Biên phòng - Trong những năm tháng gian khổ, khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ luôn quan tâm, theo dõi tình hình miền Nam. Bác luôn đau đáu hướng về phương Nam với mong ước cháy bỏng là khi đất nước thống nhất, Nam – Bắc sum họp một nhà, Bác sẽ vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt.

Miền Nam nhớ Bác khôn nguôi
Đối với đồng bào miền Nam, dù chưa một lần được gặp Bác nhưng luôn hướng về Người với nỗi nhớ mong da diết. Tấm lòng bao dung, nhân ái, sự hy sinh cao cả của Người luôn luôn là biểu tượng cao đẹp nhất của ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Quân dân miền Nam mong muốn cháy bỏng và quyết tâm mau đánh thắng giặc Mỹ, đất nước thống nhất, để được đón Bác vào thăm. Tình cảm đó thiêng liêng, sâu nặng như tình mẫu tử -“miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.
Khi nghe tin Bác đi xa, người dân miền Nam nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn. Không chỉ tổ chức lễ tang mà nhiều hộ dân, nhiều địa phương ở miền Nam còn lập bàn thờ hoặc dựng đền thờ, nhà thờ, phủ thờ để tưởng niệm Người. Nghĩa cử thiêng liêng cao quý này diễn ra rộng khắp, từ vùng giải phóng, các căn cứ cách mạng đến cả trong vùng địch kiểm soát. Có những đền thờ được xây dựng ngay tại nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt. Bất chấp bom đạn của quân xâm lược, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, bằng tất cả tấm lòng của đồng bào miền Nam, gần 30 đền thờ đã được dựng lên trên vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long ngay trong năm Bác đi xa. Thế mới thấy tấm lòng, tình cảm đặc biệt của người dân miền Nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh-vị cha già của dân tộc.
Cà Mau là địa phương hiện có gần 20 đền, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 8 ngôi đền xây dựng xong ngay trong năm1969. Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: Sau 8 tháng kể từ ngày Bác mất, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển đã dựng 4 đền thờ Bác Hồ ở các ấp: Ông Bộng, Trại Xẻo, Cái Xép và Ông Trang. Ngôi đền thờ Bác đầu tiên hoàn thành vào ngày 12-9-1969, nằm ở ngã ba Kinh Đào, xã Viên An. Tất cả đều do cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương kiến tạo nên với lòng kính yêu Bác vô hạn. Trong bài “Đền thờ Bác Hồ ở chót mũi Cà Mau”, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã viết:
“Ở tận cùng mũi đất phương Nam
Trong xanh rờn rừng đước
Giữa ba bề rì rầm sóng nước
Người quê tôi theo cách riêng mình
Dựng một ngôi đền
Thờ Bác kính yêu”...
Để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc đối với vị cha già của dân tộc, tháng 6-2011, lãnh đạo, quân và dân tỉnh Cà Mau đã khởi công xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Cà Mau. Năm 2013, sau khi khánh thành, nơi đây đã trở thành địa chỉ du lịch văn hóa và giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Công trình trái tim”
Những ngôi đền thờ được xây trong vùng chiến sự đều gắn liền với những câu chuyện về những trận chống càn, những cuộc đấu tranh chính trị quyết giữ đền như giữ gìn tấm lòng son sắt, thủy chung với Đảng, với dân tộc, với Bác kính yêu. Điển hình là đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Ông Nguyễn Hữu Khoa, thương binh 2/4, người bảo vệ đền thờ Bác hiện nay (trước kia, ông Khoa là du kích huyện Vĩnh Lợi, đã nhiều lần chiến đấu bảo vệ đền thờ ngay từ khi mới được xây dựng) kể: Đền thờ Bác khánh thành đúng ngày 19-5-1972. Ban đầu, đền thờ được làm bằng các vật liệu đơn giản từ cây, lá, nhưng rất trang nghiêm, thể hiện tấm lòng kính yêu của đồng bào huyện Vĩnh Lợi nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung đối với Bác.
Hay tin bà con lập đền thờ Bác, bọn địch đã nhiều lần đưa quân đến đánh phá, nhưng đều thất bại trước sự anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Có lần, chúng đưa máy bay tới đánh phá, 4 chiến sĩ ta đã dũng cảm bắn trả và dụ chúng bay ra ngoài đồng để đánh lạc hướng. Lần khác, tên Chỉ huy trưởng Tiểu khu 411 ngụy, dẫn lính tới bắt nhân dân địa phương dẫn chúng vào để phá đền, nhưng mọi người kiên quyết phản đối và khẳng khái tuyên bố có bị bắn chết cũng không làm theo lời chúng. Họ còn dọa lại bọn giặc rằng xung quanh đền thờ có bãi mìn dày đặc. Trước tinh thần ấy của bà con, bọn lính phải rút lui, không dám mò vào khu vực đền thờ Bác.
Sau nhiều lần trùng tu, xây dựng, đến nay, đền thờ Bác ở đây đã trở nên khang trang hơn rất nhiều. Cùng với nhiều hạng mục công trình, trong đền thờ hiện trưng bày trên 300 tư liệu, hiện vật về cuộc đời, quá trình hoạt động của Bác và một số hình ảnh về quá trình đấu tranh cách mạng của quân dân xã Châu Thới và huyện Vĩnh Lợi.
Cũng như quân và dân ở các địa phương khác, ngay sau khi nghe tin Bác đi xa, Đảng bộ và nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành xây đền thờ Bác tại xã An Thạnh Nhì. Đúng ngày 19-5-1970, đền thờ Bác đã được khánh thành trong niềm vui hân hoan và nỗi nhớ Bác khôn nguôi của quân dân trong huyện. Ngôi đền nguyên bản chỉ đơn sơ bằng tranh, tre, gỗ, lá có cổng rào và gian thờ, được du kích và người dân trong vùng chăm sóc khói hương. Qua thời gian, ngôi đền vẫn luôn là niềm kiêu hãnh truyền đời của người dân xứ cù lao và trở thành điểm đến, địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trải qua nhiều lần tôn tạo, sửa chữa, đến năm 2010, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định đầu tư, tôn tạo đền thờ Bác Hồ gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, sân lễ, ao sen, tường rào, đường nội bộ... trên diện tích rộng hơn 2,2ha. Điểm đặc biệt ở Cù Lao Dung, là hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Bác mất, người dân địa phương, nhất là gia đình các lão thành cách mạng lại tổ chức chung giỗ Bác Hồ.
Ở Trà Vinh, đền thờ Bác Hồ được nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng ví là “Công trình trái tim”. Sau lễ truy điệu Bác, chi bộ và nhân dân xã Long Đức, thị xã Trà Vinh quyết định xây đền thờ để đồng bào, chiến sĩ có chỗ hương khói cho Bác. Đền thờ được khởi công tháng 3-1970, ngay giữa lòng địch, nằm liền kề 2 bót giặc và chỉ cách dinh của tên Tỉnh trưởng khoảng 5 cây số. Khi mới xây dựng, đền có kết cấu đơn sơ với vật liệu tre, lá trên diện tích khiêm tốn 16m2.
Trong chiến tranh, đền đã nhiều lần bị địch tàn phá, nhưng quân và dân Long Đức lại tiếp tục quyên góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới. Sau giải phóng, đền được trùng tu, tôn tạo nhiều lần với tên gọi mới: Khu di tích đền thờ Bác Hồ. Ngoài đền thờ, nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khu di tích còn có các hạng mục như: Khuôn viên cây xanh, ao cá, khu vui chơi cắm trại. Đặc biệt là mô hình nhà sàn Bác Hồ được thiết kế theo nguyên mẫu nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội.
Những đền, phủ thờ Bác Hồ ở miền Nam được tạo dựng trong chiến tranh, tuy quy mô lớn, nhỏ có khác nhau, nhưng mỗi công trình đều gắn liền với một câu chuyện cảm động về tấm lòng, tình cảm cao quý của người dân nơi đây đối với vị lãnh tụ vĩ đại suốt đời hy sinh vì dân, vì nước.
Đăng Bảy