Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 11:21 GMT+7

Tấm lòng của người lính Biên phòng Thừa Thiên Huế

Biên phòng - Chương trình “Nâng bước em tới trường” được khởi điểm từ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế. Chương trình này sau đó được nâng lên, rồi nhân rộng ra toàn lực lượng Biên phòng. Nhưng hiện tại ở BĐBP Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ người nghèo nơi biên giới theo kiểu rất Huế, đó là mỗi cá nhân tự bỏ tiền ra hỗ trợ các gia đình nghèo và nhận con nuôi.

pk5w_13b
Cháu A Viết Thị Ngọc Tuyền được Đội VĐQC Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhận làm con nuôi và hàng tháng đội tự góp tiền lương để chăm lo cho cháu. Ảnh: Lê Văn Chương

 “Đội” nhận thêm con

Đại úy Lưu Xuân Nghiêm, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nói về một “phát hiện mới” của đội với vẻ tự hào: “Anh em đi địa bàn, gặp cô giáo nói có một cháu gia đình rất khó khăn nên bỏ học, chúng em lập tức tìm hiểu và đã nhận cháu làm con nuôi”. Ngồi kể chuyện về cô bé học trò, Đại úy Nghiêm lấy tấm ảnh trong điện thoại đưa cho tôi xem và trên gương mặt anh hiện rõ nét thương cảm khi nói về số phận éo le của gia đình cô bé A Viết Thị Ngọc Tuyền, nhà ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn, huyện A Lưới. Em Tuyền hiện là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Hương Lâm.

Tôi khá ấn tượng về cách nhận và nuôi con của Đội Vận động quần chúng, đó là mỗi đồng chí góp 50 nghìn đồng/tháng. Mỗi tháng thu được 500 nghìn đồng, các anh sẽ mang gửi cho gia đình để giúp em mua sách vở. Nhưng số tiền này còn giúp bố của Tuyền “ké” vào mua ít gạo để sống những ngày cuối đời. Ông mong mỏi, nếu cuộc đời mình có mệnh hệ xấu thì 10 anh em trong Đội Vận động quần chúng sẽ là 10 ông bố hằng ngày chăm sóc cho 2 đứa con bơ vơ trẻ dại của ông.

Đại úy Nghiêm kể lại, gia đình của em nhỏ này rất khó khăn, cha bị bại liệt nằm một chỗ, mẹ sinh ra Tuyền được 3 tháng thì bỏ nhà đi biệt không về, có lẽ đã tìm được cuộc sống mới. Anh trai của Tuyền là A Viết Tuấn năm nay đang học lớp 7 cũng chưa biết đến ngày nào thì phải nghỉ học.

Anh em Đội Vận động quần chúng lại phát hiện thêm một chi tiết nữa trong lai lịch gia đình, đó là ông nội của cô bé từng là Thiếu úy, Đội trưởng Đội Vũ trang của Đồn Biên phòng 633, nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Đơn vị đã nhận đỡ đầu một số cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhưng Đội Vận động quần chúng xác định sẽ nhận thêm 2 em nữa. Trách nhiệm cộng với niềm cảm thương vô hạn đối với gia đình Tuyền đã khiến anh em Đội Vận động quần chúng thay nhau thường xuyên kèm cặp 2 em học hành. Cô giáo chủ nhiệm và anh em trong đội đã kết nối điện thoại, kết quả học tập của 2 em sẽ được trao đổi thường xuyên kịp thời để chia sẻ, hỗ trợ.

“Chào cán bộ Biên phòng A Mom”

Thiếu tá Nguyễn Duy Từ, cán bộ Đồn Biên phòng Hương Nguyên đến thăm gia đình anh Tít nghèo nhất xã và có hoàn cảnh đặc biệt éo le. Anh Tít có dáng người nhỏ thó như đứa trẻ. Mỗi khi anh nói thì tất cả các cơ trên khuôn mặt đều nhăn nhúm như bị một sợi dây kéo về một phía. Anh Tít bao nhiêu tuổi, anh cũng không nhớ rõ và người ngoài nhìn anh cũng rất khó đoán tuổi. Anh bị mù từ lúc lọt lòng mẹ. Hằng ngày, anh Tít vui với cây đàn một dây. Tiếng đàn phát ra âm thanh đùng đục trong ngôi nhà lạnh lẽo, như phát đi câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của anh Tít.

zhfm_13a
Anh Tít (bên trái) và mẹ vui mừng khi được nhận gạo hỗ trợ thường xuyên của cá nhân Thiếu tá Nguyễn Duy Từ. Ảnh: Lê Văn Chương

Khi nghe tiếng xe máy vào đầu ngõ, tiếng chân dẫm trên lá xoài khô rụng đầy trên sân, anh Tít đã nhoài người ra vẫy tay và nói bằng tiếng đồng bào. Người lính đi cùng tôi dịch lại rằng, anh Tít đang gọi: “Chào cán bộ Biên phòng A Mom, chào anh Từ!”. Cán bộ Biên phòng A Mom là cách nói thân thiết của dân bản dành cho những người mà họ yêu mến. Vì trước đây, Đồn Biên phòng Hương Nguyên nằm cạnh con suối A Mom. Sau một trận bão và mưa kéo dài, một mảng núi bất thần ập xuống kéo phăng phòng khách xuống suối sâu. Mọi người đều hoảng hồn vì cú sập núi bất ngờ và may mắn không ai bị vùi lấp. Sau lần đó, đồn dời đến mỏm đồi yên ngựa cách đường Hồ Chí Minh khoảng 7km.

Thiếu tá Nguyễn Duy Từ hiện nay giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã A Roàng. Anh đã đi xuống từng thôn bản, thăm hỏi từng nhà dân. Khi đến gia đình của bà Kăn Bích, thấy hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cả 2 mẹ con đều bị bệnh. Bà trở thành bà lão già nua trước tuổi, còn cậu con trai bị tật nguyền. Gia đình bà trước đây sống ở bên Lào, khu vực nằm giáp với Việt Nam, từ năm 1986, bà đưa con sang ở hẳn bên Việt Nam và được cấp giấy tờ sinh sống.

Vậy là hàng chục năm qua, Thiếu tá Từ thường xuyên đến thăm hỏi, mỗi tháng tự trích tiền, mua gạo đến hỗ trợ mẹ con anh Tít. Anh còn kêu gọi và kết nối các tổ chức từ thiện đến giúp đỡ gia đình. Ngôi nhà mẹ con anh Tít ở cũng do Chương trình 134 xây dựng.

Bên những người mẹ

Khi tôi đi đến các đồn Biên phòng ở Thừa Thiên Huế, xuống gian bếp ăn thường thấy đơn vị nào cũng đặt một “Hũ gạo tình thương”. Cái đặc biệt ở Thừa Thiên Huế là “Hũ gạo tình thương” to đến mức một người ôm không xuể. Tôi mỉm cười và hỏi chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An về “đường đi của gạo” như thế nào để người dân nghèo cảm thấy ấm lòng, còn anh em chiến sĩ cũng qua đó học được tình thương yêu con người, trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng và xã hội.

Thiếu tá Trần Bá Phao, Chính trị viên phó (hiện phụ trách bảo vệ an ninh nội bộ Phòng Chính trị) đưa tôi xuống địa bàn, tới thăm những gia đình nghèo để hiểu thêm về cách thể hiện nghĩa tình của anh em. Gia đình bà Trần Thị Giữa là người theo đạo Thiên chúa, đây cũng là một trong những gia đình được anh em đơn vị hỗ trợ thường xuyên. Anh Phao cho biết, trước đây, Bộ Chỉ huy thực hiện chương trình xây nhà Tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo. Nhưng qua tiếp xúc với bà con thì anh em nhận thấy, có những hộ đã có nhà, nhưng lại thiếu gạo, con cái làm nghề biển không lo đủ cái ăn cho gia đình. Vì vậy, anh em thường xuyên hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo cho 4 hộ nghèo trên địa bàn.

Thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế, ngoài Chương trình “Nâng bước em tới trường” thì mỗi tháng, các cá nhân, đơn vị lại tự quyên góp hỗ trợ cho người nghèo khoảng 400kg gạo để thể hiện tình cảm với bà con. Khi người này chuyển công tác thì giao nhiệm vụ lại cho anh em khác đứng ra nhận đỡ đầu. Anh em cho biết, khi làm việc đó thì cảm thấy thỏa lòng, có nhiều người âm thầm làm việc nghĩa nhưng không muốn công khai và cho rằng họ làm vì cái tâm của người lính.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO