Biên phòng - Là một doanh nhân Đức, gốc Việt, ông Nguyễn Đắc Nghiệp cũng là người nhập cư duy nhất đắc cử vào Nghị viện thành phố Thale (Đức) hồi tháng 5-2014. Ông mới bắt tay vào triển khai hệ thống giáo dục quốc tế tại quê nhà, với hy vọng góp phần đưa giới trẻ Việt Nam hội nhập với nền tri thức hiện đại của thế giới.

Từ công nhân lái cần cẩu thành Nghị sĩ Đức
Gia đình ông Nghiệp ở Hà Nội, nhưng ông sinh ở Vĩnh Phúc. Mùa đông năm 1972, khi Mỹ ném bom Hà Nội, ông Nghiệp là chiến sĩ thông tin cho một đơn vị pháo ở Thanh Trì. Trận "Điện Biên Phủ trên không" với nhiều mất mát, đau thương nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân Thủ đô khi ấy mãi mãi là một phần ký ức không thể phai mờ trong lòng ông: "Tôi quên sao được những người anh em, đồng chí vừa ngồi ăn cơm với mình, một lát sau đã hy sinh dưới làn mưa bom bão đạn". Sau khi rời quân ngũ, ông Nghiệp tiếp tục theo học và trở thành kỹ sư âm thanh tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Năm 1987, ông Nghiệp sang Đông Đức, làm công nhân lái cần cẩu của một nhà máy luyện thép ở thành phố Thale. "Những năm 1989, 1990, Đông Đức chìm vào khó khăn, bất ổn. Nhiều người bạn Việt Nam của tôi đã quyết định trở về. Cũng như họ, câu hỏi ở lại hay trở về nước khiến tôi vô cùng suy nghĩ. Nhưng chẳng lẽ mình chịu thất bại (?). Tôi nghĩ mình làm được hơn như thế và quyết định ở lại" - ông Nghiệp nhớ lại.
Mất việc, ông Nghiệp phải chuyển từ khu tập thể nhà máy ra ngoài thuê nhà ở, bắt đầu cuộc sống mới từ công việc buôn bán ở chợ. Hằng ngày, chàng thanh niên trẻ dậy từ lúc 3-4 giờ sáng trong cái lạnh -25 độ C, bắt tàu hỏa đến biên giới với Ba Lan mua quần áo, mang về Thale bán. Thời kỳ đầu, ông Nghiệp phải trải áo mưa dưới gốc cây để bày bán hàng. Dần dần, ông tích lũy vốn, thuê một gian hàng trong chợ, rồi thuê đất làm cửa hàng khang trang... Nhờ tiết kiệm, chăm chỉ, con đường thành công của ông Nghiệp dần rạng rỡ. Nơi 28 năm trước ông từng là công nhân thì nay ông mua lại, đặt trụ sở công ty riêng của mình.
Nghị sĩ Đức gốc Việt chia sẻ, để có được thành công, ông không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng. Dù bận rộn công việc, ông Nghiệp vẫn tranh thủ tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng giao dịch với khách hàng, về ngoại ngữ...
Hiện, ông Nghiệp là Tổng Giám đốc của Công ty Sapa Thale (Cộng hòa Liên bang Đức). Trước đó, ông từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần GF 2000 AG tại Leipzig và là chuyên viên của hãng Bảo hiểm Đức DKV.
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông Nghiệp còn là chính trị gia gốc Việt đầy tiềm năng ở Đức. Ngày 25-5-2014, thành phố Thale (thuộc bang Sachsen-Anhalt, Đức) và 11 vùng phụ cận trực thuộc tổ chức bầu cử Nghị viện thành phố với nhiệm kỳ 5 năm. Ông Nguyễn Đắc Nghiệp là người nhập cư duy nhất thắng cử, giành được một ghế trong Nghị viện thành phố.
"Người dân tại thành phố chứng kiến quá trình nỗ lực và gặt hái thành công của tôi nên ngày càng dành cho tôi tình cảm yêu mến, trân trọng. Có lẽ, chính vì thế, trong cuộc tranh cử, tôi nhận được số phiếu bầu lớn từ người dân để giành được ghế trong Nghị viện thành phố" - ông Nghiệp bày tỏ.
Không có ý định theo con đường chính trị, nhưng sự nghiệp ấy đến với ông Nghiệp như là duyên số và sự may mắn. Ông kể: "Vợ tôi nấu phở rất ngon. Nhiều chính trị gia trong thời gian tôi làm kinh doanh có lẽ cảm mến tôi cũng từ tính cách và món phở do vợ nấu nên họ ra sức ủng hộ tôi ra tranh cử".
Góp sức phát triển quê hương
Là người con xa xứ, Nghị sĩ Nguyễn Đắc Nghiệp luôn mong muốn quê hương Việt Nam phát triển, người dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Theo ông Nghiệp, con đường đến với sự phát triển này là giáo dục, vì vậy, năm 2015, ông bắt đầu phát triển hệ thống giáo dục quốc tế quê nhà.
Ông khai trương hệ thống giáo dục quốc tế Sapa Thale Cộng hòa Liên bang Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5-2015. Đây là hệ thống giáo dục có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế và liên thông với các trường, tổ chức giáo dục danh tiếng ở Mỹ, Anh, Đức, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa. "Tôi muốn góp một phần công sức để đưa nền tảng giáo dục quốc tế về với học sinh, sinh viên Việt Nam thông qua hệ thống giáo dục Sapa Thale. Học sinh, sinh viên đạt kết quả tốt trong các kỳ thi sẽ nhận được phần học bổng theo chương trình liên kết đào tạo của nhiều trường trên thế giới" - ông Nghiệp bày tỏ.

Là một chính trị gia, ông Nghiệp rất tích cực trong việc làm cầu nối cho quan hệ giữa hai nước Đức - Việt Nam và ủng hộ các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Đặc biệt, ông đang tích cực tuyên truyền, vận động các bạn bè người Đức ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.
Ông cùng cộng đồng người Việt tại Đức rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Ông Nghiệp cho biết, ở thành phố Thale, nơi ông sinh sống và làm việc, các lớp học tiếng Việt vẫn được mở đều đặn vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. "Hiểu được ngôn ngữ thì người trẻ sẽ hiểu về văn hóa cội nguồn, gắn bó và yêu thương quê hương mình" - Nghị sĩ Đức gốc Việt khẳng định.
Sau chuyến thăm quê hương vào cuối năm 2015, trở về Đức, ông Nghiệp cùng Ban Chấp hành Liên hiệp người Việt tại Đức bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2016 trên nước Đức. Theo ông Nghiệp, vào các ngày lễ lớn của dân tộc hay dịp Tết cổ truyền, cộng đồng người Việt tại Đức cùng nhau họp mặt đông đủ, tổ chức liên hoan, múa lân, múa sư tử... Các "diễn viên" không chuyên mặc áo dài, khăn đóng, trình diễn các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc Việt... Không khí Tết quê nhà được những người con tha hương tái hiện đầy đủ với việc bày mâm ngũ quả, thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên. Rất nhiều bạn bè Đức được mời tới tham dự, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của Tết Việt. "Các quan chức địa phương, bạn bè Đức đều rất thích thú với văn hóa đón Tết cổ truyền của Việt Nam", ông Nghiệp chia sẻ.
Sắp tới, trên cương vị của mình, ông Nghiệp đang có kế hoạch xúc tiến việc tổ chức kết nghĩa giữa thành phố Thale (Đức) và thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), quê hương ông.
Phong Anh