Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 10:16 GMT+7

Tấm lòng người lính quân y nơi vùng biên Ia Púch

Biên phòng - Đối với người dân biên giới xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, hình ảnh Thiếu tá Nguyễn Văn Giang, y sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch, BĐBP Gia Lai đã trở nên rất đỗi gần gũi, thân quen. Ngày qua ngày, với chiếc túi quân y trên vai, người lính ấy luôn tận tình, không quản ngại nắng mưa khó khăn, vất vả để thăm khám bệnh cho người dân với tấm lòng đầy trách nhiệm. Anh đã để lại trong lòng dân một hình ảnh đẹp về người thầy thuốc mang quân hàm xanh.

zk6s_3a
Thiếu tá Nguyễn Văn Giang khám sức khỏe cho già làng Siu Long, tại làng Goong, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Kim Nhượng

Thiếu tá Nguyễn Văn Giang đã có hơn 20 năm công tác trên địa bàn huyện Chư Prông, gắn bó với đồng bào từ những năm khó khăn, gian khổ. Bằng tấm lòng nhiệt tình, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bà con, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang được đồng bào nơi đây xem như người thầy thuốc tin cậy, người con của thôn làng biên giới.

Vượt qua những cánh rừng cao su xanh ngắt nối dài thẳng tắp, len qua con suối cạn, chúng tôi theo chân Thiếu tá Nguyễn Văn Giang tới trạm quân dân y kết hợp nằm tại làng Goong, xã Ia Púch, huyện Chư Prông. Nhìn khuôn mặt đã chai sạm vì nắng gió nơi biên ải của người lính quân y, chúng tôi mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Theo lời kể của Thiếu tá Nguyễn Văn Giang, chúng tôi được biết: Năm 1991, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện quân sự tại Tam Dương, Vĩnh Phúc, anh cùng hơn 50 cán bộ, chiến sĩ vào Tây Nguyên nhận nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh được đơn vị giữ lại cử đi học lớp y tá tại Trường Trung cấp Quân y 1, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng từ đó, cái duyên nghề y đã bắt đầu vận vào anh với những năm tháng đầy khó khăn nhưng luôn tràn đầy tiếng cười. Những chuyến công tác địa bàn, thấy người dân nơi đây còn khó khăn trăm bề, đời sống lạc hậu, anh đã tự nhủ lòng mình phải làm một điều gì đó cho dân. Bằng những kiến thức đã được tiếp thu tại nhà trường, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang miệt mài xuống từng nhà dân, trực tiếp thăm khám cho bà con, hướng dẫn bà con cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, vận động người dân bỏ những tập tục lạc hậu.

Đầu năm 2017, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Púch thành lập trạm quân dân y kết hợp và giao cho Thiếu tá Nguyễn Văn Giang trực tiếp quản lý. Từ khi có trạm quân dân y, anh càng có điều kiện hơn để miệt mài với công việc. Ngoài việc thường xuyên thăm khám cho bà con tại trạm, anh còn lựa chọn 13 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ neo đơn, có công với cách mạng để triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, theo dõi định kỳ, hỗ trợ thuốc men tốt nhất trong khả năng có thể. 

Đầu giờ trưa, chúng tôi cùng Thiếu tá Nguyễn Văn Giang tới nhà ông Siu Long ở làng Goong, là 1 trong 13 trường hợp đặc biệt được Đồn Biên phòng Ia Púch hỗ trợ y tế. Ông Siu Long năm nay đã 74 tuổi, trước đây là cán bộ xã, nghỉ hưu làm già làng, gắn bó mật thiết với BĐBP. Nhìn ông Siu Long bước chân tập tễnh ra tận cổng đón khách, chúng tôi thực sự cảm động. Ông Siu Long kể: “Mấy ngày trước đi làm rẫy, bước hụt nên cái chân bị đau, giờ đi lại khó khăn, bệnh tuổi già nữa, thời tiết thất thường là ốm, ho, cảm. Cứ mỗi lần như thế, y sĩ Giang lại đến khám cho mình, cho thuốc uống, mấy hôm là đỡ ngay...”. 

Nói về đóng góp của quân y Đồn Biên phòng Ia Púch, ông Siu Long nói với giọng cảm mến: “Bao nhiêu năm qua, anh Giang gắn bó với bà con, với mảnh đất này. Ngày nắng cũng như ngày mưa không hề quản ngại. Nhà nào có người ốm là anh Giang đến ngay, già này ở đây bao nhiêu năm, anh Giang đến thăm khám bệnh cho người dân trong thôn, chưa thấy anh lấy của dân một cái kẹo nào. Làm giúp không trả công mà vui lắm, lúc nào bộ đội và nhân dân cũng cười...”.

Có những mẩu chuyện về Thiếu tá Nguyễn Văn Giang rất giản đơn nhưng thấm đẫm tình người. Chuyện anh đồng hành hàng chục năm bên cạnh ông Kpă HLô, ở làng Goong, bệnh nhân bị liệt nửa người hơn 30 năm nay. Bằng tấm lòng của người thầy thuốc mang quân hàm xanh, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên, khám bệnh, mua thuốc. Bất cứ việc gì nằm trong tầm tay, anh đều sẵn sàng giúp đỡ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Giang cho biết: “Những năm trước, nơi đây còn hoang vu, rừng rậm um tùm, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, ngay cả người làm nghề như tôi cũng liên tục dính sốt rét. Cách đây khoảng 5 năm, có cậu thanh niên Rơ Mah Pét ở làng Goong bị sốt rét ác tính. Nhận được tin báo của gia đình, tôi chạy xuống nhà ngay để khám và sơ cứu. Sau khi tiêm thuốc hạ sốt, cho uống thuốc tạm thời cắt được cơn sốt rét ác tính. Từ hôm đó trở đi, hễ có triệu chứng của sốt rét là cậu thanh niên này lại xuống trạm quân dân y ngồi đợi tôi. Nhiều người bảo ra huyện khám, nhưng Rơ Mah Pét nhất định không đi”. 

Hơn 20 năm công tác trên vùng biên Chư Prông, Thiếu tá Nguyễn Văn Giang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chứng kiến những thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men của trạm quân dân y làng Goong, anh đã đề xuất với chỉ huy đồn mua thêm thuốc để phục vụ dân làng, đỡ cho bà con không phải đi lại khó khăn.

Những ý kiến đề xuất của Thiếu tá Nguyễn Văn Giang luôn được chỉ huy đồn ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Ngoài bám dân, bám làng, y sĩ Nguyễn Văn Giang còn chịu khó học hỏi, sử dụng thành thạo ngôn ngữ của đồng bào nơi đây, để phục vụ tốt quá trình khám chữa bệnh. Anh cũng chịu khó sưu tầm những cây dược liệu quý, có sẵn tại đơn vị để giảm chi phí hoạt động của trạm, tích cực cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch hướng dẫn bà con cách ăn ở, sinh hoạt hợp vệ sinh, giúp đỡ bà con trong việc chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới. 

Tấm lòng của người thầy thuốc quân hàm xanh không chỉ được người dân yêu quý, tin tưởng xem như người thân ruột thịt, mà còn trở thành biểu tượng cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên vùng biên giới Ia Púch.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO