Biên phòng - Tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số (DTTS) lần đầu tiên do Ủy ban Dân tộc tổ chức, từ ngày 17 đến 19-12, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, đoàn kết xây dựng thôn bản, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc. Nhân dịp này, các đại biểu cũng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và những trăn trở cũng như kiến nghị với Đảng, Nhà nước để phát triển vùng đồng bào DTTS. Phóng viên Báo Biên phòng lược ghi và giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến.

Bà Pi Năng Thị Thủy, dân tộc Raglai, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận:
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS. Đến với lễ tuyên dương lần này, chúng tôi rất mong Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đến đồng bào DTTS để có điều kiện phát triển một cách toàn diện hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước. Hiện tại, hệ thống chính sách dân tộc tương đối đầy đủ, tuy nhiên, còn có những chính sách chưa đủ “mạnh mẽ” để giúp đồng bào thoát nghèo bền vững. Nhà nước cần có chính sách đủ “lực” để thúc đẩy đồng bào phát triển kinh tế mạnh hơn, thoát nghèo bền vững.
Một vấn đề nữa mà chúng tôi tập trung giải quyết hiện nay là tình trạng tảo hôn. Theo thống kê cuối năm 2015, tỉ lệ tảo hôn ở Ninh Thuận lên tới hơn 38%, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào Raglai. Trước thực trạng này, trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, chúng tôi mong muốn có nhiều nguồn lực từ chương trình, dự án của Nhà nước và các tổ chức quốc tế để đầu tư cho công tác tuyên truyền, giáo dục và hướng nghiệp cho thanh niên để các em có điều kiện tiệm cận với trình độ phát triển chung của xã hội, hạn chế tình trạng tảo hôn.

Nghệ nhân Ưu tú Hùng Đình Quý, dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang:
Theo tôi, việc nghiên cứu tín ngưỡng dân gian của các dân tộc sẽ có ý nghĩa và tác dụng to lớn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của văn hóa truyền thống trong đời sống đồng bào các DTTS hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị các hình thức tín ngưỡng trong lễ hội để lễ hội dân gian thực sự trở thành một sản phẩm văn hóa đặc biệt của ngành du lịch. Tôi cho rằng, phải có kế hoạch kiểm kê đầy đủ và đánh giá đúng mức đối với các di sản văn hóa truyền thống của các DTTS; tiến hành nghiên cứu, sưu tầm ghi hình, ghi âm lại các làn điệu dân ca; tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dạy chữ, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ.
Đặc biệt, cần có chế độ, chính sách thỏa đáng dành cho những nghệ nhân trình diễn cũng như những nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu các lễ hội dân gian. Không nên lầm lẫn giữa việc giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của nền văn hóa với những nghi thức của một lễ hội. Bởi, lễ hội là một hoạt động văn hóa đặc thù không thể tổ chức để phục vụ du khách bất cứ lúc nào. Không được phá vỡ không gian lịch sử của nó, không được can thiệp vào hình thức cũng như nội dung của lễ hội.

Ông Đàng Xem, dân tộc Chăm, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận:
Tôi là một trong số những người dân đang làm nghề gốm truyền thống Bàu Trúc. Trước đây, làng nghề Bàu Trúc chỉ làm các sản phẩm gốm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, thị trường hẹp dần, có lúc làng nghề rơi vào cảnh tàn lụi. Để vực dậy làng nghề, tôi đã làm thêm gốm mỹ nghệ với nhiều mẫu mã mới và được thị trường chấp nhận. Đây là hướng đi phù hợp, giúp sản phẩm gốm Bàu Trúc phát triển hội nhập với thời đại. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay của bà con làm gốm là thiếu vốn sản xuất. Với cách nung gốm truyền thống, lấy rơm phủ dày đốt đến khi chín, chúng tôi bị phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và khí hậu. Bà con muốn có vốn để xây dựng lò nung nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm gốm tốt hơn. Hiện nay, chúng tôi chỉ được vay khoảng 20 triệu đồng, trong khi đó, để xây dựng được lò nung gốm cần khoảng 100 triệu đồng. Tôi mong chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho người làm nghề gốm Bàu Trúc vay vốn với mức cao hơn để đầu tư phát triển sản xuất.

Bà Chu Thị Xuân, dân tộc Tày, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Cao Bằng:
Với nhiều chính sách cụ thể và thực hiện các chương trình, dự án lớn từ nguồn lực Nhà nước, vùng đồng bào DTTS đã có những thay đổi căn bản. Tôi và nhiều đại biểu khác về dự lễ tuyên dương lần này rất vui mừng và phấn khởi trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi thấy rằng, các chính sách của Đảng và Nhà nước đang triển khai thực hiện rất cụ thể. Tuy nhiên, từ chủ trương chính sách ra với đời sống thực tiễn còn chậm. Để phát triển bền vững vùng DTTS, theo tôi, cùng với việc thực hiện các chính sách khác, Đảng và Nhà nước cần ưu tiên đầu tư về nguồn vốn cho vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cần định hướng cho bà con phát triển sản phẩm phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, đồng thời, phải có hướng nâng tầm, nâng giá trị của sản phẩm đó lên.
Ông Mai Sen, dân tộc Pa Cô, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị:

Từ năm 1977, sau khi đi bộ đội về, tôi đã dành toàn bộ thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Pa Cô. Tôi đã sưu tầm được 35 làn điệu dân ca cổ và 12 nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô. Tôi cũng bỏ tiền sưu tầm, mua lại cồng, chiêng để lưu giữ cho con cháu. Tôi đã viết nhiều bài viết nghiên cứu về văn hóa của người Pa Cô và dịch ra tiếng phổ thông cho con cháu được biết. Hiện nay, người Pa Cô đang được xếp chung vào dân tộc Tà Ôi. Bản thân tôi cảm thấy rất buồn vì điều này. Người Pa Cô có văn hóa riêng của mình, không thể gọi chúng tôi là người Tà Ôi. Chúng tôi có điểm giống người Tà Ôi về trang phục, tuy nhiên, chúng tôi có lễ hội và tiếng nói khác với người Tà Ôi từ cây nêu, đến các lễ nghi trong lễ hội. Ngay cả chiếc khèn bè cũng là người Tà Ôi học của dân tộc chúng tôi. Là người con của dân tộc Pa Cô với hơn 30 năm sưu tầm và bảo tồn văn hóa dân tộc, tôi đề nghị Trung ương giữ gìn lại dân tộc của tôi, không nên gọi người Pa Cô là người Tà Ôi.
Nguyễn Bích (Thực hiện)