Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

Tan giấc mơ đánh cá Ninja

Biên phòng - Có người gọi loại cá này là lươn biển, cá mút đá, ở Quảng Ngãi thì gọi là cá giấu đầu lòi đuôi, ở Phú Yên và Bình Định thì gọi là cá Ninja. Nghề đánh bắt loại cá này phát triển rầm rộ vào năm 2017, nhưng chỉ hơn 2 năm sau, hàng loạt ngư dân đã rơi vào cảnh gác lờ, bỏ nghề. Vợ của thuyền trưởng Nguyễn Hoang, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thở dài: “Chúng tôi sắm lờ giá 200 triệu để đánh bắt cá Ninja, nhưng giờ đánh bắt thua lỗ, bán lờ giá 10 triệu đồng cũng không ai mua”…

Vợ ngư dân Nguyễn Hoang cho biết, gia đình đầu tư gần 200 triệu đồng để mua phương tiện đánh cá Ninja, giờ bán 10 triệu đồng cũng không ai mua (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Chương

Năm 2017, bà con ở các làng biển tỉnh Quảng Ngãi rộ lên thông tin về một nghề đánh bắt cá mới không cần chở đá lạnh, đi biển không cần lưới, chỉ cần mang theo máy tạo oxy, chở theo lờ. Sức hút của loại nghề này khiến ngư dân háo hức, vì không chỉ nhanh chóng làm giàu, mà còn “nóng” chuyện thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản thu mua cá Ninja với giá cao.

Tàu QNg 90534 TS của ngư dân Huỳnh Nhơn ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi tôi từng gặp là tàu đánh bắt khá thành công. Phiên biển chỉ kéo dài 10 ngày, nhưng chở vào bờ tới 3 tấn cá Ninja, bán được hơn 150 triệu đồng (chi phí chuyến biển khoảng 50 triệu đồng). Cá Ninja sống dưới đáy biển ở độ sâu từ 500 đến 1.000 mét, trông bề ngoài có hình thù khác lạ. Cá màu hồng, không rõ đầu, đuôi, thân thể tiết ra lượng nhớt nhiều, dẻo quánh và có thể chiết xuất để chế biến loại sợi siêu bền.

Ông Nhơn cho biết, ông vừa vui, vừa lo vì giá cá lên xuống thất thường, bà con thì xôn xao cá bán với giá 200.000 đồng/kg, nhưng thực tế, chỉ giao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Ban đầu, ông Nhơn còn nghe nói có thương lái người nước ngoài tới mua, nhưng chờ đỏ mắt chỉ thấy các chủ đầu nậu người Việt Nam mua. Dù giá cả bấp bênh, nhưng nhiều tàu cá vẫn bị cuốn vào nghề mới, gác lưới để sắm lờ đi biển. Ngư dân phân tích: “Nghề này khỏe re, ra thả cái rẹc khoảng 1 giờ là xong, hôm sau kéo lên cỡ 4 giờ, phiên biển ngắn gọn, không tốn kém nhiều”.

Tại cửa biển Đề Gi, thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, một số tàu làm nghề cá đánh cá Ninja còn sắm thêm máy để gia công ngay cá trên tàu như: lột da, đóng gói, ép chân không. Ngư dân tên Nguyễn Luân cho biết: “Làm cách này quá tiện lợi, vì cấp đông đảm bảo, ra luôn sản phẩm, vợ con mang bán ở nhà hàng, quán nhậu, hoặc bán chợ cũng tiện lợi”.

Thời điểm năm 2017, Chính phủ đang triển khai đóng tàu theo Nghị định 67. Một số tàu làm nghề lưới rê xù (loại mắt lưới rất thưa), sau khi đi biển thua lỗ vài phiên đã không kiên nhẫn thêm mà nghĩ ngay tới chuyển đổi sang nghề bắt cá Ninja. Các ngư dân phấn khởi nói, cái tên cá Ninja hay cá giấu đầu lòi đuôi còn được treo ở các quán ăn nhiều nhà hàng, giới thiệu món ăn mới với mọi người. Thị trường nội địa hứa hẹn, cộng với thị trường xuất khẩu rộng mở, nên có những ngư dân đang làm nghề lưới rút ngon lành cũng gác lại để đổ tiền sắm nghề mới.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi thông tin: “Cá Ninja là loại sống ở độ sâu hàng trăm mét dưới đáy biển và những loại cá này sẽ sinh sản chậm hơn nhiều so với loại cá sống ở vùng nước nổi. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngư dân đánh bắt ồ ạt thì sản lượng của loại cá này sẽ lập tức giảm sút ngay”.

Bước sang năm 2019, một số tàu làm nghề đánh cá Ninja, sau một thời gian bùng nổ và háo hức thì bắt đầu cất lờ. Ngư dân Nguyễn Hoang ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mang 400 chiếc lờ về chồng đầy sân nhà dưới, sau đó, 3 cha con bỏ lưới lên tàu để tiếp tục ra biển Hoàng Sa. Vợ anh Hoang cho biết: “Năm đầu cá nhiều, năm sau ít dần và hết hẳn, nên phải về làm nghề cũ là lưới chuồn”. Ông Hải, một người chuyên thu mua cá này ở Quảng Ngãi xác nhận, nguyên nhân nghề này bị chững lại vì hết cá.

Ở Việt Nam, việc các ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp đều mang tính tự phát, ít khi được các nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực đó đưa ra ý kiến cảnh báo, dự đoán, nên việc chuyển đổi gặp nhiều trở ngại ngay từ khi mới bắt đầu. Ngư dân Phùng Hữu Phước từng đi trên tàu cá QNg 90534 TS ở tỉnh Quảng Ngãi đánh cá Ninja và được trả lương 8 triệu đồng/phiên. Ông Phước tâm tình: “Giờ không ai gọi đi bạn nghề này nữa, do cá hạ giá, người dân thì ít ăn, sản lượng đánh bắt cũng tụt giảm nhanh, vì vậy, các tàu thuyền đành gác lờ, trở lại nghề đánh lưới”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO