Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 01:48 GMT+7

Tấm lòng của một chiến sĩ Campuchia

Biên phòng - Suốt 17 năm qua, đồng hành với những cán bộ, chiến sĩ đội tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Lào và Campuchia (Đội K53, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) có rất nhiều cán bộ và nhân dân Lào, Campuchia và cũng chừng ấy năm, tình bạn đẹp như sắc hoa rừng biên giới của những cán bộ Đội K53 với Thiếu tá Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Campuchia có cái tên thật giản dị là Khiêu Hrum lại thêm khăng khít.

2l4y_10a
Thiếu tá Khiêu Hrum (thứ 2, từ phải sang) cùng các đội viên Đội K53 họp triển khai nhiệm vụ cho các mũi công tác thực địa. Ảnh: Phạm Vân

Dù điều kiện địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và điều kiện cơ sở vật chất của bạn còn hạn chế, song, suốt 17 năm qua, Đội K53 đã luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình của chính quyền, nhân dân nước bạn. Hằng năm, khi bắt đầu mùa khô, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ratanakiri cử 7 cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ cho Đội K53 trong suốt hành trình 6 tháng. Các cán bộ làm công tác bảo vệ, hỗ trợ Đội K53 thực hiện nhiệm vụ đều là những người có năng lực và tâm huyết. Họ cùng những cán bộ tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam sát cánh bên nhau trong những lần luồn rừng cả tuần giữa cái nắng chang chang, những lần ngược dòng Mê Kông cả chục cây số, những điểm khai quật ròng rã nhiều năm trời mà không nản chí, những khoảnh khắc vỡ òa khi tìm thấy di vật đầu tiên, mảnh xương đầu tiên...

Thượng tá Trần Kiệm, nguyên Đội trưởng Đội K53 giai đoạn 2002 - 2006 chia sẻ: “17 năm vui buồn cùng Đội K53, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, các đồng chí cán bộ chuyên trách của tỉnh Ratanakiri đã đồng cam cộng khổ nhiều tới mức chính chúng tôi cũng vô cùng khâm phục và xúc động. Không những tích cực bảo vệ an ninh cho Đội K53, các đồng chí còn giúp đội nắm bắt thông tin từ nhân dân nước bạn về khu vực mộ chí liệt sĩ. Khi đội không tìm thấy hài cốt liệt sĩ, họ cũng buồn, ăn không ngon, ngủ không yên như các thành viên của đội. Còn lúc đào trúng điểm mộ thì ai nấy vui mừng khôn xiết”.

Thượng tá Kiệm nhớ rằng, Đội K53 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Ratanakiri và các tỉnh Tây Bắc Campuchia ngày nào thì Thiếu tá Khiêu Hrum tình nguyện xung phong tham gia hoạt động bảo vệ cho đội từ khi ấy. Ngồi trong ngôi nhà gỗ tại một xóm ven thành phố Ban Lung, anh bảo, 17 năm qua, căn nhà này của vợ chồng anh Khiêu Hrum là nơi cư trú của đội mỗi khi sang làm nhiệm vụ và cũng là nơi tập kết, thờ cúng các liệt sĩ quy tập được trên địa bàn tỉnh Ratanakiri.

 Năm 2001, khi Đội K53 chính thức sang Ratanakiri làm nhiệm vụ theo Hiệp định đã kí kết của Chính phủ hai nước, Khiêu Hrum lúc đó đang là cán bộ của Ty Công an tỉnh. Anh đề nghị xin được đi bảo vệ Đội K53 làm nhiệm vụ, bởi anh luôn trân trọng những hi sinh của "Đội quân nhà Phật" đã giúp quân đội và nhân dân Campuchia đánh đuổi bọn diệt chủng Khmer đỏ. Sau này, khi đã cùng Đội K53 luồn rừng vượt suối, anh mới cho biết, anh từng có một người chú ruột bị Pôn Pốt treo cổ trên ngọn cây đầu làng để uy hiếp bà con. Cha anh phải chạy xuyên đêm vào rừng sâu lánh nạn mới thoát khỏi họa sát thân. Chính vì thế, càng căm hận Khmer đỏ bao nhiêu, anh càng biết ơn quân tình nguyện Việt Nam bấy nhiêu.

