy thông tin liên lạc, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực... có khả năng chịu được sóng, gió, hoạt động an toàn, dài ngày trên biển. Hầu hết các tàu cá đều được trang bị, sử dụng hệ thống bộ đàm tầm xa như thiết bị ICOM 718, 707... 

Tuy nhiên, nhiều phương tiện hoạt động trên biển lại không đăng ký sử dụng tần số cho các loại máy bộ đàm này và mỗi tàu thuyền lại sử dụng một tần số khác nhau hay một số tàu có đăng ký nhưng không sử dụng. Do không quản lý được toàn bộ tần số máy thu phát sóng của ngư dân trên biển nên trong những đợt bão đổ bộ hay áp thấp nhiệt đới xuất hiện, các cơ quan chức năng đã phải dành nguồn kinh phí rất lớn cho việc tìm kiếm, kêu gọi các tàu đánh cá vào nơi trú ẩn an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Văn Cường, một chủ tàu cá tại xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho chúng tôi biết: “Đối với ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển, việc nắm rõ những quy định sử dụng tần số vô tuyến điện là vô cùng cần thiết. Điều này cũng giúp ngư dân thêm an tâm khi ra khơi, việc sử dụng đúng tần số vô tuyến điện còn “cứu cánh” cho ngư dân khi gặp sự cố trên biển”.

Theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng. Điểm c, Khoản 2, Điều 77, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trên một thiết bị đối với hành vi sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 150W không có giấy phép. Điểm c, Khoản 3, Điều 90, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gây nhiễu có hại đối với mạng viễn thông công cộng di động.

Thực tế, việc hướng dẫn, cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu cá giúp cho ngư dân được sử dụng tần số, nguồn tài nguyên quốc gia một cách hợp pháp, đúng quy định của Chính phủ, điều này cũng góp phần đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Bên cạnh đó, việc sử dụng tần số đúng mục đích nhằm tránh gây can nhiễu lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến thông tin an toàn cứu nạn và cứu hộ, đồng thời đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ mục đích đánh bắt, nuôi trồng, kinh doanh thủy, hải sản...

Mới đây, khi miền Bắc phải đón nhận liên tiếp cơn bão số 2 và số 3, nhờ có thông tin liên lạc qua tần số vô tuyến điện mà BĐBP Nam Định đã kịp thời thông báo, kêu gọi các phương tiện tàu cá của ngư dân đang sản xuất trên biển, nhanh chóng vào nơi trú ẩn an toàn; tổ chức lực lượng nắm, kiểm đếm, thống kê số người, phương tiện đang hoạt động trên biển... BĐBP tỉnh đã duy trì 5 đài canh trực 24/24 giờ trong ngày, đảm bảo thông tin liên lạc với tàu cá của ngư dân trên biển; thông báo, kêu gọi 2.137 lượt tàu, thuyền với 6.039 lượt ngư dân đang hoạt động trên biển và 1.317 lao động ở 1.024 lều, chòi ven biển biết về tình hình bão để chủ động vào nơi neo đậu an toàn.

Thượng tá Phạm Văn Hóa, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Nam Định cho biết, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện cho ngư dân các xã ven biển của tỉnh Nam Định. Điều này không chỉ giúp ngư dân hiểu và chấp hành pháp luật, mà còn giúp bà con đối phó có hiệu quả với các tình huống bất trắc xảy ra trên biển. Ngư dân cũng nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp phần cùng với chính quyền xây dựng khu vực biên giới biển ngày càng vững mạnh và phát triển.

Quang Long

Bình luận

ZALO