Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

“Tấm lòng vàng” hướng về biên cương

Biên phòng - Đôi bàn tay gầy lăn bánh chiếc xe lăn quay những vòng chậm chạp, nhưng nhiều năm qua đã nhẫn nại đưa chị Trần Ngọc Thúy (sinh năm 1981, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh) đến các nẻo đường biên giới, đồng hành với người dân nghèo.

Chị Trần Ngọc Thúy cùng cán bộ Biên phòng đi trao tiền hỗ trợ cho bà con ở Quảng Nam. Ảnh: Văn Chương

Tháng 9/2022, người dân vùng biển Quảng Nam vẫn chưa quên hình ảnh cảm động của chị Thúy mặc áo phao cùng chiếc xe lăn bươn chải khắp các xóm chài khi “siêu bão” Noru vừa càn quét qua, thì mới đây đồng bào trên biên giới lại thấy chị hối hả xuất hiện đồng hành cùng BĐBP Quảng Nam trong các hoạt động thiện nguyên trong Chương trình “Tháng Ba biên giới”.

Xe lăn leo núi

Những người lần đầu gặp chị Trần Ngọc Thúy khó tin nổi người phụ nữ khuyết tật trên chiếc xe lăn lại có thể đi suốt chiều dài biên giới ở Quảng Nam, Quảng Bình, Thanh Hóa, len lỏi vào những con đường, khe núi mà ngay cả những người lành lặn cũng khó khăn để đến được.

Cuối năm 2022, chị Thúy cùng nhóm bạn thiện nguyện từ thành phố Hồ Chí Minh ra Quảng Nam để cùng BĐBP đi khảo sát thực tế, trước khi trở về thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi những mạnh thường quân, “tấm lòng vàng” cùng chung tay hỗ trợ xây dựng công trình dân sinh trên biên giới. Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam trực tiếp đi cùng chị Thúy. Đại tá Mẫn không quá ngạc nhiên với cô gái ngồi xe lăn đi leo núi, bởi trước đó, hình ảnh chị Thúy đã liên tục xuất hiện bên cạnh dòng sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa để làm từ thiện cùng với những người lính Biên phòng.

Trên đường lên biên giới Quảng Nam, chị Thúy chia sẻ về những khó khăn, thiếu thốn của người dân vùng cao biên giới khiến chị gác chuyện kinh doanh các mặt hàng sành sứ để đi làm thiện nguyện. Chị kể, không sao quên được hình ảnh các em nhỏ ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trong một lần tổ chức “Đêm hội trăng rằm”. Hàng trăm em nhỏ náo nức đến nhận quà, bánh kẹo, nhưng em nào đã nhận được quà rồi thì cho nữa cũng lắc đầu vì để dành cho bạn khác.

Mỗi lần lên biên giới là những dịp chị Thúy trải lòng trên trang cá nhân, tạo ra năng lượng sống tích cực trong cộng đồng: “Chúc bạn dù cho dốc cạn sức lực, cũng sẽ không phải lưu lại sự tiếc nuối/Chúc bạn một đời nỗ lực, một đời được yêu thương…?”. Trong một lần tới Đồn Biên phòng La Êê, chị Thúy tò mò nhìn chiếc xe cấp cứu nhà binh từ thời Liên Xô. Chị Thúy đã nhìn thấy chiếc xe này ở một số đơn vị, nhưng chiếc xe cấp cứu ở Quảng Nam đã cũ nát. Một cán bộ Biên phòng cho biết: “Ngựa chiến này đã giúp nhiều bà bầu sinh con nhỏ”.

Hai chữ “bà bầu” càng làm lòng chị dấy lên niềm thương cảm. Vậy rồi, chị Thúy trở về thành phố Hồ Chí Minh và viết dòng chia sẻ trên trang cá nhân: “Tâm nguyện mong muốn hỗ trợ cho đơn vị và bà con ở xã La Êê chiếc xe cấp cứu chuyên dụng…”. Trước đó, chị đã kêu gọi và hỗ trợ 1 chiếc xe cấp cứu cho Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình. Còn trong đại dịch Covid-19 năm 2021, chị vừa huy động, vừa mua 4 chiếc xe cấp cứu để thành lập đội cơ động hỗ trợ cấp cứu cho bệnh nhân và mai táng nạn nhân của dịch Covid-19.

Xe lăn đi trong “siêu bão”

Tháng 9 năm 2022, tin tức dồn dập về “siêu bão” Noru sẽ càn quét qua Quảng Nam, từ huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh, chị Thúy luôn dõi theo tình hình rồi lên lịch cho chuyến đi. Những người quen nhiệt tình ủng hộ, bởi trước đó - trong trận đại hồng thủy năm 2020 ở Quảng Bình, chị Thúy đã xuống tận rốn lũ, mang theo gạo, mì tôm, lên ca nô đi trên sông Phước Giang…

Ngay sau “siêu bão” Noru, chị từ thành phố Hồ Chí Minh đáp chuyến bay ra miền Trung giữa lúc bầu trời đầy mây vần vũ, đường băng sân bay hiện ra mờ mờ dưới trời mưa nặng hạt. Chị không thể chờ thêm, vì vừa đọc xong dòng tin trên trang cá nhân của em Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh năm 2003, quê ở thôn Bích An, xã Tam Xuân 1, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam: “Hoàn cảnh của em rất khó khăn, cha mất sớm, mẹ có chồng khác nhưng ở xa và cũng khó khăn, em ở với ông bà nội trong ngôi nhà tình nghĩa. Bão Noru làm sập ngôi nhà em đang ở. Hiện nay, em gãy 2 bên sườn, 1 bên chân và tràn dịch màng phổi…”.

Chị Thúy tham gia phát quà cho con em đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Văn Chương

Cảm động trước tấm lòng của chị Thúy, BĐBP Quảng Nam đã đưa chị đến trao quà cho em Hiền, sau đó đi ngay xuống hiện trường để phát quà, bao gồm máy phát điện, áo phao, lương thực, hỗ trợ tiền cho các hộ dân gặp khó khăn…

Trước ngôi nhà bị sập của ông Phạm Thọ ở thôn Đại Quý, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, chị Thúy lặng người chứng kiến vợ chồng già rơi nước mắt vì “nhà tui coi như ngã quẹo chấu, nó hư nặng như rứa thì biết khi mô mới có tiền làm lại được!”. Chị Thúy động viên: “Bây giờ, mất của nhưng người còn, có gì con sẽ giúp cô, chú”. Vậy rồi, chị lại tiếp tục kêu gọi từ hiện trường để xin những “tấm lòng vàng” hãy chung tay chia sẻ, giúp đỡ người nghèo ở Quảng Nam.

Trên trang Facebook của chị vào những ngày đó có hẳn “nhật ký đi bão miền Trung”. Sau “siêu bão” Noru, chị đã đi liên tục trong 5 ngày 3 đêm, vượt hơn 3.000km dọc tuyến đường theo dải miền Trung.

Em nhớ Quảng Nam!

Quảng Nam có rất nhiều điều để chị nhớ và nhớ mãi! Chị không chỉ vượt qua “siêu bão” Noru, mà còn dám xả thân trong nhiều cơn bão khác. Trước đó, vào ngày 24/8/2021, giữa đại dịch Covid-19, ngôi nhà của chị ở huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh trở thành một nhà kho chứa bình oxy, thuốc, lương thực, thực phẩm. Không biết bao nhiêu lần những tin nhắn của bà con lao động gọi tới để nhờ hỗ trợ.

Ban đầu, chị Thúy ở hậu phương điều hành 4 chiếc xe cấp cứu ngược xuôi khắp nơi để đi cứu người, hỗ trợ lương thực cho bà con nhiều tỉnh, thành phố, rồi đến cuối tháng 8/2021, chị quyết định rời “nhà kho” với bộ đồ bảo hộ trên chiếc xe lăn để trực tiếp đi tham gia cứu người.

Trong chương trình Ngày hội Biên phòng toàn dân được Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vào ngày 24/2/2023, chị Thúy là một trong những nhà hảo tâm đứng ra kêu gọi, kết nối nhiều nhóm từ thiện khác từ thành phố Hồ Chí Minh mang đến cho đồng bào nhiều món quà trị giá gần 1 tỷ đồng. Chị Thúy chia sẻ: “Đồng bào vùng này có phước lớn, vì bộ đội quá nhiệt tình lo cho bà con nên mình cũng cố gắng chung tay mang lại niềm vui cho mọi người”.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho biết, dù là một người khuyết tật, nhưng chị Trần Ngọc Thúy là một con người đã chiến thắng số phận, rồi trở thành một con người mạnh mẽ hơn cả những người lành lặn. Chị đã dành hết tấm lòng mình cho bà con nơi biên cương.

Hà Anh

Bình luận

ZALO