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh của Thiếu tá Khiêu Hrum không hề đơn giản. Những đồng chí Việt Nam đi đến đâu thì anh có mặt ở đó. Nhiều đợt hành quân đi bộ cả tuần liền, vai mang vác hơn 20kg hành lý và công cụ để đến được những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Có những ngày đi không gặp một bóng người dân, nước uống phải dành dụm từng chút, lương thực thì cạn kiệt, phải nhịn đói cả ngày. Hầu hết thời gian các anh phải ngủ gần khu vực khảo sát để tiện cho việc tìm kiếm; lán trại dựng đơn giản giữa rừng. Mùa khô nóng nung người, muỗi vắt đêm rừng nhiều vô kể, nhưng anh không nản chí, vẫn sốc vác, bền bỉ với nhiệm vụ và tâm nguyện của mình từ mùa khô tiếp nối mùa khô.

Rồi để thuận tiện cho công việc, Khiêu Hrum học tiếng Việt từ các anh em trong đội, từ những câu đơn giản đến phức tạp, rồi lại hướng dẫn anh em nói những câu đơn giản như hỏi thăm đường, xin nước uống, hỏi thông tin về địa hình, nơi nghi ngờ có mộ liệt sĩ... từ nhân dân vùng biên Ratanakiri. Năm này qua năm khác, Khiêu Hrum từ chỗ không hiểu anh em Việt Nam nói gì thì nay đã nói tiếng Việt rất thuần thục. Và những người đồng đội Việt Nam của anh cũng đã có thể nói tiếng Campuchia khá tốt.

Trung tá Lê Công Khoa, Đội trưởng Đội K53 cho biết, quá trình đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, gặp không ít khó khăn về nơi ăn ở, vị trí đóng quân của đơn vị cũng như về đường sá, phương tiện cơ động... Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thông tin mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam là yếu tố hết sức quan trọng. Với lợi thế là một sĩ quan cảnh sát, có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng và nắm bắt thông tin nên Khiêu Rưm đã giúp ích cho đội rất nhiều bằng việc vào các xóm ấp gặp gỡ nhân dân để tìm hiểu thêm về những địa điểm nghi có mộ liệt sĩ. Thậm chí vào 6 tháng mùa mưa, khi Đội K53 về Việt Nam, Khiêu Hrum trở lại làm nhiệm vụ của một cán bộ phòng cháy chữa cháy, song anh vẫn không quên tranh thủ thời gian tìm kiếm, sàng lọc thông tin để chuẩn bị cho mùa khô tiếp theo.

Chỉ trong 6 tháng mùa khô 2017 - 2018, Khiêu Hrum đã cùng Đội K53 nỗ lực khảo sát gần 300 hố thảm sát với cả nghìn mét khối đất đá để tìm được 10 liệt sĩ, quy tập và bàn giao về Việt Nam vào tháng 5 vừa qua. 17 năm qua, 406 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã trở về đất mẹ nhờ những hy sinh lặng lẽ của Đội K53 cùng những người bạn quý như Khiêu Hrum” - Trung tá Lê Công Khoa cho biết.

Đặc biệt, với tình cảm sâu nặng với bộ đội Việt Nam, Thiếu tá Khiêu Hrum và vợ là chị Sôm Phia đã mạnh dạn vượt qua mọi rào cản về phong tục tập quán cũng như khó khăn để dành cho cán bộ, chiến sĩ Đội K53 những gì tốt nhất, thuận lợi nhất trong thực hiện nhiệm vụ. Anh chị cho mượn nhà để Đội K53 ở trong những ngày tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trong khu vực, hỗ trợ củi lửa, lương thực để nấu ăn hoặc chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân nước bạn giúp đỡ bộ đội Việt Nam. Không những thế, cho dù phong tục tập quán của người Campuchia kiêng kị việc để hài cốt trong nhà, song căn nhà nhỏ của anh chị đã là nơi nghỉ chân của hàng trăm hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trên địa bàn Ratanakiri trước khi về Tổ quốc. Có những lúc, trong nhà anh để hơn 10 bộ hài cốt liệt sĩ.

Thắp nén hương thơm trên ban thờ nhỏ nơi góc nhà, chị Sôm Phia nói khẽ: "Các liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và nhân dân Campuchia nên chúng tôi coi các anh như người thân trong gia đình. Có những người tìm thấy từ đầu mùa khô, nếu để các anh nằm ngoài chòi mưa nắng suốt nhiều tháng thì hiu quạnh lắm, nên tôi cùng chồng thống nhất đưa các anh vào nhà mình để thờ cho ấm cúng. Lúc đầu, dân làng cũng đàm tiếu, sau, tôi lựa lời thưa với bà con nên mọi người cũng hiểu và dần đồng tình với chúng tôi".

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO