Biên phòng - Nhiều người vẫn gọi Thượng úy Phạm Tuân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu là “Tuân kết nối”, “Tuân từ thiện” hoặc “Tuân thanh niên”. Có những tên gọi ấy là bởi công việc tình nguyện cũng như những món quà mà anh và đồng đội đã mang lại cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp các bản làng khu vực biên giới tỉnh Lai Châu đã in đậm trong tâm trí của nhiều người.

Năm 2011, Thiếu úy Phạm Tuân nhận công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu. Đó cũng là lần đầu tiên chàng thanh niên được sinh ra và lớn lên giữa Thủ đô Hà Nội được thấy những dãy núi trùng điệp chưa bao giờ thấy đỉnh, bởi quanh năm mây phủ. Khi chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới, Tuân tự nhủ “cần phải làm gì đó”. Biết rằng, nếu chỉ huy động vật chất, công sức từ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu sẽ là chưa đủ, Thiếu úy Phạm Tuân đã nghĩ đến việc kết nối với các tổ chức Đoàn ở các địa phương miền xuôi, nơi mà anh biết rất rõ sẽ có nhiều tấm lòng thơm thảo, chỉ mong có những “địa chỉ” để sẻ chia.
Chỉ 3 năm là Trợ lý thanh niên, BĐBP Lai Châu, Trung úy Phạm Tuân đã vận động các tổ chức, cá nhân được gần 7 tỷ đồng ủng hộ thầy trò các trường học trên tuyến biên giới của tỉnh. Những món quà không chỉ là những tấm áo ấm, những hộp sữa, túi gạo, thùng mì cho các em qua khó khăn trước mắt, mà anh còn gợi ý cho các đoàn thiện nguyện ủng hộ xây dựng các công trình góp phần chia sẻ những khó khăn cùng các thầy cô và học sinh trên hành trình giấc mơ con chữ. Anh đã tham mưu, kết nối, vận động các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên cả nước xây dựng 17 phòng bán trú, phòng học, nhà ăn bán trú cho các em học sinh, trị giá 2,7 tỷ đồng.
Niềm vui trường mới, nhà mới có thể thấy rất rõ khi gặp thầy trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Huổi Luông, Trường Tiểu học Tung Qua Lìn, Trường Mầm non Pa Vệ Sử, Trường Tiểu học Bản Mỏ - Nậm Xe, huyện Phong Thổ; Trường Trung học cơ sở Tá Bạ; Trường Tiểu học Ka Lăng; Trường Mầm non Tá Bạ, huyện Mường Tè; Trường Trung học cơ sở Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn...
Năm 2015, với vai trò là Trợ lý thanh niên BĐBP Lai Châu, Trung úy Phạm Tuân đã chủ động kết nối với Chi đoàn Báo Quân đội nhân dân và các nhà tài trợ, xây dựng hệ thống ống dẫn và bể nước phục vụ các nhà trường và người dân tại địa bàn xã Dào San, huyện Phong Thổ, trị giá trên 200 triệu đồng. Việc làm trên mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi từ đây các thầy cô, học sinh bán trú cũng như người dân xung quanh không còn phải đi lấy nước ở khe núi với đường xa, trơn trượt.
Hiện nay, Thượng úy Phạm Tuân dành sự quan tâm đặc biệt tới những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ có sự kết nối của Thượng úy Phạm Tuân, thời gian qua, nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã may mắn được giúp đỡ. Trước đó, năm 2014, biết Giàng A Tính (tại bản Xin Chải, xã Mù Sang, Phong Thổ) mồ côi cha mẹ, anh đã “ngỏ ý” với Đoàn thanh niên Khối doanh nghiệp tỉnh Lai Châu xây tặng gia đình em căn nhà “Khăn quàng đỏ”.
Anh cũng đứng ra vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 2 em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo là Tẩn Tả Mẩy và Lý Thị Hòa (xã Vàng Ma Chải) 60 triệu đồng để chữa bệnh. Điều đáng nói là sau khi Tẩn Tả Mẩy về Bệnh viện Mắt Trung ương để mổ, Trường Nguyễn Đình Chiểu đã tiếp nhận em, nuôi ăn học miễn phí. Sau đó không lâu, Tẩn Tả Mẩy đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu liên hệ với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu tiếp nhận em để đơn vị cũng như gia đình thuận tiện hơn trong việc chăm sóc.
Hỏi về những dự định trong thời gian tới, Thượng úy Phạm Tuân chia sẻ: “Trên địa bàn quản lý của đơn vị có rất nhiều gia đình khó khăn, nhiều trẻ em đi học vẫn thiếu quần áo, giày dép. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ với đơn vị, tôi vẫn tiếp tục công việc thiện nguyện, cố gắng đem được những gì tốt đẹp nhất cho những con người gắn bó với mảnh đất biên cương này”. Thế mới biết, với những người có tấm lòng thiện nguyện thì ở đâu, làm gì cũng luôn nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình.
Trúc Hà