Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Tấm lòng vô bờ bến của ông Năm Hoa

Biên phòng - “Tôi chỉ ngồi nói chuyện với anh 30 phút, còn phải tranh thủ vào bệnh viện nấu cơm từ thiện. Ngày mai thay ca, tôi huy động anh em đến dỡ nhà cũ, làm nhà mới cho vợ chồng ông cụ ngoài 75 tuổi. Tháng này nước lũ về, ruộng chưa làm gì, anh em đang rảnh việc, tranh thủ làm xong 5 cái nhà. Làm từ thiện quanh năm, công việc nó cứ tới liền liền” - Ông Nguyễn Văn Hoa, ở phường biên giới Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang mở đầu chuyện làm từ thiện với tôi một cách rôm rả.

k7ic_10a
Chiếc “xe cẩu” trị giá gần 600 triệu đồng của ông Năm Hoa được sử dụng để đi làm từ thiện. Ảnh: Hải Luận

Dân trong vùng gọi ông với cái tên trìu mến là “ông Năm Hoa”. Ông dẫn tôi ra tham quan xưởng cưa, xe ô tô tải, xe cẩu... để đầy một khuôn viên rộng. “Nếu bà con, cô bác nào cho cây gỗ thì tôi lại điều chiếc xe cải tiến (xe cẩu) đến cắt và chở về xưởng cưa ra thành từng miếng. Ai cần làm nhà thì đến nói với tôi, tôi đến xem địa hình, vẽ thiết kế, tính toán số lượng gỗ, phần thiếc (tôn) lợp và thưng hai bên. Gặp hộ nào quá nghèo, tôi đi tìm mạnh thường quân nói cho họ hay, phụ giúp thêm phần nào. Sau đó, chọn ngày lành tháng tốt, huy động mấy anh em trong tổ từ thiện đến dựng nhà cho người ta mà không lấy một đồng nào” - Ông Năm Hoa xởi lởi nói.

Làm từ thiện quên cả bệnh

Thời gian đầu, ông Năm Hoa chỉ đi làm từ thiện những việc nho nhỏ. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo vùng biên giới, cần hỗ trợ, vì ngôi nhà đã xập xệ. Cứ vào mùa mưa lũ, nhà ông giống như “treo” trên dòng nước sông Vĩnh Ngươn. 

Ông Hoa kể: “Đi làm từ thiện nhiều quá nên tôi “quên” cả bệnh trong người. Năm 2016, tôi đi lên thành phố khám bệnh. Mấy bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh la rầy: “Người ta có sỏi mật to cỡ 10 ly đã tử vong rồi. Anh làm gì mà không đi khám bệnh để viên sỏi mật to 32 ly, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng”. Bệnh viện mổ lấy sỏi ra, khi ấy, sức khỏe tôi rất yếu, về nhà không được làm việc nặng”.  

Về nhà, ông Hoa đâu có nghe lời bác sĩ dặn, mà chỉ nghe lời người nghèo. Nghỉ ngơi được 2 tuần, ông bắt đầu đi cất nhà từ thiện cho bà con, làm hoài đến bây giờ không sao. Hết làm nhà từ thiện, ông chuyển sang làm đất trồng thuốc Nam. Tổ từ thiện của ông thu được 21 tấn thuốc Nam tặng cho nhà thuốc dưới TP Long Xuyên, để họ bốc thuốc cho người nghèo đến chữa bệnh. Đến ca trực nấu cơm từ thiện trong bệnh viện 1 tuần, ông vào ở lại cả ngày lẫn đêm trong đó để phục vụ bệnh nhân.

Từ năm 2006, ông Năm Hoa lập xưởng cưa làm từ thiện, sau đó sắm chiếc xe tải đi chở đồ đạc. Năm 2010, ông mua chiếc xe công nông về “độ chế” thành chiếc xe cẩu, tổng chi phí gần 600 triệu đồng. Ông Năm Hoa tâm sự: “Mình phải hết lòng “xuất gia” mới toàn tâm, toàn ý làm từ thiện. Mỗi lần làm nhà từ thiện, tôi phải chạy vài lượt khảo sát thực tế, lên bản vẽ, tính toán chi ly để đảm bảo tiết kiệm tối đa vật liệu cho gia chủ”.  

