Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 08:15 GMT+7

Tấm lòng của một vị tướng

Biên phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã từ trần ngày 11-9-2021. Hơn 50 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quân đội, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tỏ lòng tưởng nhớ Đại tướng, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đã thực hiện bộ phim tài liệu “Tấm lòng của một vị tướng”. Bộ phim đã mang đến cho khán giả một góc nhìn mới về Đại tướng Phùng Quang Thanh - vị tướng có những phẩm chất bình dị mà cao quý, lòng thương yêu đồng đội, sống trọn nghĩa, vẹn tình với nhân dân.

Đại tướng Phùng Quang Thanh động viên chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ tại huyện Đan Phượng, Hà Nội vào ngày 25-3-2013. Ảnh: Nguyễn Minh Trường

Người chiến sĩ dũng cảm trên chiến trường

Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2-2-1949, tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là thành phố Hà Nội) trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống cách mạng. Ông là người con duy nhất của liệt sĩ Phùng Quang Sức. Cha ông là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, dù bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng và đã anh dũng hy sinh vào năm 1950, lúc đó Đại tướng Phùng Quang Thanh mới 1 tuổi.

Là người con duy nhất của gia đình liệt sĩ, theo chế độ chính sách, Phùng Quang Thanh được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, được kế thừa truyền thống cách mạng của gia đình, thừa hưởng sự anh dũng, ngoan cường từ người cha liệt sĩ mà Phùng Quang Thanh đã tình nguyện viết đơn bằng máu, quyết xung phong lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Năm 1967, sau khi nhập ngũ, Phùng Quang Thanh là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào, làm nhiệm vụ trinh sát. Đồng chí đã cùng đơn vị bám trụ liên tục, dài ngày trên chiến trường Đường 9, Bắc Quảng Trị, tham gia và lập công trong nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vào mùa xuân năm 1971.

Qua hồi ức của Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, bộ phim đã dẫn dắt người xem ngược dòng thời gian, trở về những năm kháng chiến chống Mỹ. Đó là ngày 10 tháng 2 năm 1971, Phùng Quang Thanh với cương vị là Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ Đồi Không Tên. Địch dùng một đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã chỉ huy trung đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên.

Hai ngày sau, địch tấn công lên chốt, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng đồng chí vẫn xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Phùng Quang Thanh đã nhờ đồng đội lấy 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người, nhờ y tá băng treo cánh tay trái cho đỡ vướng, rồi dẫn đầu đơn vị xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng Trung đội do Phùng Quang Thanh chỉ huy diệt 37 tên, bắt sống 1 tên, thu 2 súng. Đây là trận đánh mở màn cho Trung đoàn 64, được trung đoàn nêu gương là “trận đánh nhanh, diệt gọn, đạt hiệu suất chiến đấu cao, tạo khí thế thi đua chiến đấu lập công trong toàn trung đoàn”. Chiến thắng đã góp phần quyết định bẻ gãy xương sống của kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ”.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến cho biết thêm: “Trận đấy nếu không có Trung đội của Phùng Quang Thanh chiến đấu giữ chốt, địch sẽ đánh thẳng xuống sở chỉ huy Trung đoàn, chúng tôi có thể bị địch tập kích, tiêu diệt. Đó là công của Trung đội 2, có người chỉ huy là Phùng Quang Thanh dù bị thương vẫn dũng cảm xông lên chiến đấu, giết địch. Điều đó khiến tôi thấy rất xúc động. Ngay sau trận đánh, chính tôi đã thống nhất với thường vụ của Trung đoàn 64 đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho người lính quả cảm Phùng Quang Thanh”.

Kết thúc chiến dịch, đơn vị bình công, đồng chí Phùng Quang Thanh được anh em nhất trí bầu là “Chiến sĩ thi đua”, “Dũng sĩ quyết thắng”, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì. Ngày 20 tháng 9 năm 1971, đồng chí Phùng Quang Thanh vinh dự được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau này, phát huy phẩm chất của người anh hùng, đồng chí Phùng Quang Thanh tiếp tục trưởng thành trong chiến đấu, trải qua nhiều cương vị công tác trong QĐND Việt Nam. Ở cương vị công tác nào ông cũng dốc toàn tâm, toàn sức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Vị tướng giàu lòng nhân ái

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ năm 2006 đến năm 2016), Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chính sách và hậu phương quân đội. Dù công việc bộn bề, nhưng đồng chí vẫn luôn hiện hữu một tấm lòng nhân hậu trước sau đối với đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Thiếu tướng Trần Văn Minh, nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: “Đại tướng thường trao đổi những trăn trở, suy nghĩ về việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân hoàn thành nhiệm vụ, làm sao để những người có công, người tham gia kháng chiến và gia đình họ giảm bớt những khó khăn, để họ luôn gắn bó và tiếp tục công hiến cho cách mạng”.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nhiều lần đến thăm các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng, trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đồng chí thương binh, để rồi từ đó, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng và sự tham mưu của các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, một loạt các chủ trương, chính sách đã được đề ra như: Tuyển dụng, tạo việc làm cho con thương binh nặng ở các trung tâm điều dưỡng; các phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được dấy lên mạnh mẽ như phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, các chế độ hỗ trợ cho thương binh, bệnh binh khi khám và điều trị tại các bệnh viện quân đội.

Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai ngày 16-5-2015. Ảnh: Nguyễn Minh Trường

Đến bất cứ địa phương nào, dù lịch trình dày đặc, Đại tướng vẫn dành thời gian đi thăm, kiểm tra nơi ăn ở, sinh hoạt vui chơi của bộ đội. Đại tướng rất hay trò chuyện, thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của các chiến sĩ mới, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, chiến sĩ thuộc diện chính sách, gia đình khó khăn...

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình quân đội tâm sự: “Đối với anh em làm phát thanh - truyền hình quân đội có rất nhiều điều không thể quên về sự quan tâm của Đại tướng Phùng Quang Thanh với bộ đội. Có lần đồng chí đã dành cho trung tâm cuộc phỏng vấn trong một phóng sự tết. Năm đó, mùa đông rất lạnh. Khi chúng tôi đến nhà riêng gặp, đồng chí đã thốt lên: “Thời tiết này, anh em Biên phòng ở biên giới rét lắm các chú à. Tôi vừa ở đó về. Tôi đã nói với Tổng Cục Hậu cần và chỉ huy các đơn vị nghiên cứu cách nào để tất cả anh em ở biên giới được tắm nước nóng và tăng cường bổ sung áo bông để bộ đội chống rét”. Qua ánh mắt sâu thẳm và gương mặt của đồng chí toát lên sự lo toan. Chúng tôi hiểu được sự quan tâm, sâu sát của đồng chí Phùng Quang Thanh đối với cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới".

Vị tướng của quê hương, gia đình

Xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, quê hương của Đại tướng Phùng Quang Thanh, từ con đường làng được tôn tạo đến ngôi trường nhỏ ở vùng đất nông thôn chân chất nay đã khang trang, đều có sự đóng góp công sức của vị tướng họ Phùng. Dân làng Thạch Đà ai cũng yêu quý Đại tướng- người con của quê hương bởi tấm lòng, nghĩa cử của ông với đồng đội, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cựu chiến binh Phùng Viết Thú, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh xúc động bày tỏ: “Nhắc đến Đại tướng Phùng Quang Thanh là nói đến tình cảm sâu nặng của Đại tướng đối với Đảng bộ và nhân dân Thạch Đà. Với tất cả mọi người, các giới, từ trẻ đến già, Đại tướng đều để lại những tình cảm yêu thương, sâu nặng. Nhân dân Thạch Đà tự hào vì có Đại tướng Phùng Quang Thanh dù chức trọng, quyền cao nhưng tình cảm vẫn rất gắn bó, gần gũi với bà con. Anh Thanh đi viện, về nhà, về quê dân đều biết cả. Người ta đều biết và hỏi thăm anh. Đại tướng phải có tình cảm như thế nào mới chiếm được sự ưu ái, tình cảm sâu nặng đối với đảng bộ, nhân dân xã Thạch Đà như thế”.

Dù trách nhiệm nặng nề trong công việc, nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn luôn quan tâm đến hạnh phúc gia đình. Bà Nguyễn Thị Lộc, phu nhân, người bạn đời thủy chung son sắt nên duyên vợ chồng với ông từ những ngày binh lửa khốc liệt chiến tranh. Vị Đại tướng một thời dày dạn trận mạc khi trở lại đời thường mới có thời gian dành cho gia đình, con cháu và đồng đội. Đại tướng xúc động khi nói về phu nhân của mình: “May mắn là tôi có một người vợ thủy chung, đảm đang, hết mực yêu chồng, thương con, luôn luôn hy sinh vì chồng, vì con. Có thể nói, mọi công việc của gia đình đều do bà nhà tôi đảm nhiệm hết. Cũng vì công việc mà cả ba lần vợ sinh con tôi không có nhà…”

Cả cuộc đời gánh vác việc quân, với Đảng ông tận tụy, trung thành, dành toàn tâm sức, trí tuệ để cống hiến. Với bộ đội và nhân dân, ông quan tâm chia sẻ thẳng thắn chân thành, giản dị mà khiêm tốn, nhân ái và bao dung.

Giờ đây, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã về với đất mẹ, nhưng cả cuộc đời binh nghiệp, nhân cách đức độ, tác phong công tác của Đại tướng Phùng Quang Thanh mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam noi theo.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO