Biên phòng - Có lẽ, chưa bao giờ người dân thôn Sa Trầm (xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và những người anh em Lào ở A Xóc (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan) lại có 1 năm mà tất cả mọi thứ đều “dừng lại ở đường biên giới” vì các cửa khẩu tạm ngừng xuất, nhập cảnh phổ thông để phòng, chống dịch Covid-19. Thế nhưng, khó khăn, vất vả ấy chỉ là động lực để tấm lòng Lào- Việt ngày càng khăng khít, bền chặt hơn…

Bà Hồ Thị Mơng ở thôn Sa Trầm năm nay đã gần 100 tuổi, nhưng trí nhớ vẫn vô cùng minh mẫn. Sinh ra và lớn lên ở đây nên những thăng trầm của vùng đất miền biên viễn này bà đều biết. Nói về những “người anh em” ở các bản phía đối diện, bà bảo: “Ôi, cùng là dân tộc Vân Kiều cả, tuy là người Lào, người Việt, nhưng lúc nào cũng là anh em”. Và, trong nhiều ngôi nhà ở A Xóc, ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được treo trang trọng bên cạnh ảnh lãnh tụ Cay xỏn Phonvihan và Hoàng thân Xuphanuvong. Mỗi dịp đến Tết lúa mới A Da, người Vân Kiều ở Sa Trầm lại mang gạo, rượu, gà, lợn về nhà thờ ở A Xóc cúng tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho vụ mùa bội thu. Tết cổ truyền của Việt Nam, Tết Bun Pi May, mọi người mặc bộ quần áo đẹp nhất, ngồi bên nhau uống rượu đón Xuân về. Và, bao đời nay, người A Xóc, Sa Trầm dù khó khăn, nghèo khổ vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Năm 2009, được sự nhất trí của chính quyền địa phương 2 bên, bản A Xóc và thôn Sa Trầm tổ chức kết nghĩa bản- bản. Từ đây, người dân không chỉ gắn bó với nhau bằng tình thân như vốn có mà còn giúp nhau làm kinh tế, cải thiện cuộc sống. Người dân thôn Sa Trầm tặng giống cây sắn cao sản rồi hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con bản A Xóc. Đất đai ở A Xóc vốn màu mỡ, tới kỳ thu hoạch, gốc nào cũng sai củ, có nhà thu được cả chục tấn. Người Lào ở các bản Hồ, Tà Riệp thấy thế cũng lấy cây giống về trồng.
Cứ thế, các bản giáp biên của huyện Sa Muồi dần được phủ xanh bằng loại cây xóa đói, giảm nghèo của những người anh em Việt Nam. Để nông sản trở thành hàng hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và tỉnh Salavan ký kết hợp tác để các tiểu thương, công ty của Việt Nam sang thu mua, bao tiêu sắn cho bà con ở các bản A Xóc, Hồ, Tà Riệp. Yên tâm về đầu ra cho nông sản, bà con rất phấn khởi, ngày càng mở rộng diện tích trồng sắn. Và, từ số tiền thu được, nhiều người làm nhà mới, mua xe máy, cho con cái về trung tâm huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan theo học.
Những lúc như thế, người A Xóc lại nhớ, càng biết ơn những người anh em ở Sa Trầm nhiều lắm. Ở khúc đoạn biên giới này, tình “Việt- Lào anh em” không chỉ là câu nói mà nó còn được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.
Có một đặc điểm chung là trong những câu chuyện về tình đoàn kết Việt - Lào anh em, người dân bản A Xóc, thôn Sa Trầm thường nhắc đến những người lính Đồn Biên phòng Ba Nang. Mấy chục năm qua, từ khi đường vào Sa Trầm chỉ là lối mòn vắt qua những ngọn núi, người lính Biên phòng lúc nào cũng nghĩ đến bà con Vân Kiều, cả ở Việt lẫn ở Lào.
Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, cửa khẩu đóng, rồi mưa lũ triền miên, đường sạt lở, xe cộ, hàng hóa không lưu thông được, người ở A Xóc, Sa Trầm khó khăn, vất vả lắm. Không ít nhà hết gạo, đến bữa chỉ có măng và rau rừng. Trước khó khăn của bà con, Đồn Biên phòng Ba Nang đã vận động, kết nối với các nhà tài trợ, mạnh thường quân để từ đó có gạo, mỳ tôm, thịt hộp và cả khẩu trang, nước sát khuẩn tay cho người dân trên địa bàn. Điều đáng nói là, Trạm công an A Xóc, Trung đội 2 thuộc Đại đội Bảo vệ Biên giới 511, rồi người dân bản A Xóc và cả bản Hồ, Tà Riệp cũng đều có phần.

Người Lào ở bản A Xóc không còn phong tục ăn Tết Nguyên đán, nhưng đến cuối năm vẫn chuẩn bị rượu, gà, gạo để cùng nhau “đi Tết” anh em ở Việt Nam. Cuộc sống còn khó khăn, các thứ mang theo “của ít lòng nhiều” là chính, vậy mà cả người nhận và người “đi Tết” ai nấy đều vui vẻ. Năm nay, dịch và mưa lũ kéo dài, đường sạt lở nên sắn trồng ra không bán được hoặc ngâm lâu ngày trong nước hỏng hết, bà con Lào “thất thu” một khoản lớn. Trước Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, Đồn Biên phòng Ba Nang đã tặng gạo và nhu yếu phẩm cho nhân dân các bản A Xóc, Hồ, Tà Riệp và lực lượng bảo vệ biên giới huyện Sa Muồi với ý nghĩa “cùng vui Xuân với người Việt”.
Cán bộ, chiến sĩ cũng không quên 1 phần quà cho Hồ Văn Sắc (bản A Xóc) là học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Nhà Sắc nghèo, nhưng ai trong bản cũng đều biết Sắc rất chăm chỉ học hành. Bởi thế mà khi Đồn Biên phòng Ba Nang đặt vấn đề muốn nhận đỡ đầu một học sinh, mọi người đều nghĩ đến Sắc. Cả năm nay, vì dịch Covid-19, không thể gặp nhau, thế nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Nang vẫn gửi lời nhắn nhủ, động viên Sắc cố gắng hơn nữa. Và kết quả học tập là câu trả lời rõ ràng nhất, chứng minh lời hứa của Sắc ngày được các chú Biên phòng Việt Nam đến nhận đỡ đầu.
Hôm ấy, ở cửa khẩu phụ Cóc, chúng tôi gặp Trưởng bản A Xóc là Hồ Văn Năng, đi cùng là một số người trong bản, mang theo những chiếc gùi đựng măng, rượu và gà để “góp cho họ hàng ở Sa Trầm ăn Tết”. Tấm lòng của người A Xóc lúc nào cũng giản dị nhưng lại rất đỗi chân thành. Bởi thế mà ở khúc đoạn biên giới này, mùa xuân không chỉ là cây cối đâm chồi nảy lộc mà còn có cả tình Việt- Lào anh em trong gian khó càng keo sơn, gắn bó...
Trúc Hà