Trộm không “ghé thăm” vì khâm phục

Anh em làm tại xưởng, bà vợ ông Hoa lo đi chợ nấu cơm ăn sáng, uống cà phê và ăn trưa, làm ở xa, bà cũng chuẩn bị cơm trưa mang đi theo. Gặp những nhà quá nghèo, làm xong nhà rồi, họ không có gì ăn, ông Hoa lại động viên anh em thợ đóng góp thêm tiền mua gạo giúp đỡ. Riêng ông Hoa, lúc nào cũng đóng góp cao hơn 500.000 - 1.000.000 đồng so với người khác.

Quan sát kỹ nhà ông Hoa, cũng chỉ là nhà tạm, lợp tôn, bà vợ bán quán nước nhỏ, trên tường nhà treo rất nhiều Bằng khen. Tôi hỏi thật lòng: “Vợ chồng anh chẳng giàu có gì, lấy tiều đâu mà đi làm từ thiện quanh năm, suốt tháng. Rồi lo thêm ăn uống cả đoàn thợ?”. 

fcx8_10b
Ông Nguyễn Văn Hoa (Năm Hoa) làm nhà cho hộ nghèo ở phường biên giới Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc. Ảnh: Hải Luận

- Ngoài quán nước ra, nhà tôi còn có ruộng, mỗi vụ lúa lãi 15 triệu đồng. Vụ vừa rồi chỉ kiếm được 10 triệu đồng, coi như “tiếp” vô hết để lo trang trải tiền dầu, tiền điện xưởng cưa, thay thế thiết bị nọ kia. Mấy đứa con đi làm công nhân có lương cũng phụ thêm. Nhà mình như thế này là quá tốt rồi, chú ơi. Mần (làm) việc thiện mà kể lể nhiều làm chi? - Ông Năm Hoa trả lời.

- Trung bình mỗi tháng, đội của anh làm từ 2-6 nhà từ thiện, có lúc nào bị kẹt “vốn lưu động” không?

- Nhiều lúc kẹt quá trời, quá đất, làm đến đâu thì xoay tiền đến đó. Các mạnh thường quân có đưa tôi nhiều tiền, tôi cũng không lấy. Vì lỡ về anh em trong đội có công, có chuyện chưa làm kịp nhà cho bà con, họ nghi ngờ, sinh ra tiếng xấu. Cách tôi làm, tính toán kỹ phần nào tôi lo được, phần nào chủ nhà lo được thì đi mua đồ về làm. Đa phần họ đưa tiền tôi đi mua cho chủ nhà luôn. Tiền dầu chạy xe hằng ngày có mấy bà chủ hầm cá, ruộng lúa... đến vụ thu hoạch, họ “vô” cho vài triệu đồng. Bao nhiêu năm nay không có ai nói tôi ăn gian một đồng nào cả.

Ông Huỳnh Văn Quang, nhà ở gần nhà ông Năm Hoa nhận xét: “Trước đây, nhà tôi có đám hiếu, nhờ xe của ông Năm Hoa đi đưa tang. Xong việc, tôi đưa ông can dầu để sử dụng làm nhiên liệu, ông cương quyết không nhận. Ông đi làm từ thiện cho người ta, ly cà phê đá ông cũng không uống của chủ nhà, chứ đừng nói lấy tiền công. Vùng này nghiện ma túy nhiều, hở ra là mất trộm. Nhưng xưởng cưa của ông Năm Hoa không cần làm hàng rào, không có cửa, máy móc, thiết bị để đầy ra đó. Mười mấy năm, ông không mất một thứ gì. Mấy người “lên cơn” nghiện, tài sản của gia đình họ cũng không tha, nhưng lại “tâm phục và khẩu phục” tấm lòng của ông Năm Hoa”. 

“Trước đây, nhà chú Năm Hoa rất nghèo, nhà ở xập xệ. UBND phường Vĩnh Ngươn đưa vào danh sách làm nhà Đại đoàn kết cho gia đình chú, chú không chịu cho làm. Chúng tôi xuống động viên để phường làm cho cái nhà, để chú an tâm đi làm từ thiện giúp bà con. Nghe vậy, chú mới chịu cho làm cái nhà trị giá 30 triệu đồng. UBND TP Châu Đốc đưa 50 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp chú Năm Hoa, chú kiên quyết không nhận. Chú Năm Hoa sang cả Campuchia làm nhà từ thiện, đi làm ở các huyện xa: Tịnh Biên, An Phú, Tân Châu...” - Ông Lê Hoàng Long, Phó Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, thông tin thêm về phẩm chất tuyệt vời của ông Năm Hoa.

Hải Luận

Bình luận

ZALO