Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

“Tấm lá chắn” bảo vệ dân trong thiên tai

Biên phòng - “Mỗi doanh trại BĐBP là khu nhà an toàn dể dân tránh bão, mỗi người lính Biên phòng là tấm lá chắn bảo vệ dân trước thiên tai, hoạn nạn” - Đó là những đúc kết từ thực tế sống động, chứa chan niềm tin yêu mà không chỉ một lần chúng tôi được nghe chính quyền, người dân tỉnh Khánh Hòa dành cho những người lính Biên phòng. Nửa năm sau trận siêu bão số 12 (tên quốc tế Damrey) đi qua, chúng tôi trở lại nơi này và được nghe người dân nhắc lại nhiều câu chuyện cảm động.

rufd_9a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang giúp người dân địa phương sửa chữa nhà cửa, tái thiết cuộc sống sau bão số 12 (ngày 4-11-2017). Ảnh: Phương Oanh

Từ chuyện “nhà Biên phòng  tránh bão”

Vượt con đường ngoằn ngoèo, lởm chởm đá chạy dọc theo chân núi Hòn Rớ vươn ra sát cửa biển, chúng tôi đến với những ngôi nhà của những người dân nghèo nằm ở cuối xóm Mũi Hòn Rớ (thuộc thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang). Đã hơn 6 tháng kể từ lúc trận siêu bão số 12 quét qua làng biển này, dấu tích của trận cuồng phong vẫn còn hiện diện trên các ngả đường trong xóm. Những căn nhà trống hoác, những vách tôn bị gió xé toạc, rách tả tơi vẫn còn ngổn ngang, xiêu vẹo. Những người dân nơi này cho biết, một vài gia đình nhờ sự trợ giúp của người thân, cùng khoản hỗ trợ 3 triệu đồng của Nhà nước đã sửa lại nhà. Còn lại, đa phần bà con phải bỏ căn nhà rách bươm của mình, đi tìm chỗ khác thuê trọ để ở.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng thôn Thành Đạt thông tin với chúng tôi, xóm Mũi có gần 200 gia đình, trong đó hầu hết là dân nghèo. Họ từ khắp nơi về đây khai phá đất núi, tạo dựng nhà cửa rồi bám trụ mưu sinh với nghề biển. Vậy nên, nhà của họ chỉ được dựng bằng tôn, rất tạm bợ. Trong siêu bão số 12, hơn 90% nhà ở xóm Mũi bị gió quật đổ sập hoàn toàn. Những tấm tôn bị gió hất tung lên, bay liệng khắp nơi chém đứt cả những cành cây to, nhưng  may mắn, cả làng không có thiệt hại về người. “Từ sau bão số 12 đến nay, mỗi lần thấy trời đổ mưa, thằng cháu nội còn học mẫu giáo của tui cứ ngằn ngặt đòi lên nhà của chú Biên phòng để ăn mì tôm và tránh bão” - Bà Trần Thị Ngọc, một người dân trong làng mở đầu câu chuyện.

Bà Ngọc nhớ lại, trước khi bão đổ bộ, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang đã cùng với cán bộ địa phương chia nhau đi từng thôn, xóm, vào từng nhà để kêu gọi, vận động dân lên Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Hòn Rớ để trú tránh bão. Thế nhưng, nhìn trời quang, lại chưa thấy có gió, vài người tỏ ra chủ quan, “đất này bão không thể vào”, có người đồng ý đi lại bảo tới trạm Biên phòng “ngủ cho vui!”. Với nhiều nỗ lực của anh em BĐBP và cán bộ địa phương, suốt từ chiều hôm trước đến mờ sáng hôm bão vào, xóm Mũi đã có một cuộc “di dân” hết sức rầm rộ. Trạm KSBP Hòn Rớ mở cửa đón gần 300 người dân xóm Mũi về trú tránh.

Chị Lệ, người con dâu của bà Ngọc xúc động kể, tất cả các căn phòng của anh em bộ đội, kể cả gian bếp nấu ăn đều đông chật bà con vào ở. Bộ đội đem tất cả gối, đệm, chăn màn, cả quần áo lính để cho dân đủ ấm. Cùng với cơm thịt, cá là mì gói, lương khô đã được anh em trạm dốc hết chia cho người dân. “Giữa mưa to, gió rít ào ào, nhìn các anh BĐBP trùm áo mưa, chạy từ phòng này qua phòng khác, thăm nom, chăm sóc các cụ già, em nhỏ, tìm xem có ai cần giúp đỡ, chúng tôi thấy lòng mình ấm áp, nể trọng các anh vô cùng” - Chị Lệ xúc động nói. Khi bão tan, chị Lệ cũng như những người hàng xóm của mình dắt díu con  quay về đã không khỏi hốt hoảng khi chứng kiến ngôi nhà mình đổ sập. “Nếu anh em đồn Biên phòng cùng chính quyền không tận tụy di dân tránh bão, có lẽ chính gia đình tôi và không ít người trong làng đã bị đè bẹp, hoặc bị tôn bay chém vào người gây thương tích” - Chị Lệ xúc động chia sẻ.

Đến “tấm lá chắn” bảo vệ dân

Anh Trương Vinh, một người dân ở làng biển xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh khẳng định, ở thời điểm hết sức hiểm nguy khi bão số 12 đổ bộ, nhờ sự có mặt kịp thời của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Vạn Hưng, gia đình anh mới tránh được thương vong. Anh cho biết, chiều trước bão, trời vẫn còn nắng, gió cũng lặng nên anh quả quyết bão không vào. Đêm dần về sáng, gió săn lên. Đến 4 giờ thì những luồng gió rất mạnh, giật liên tục, tiếng rít ù ù ghê rợn. Bắt đầu là một tấm tôn căn bếp nhà anh bị gió kéo bay. Tiếp đó, gió luồng ập vào, hất tung mọi thứ trong nhà. Anh Vinh hoảng hốt chưa biết làm cách nào để đưa hai đứa con và mẹ già ra khỏi căn nhà đang trong tình trạng rất nguy hiểm.

“May, ngay lúc đó có Thiếu úy của đồn Biên phòng mang áo mưa, mũ bảo hiểm chạy đến. Anh ấy nhanh nhẹn ôm ngay cháu nhỏ vào lòng rồi bảo tôi tiếp tục đặt đứa lớn lên lưng anh, đồng thời đội mũ bão hiểm, mặc áo phao cho cháu. Sau khi choàng thêm tấm áo mưa bao quanh người ba chú cháu xong, tôi quay vào nhà đưa bà nội mấy nhỏ ra tới cửa thì cũng là lúc căn nhà đổ ập. Tôi cầm chiếc áo phao của anh cán bộ Biên phòng mặc vào cho mẹ rồi cõng bà chạy theo hướng anh Thiếu úy Biên phòng về đồn. Trước mặt tôi lúc ấy là ngói rơi, tôn bay vù vù cực kỳ nguy hiểm”.

Trong căn nhà nằm sát bên bãi biển thôn Hà Già, cụ ông Võ Nồm, 80 tuổi, luôn tỏ ra ân hận khi nói với chúng tôi: Vì không tin bão vào, ông  đã nằm lì “cố thủ” tại nhà, khiến anh em Đồn Biên phòng Vạn Hưng hết sức gian nan mới cứu được ông thoát nạn.

Câu chuyện “nhà Biên phòng tránh bão” ở xóm Mũi Hòn Rớ, hay chuyện những chiến sĩ Biên phòng bảo vệ cho dân trong mưa bão ở làng chài Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh chỉ là hai trong vô vàn những câu chuyện mà chúng tôi được gặp và nghe trên đường tác nghiệp.

Người dân vùng biển Khánh Hòa vẫn không quên suốt nhiều tháng sau khi bão đi qua, những đội công tác của các đơn vị BĐBP Khánh Hòa vẫn tiếp tục lặn lội về các địa bàn, động viên, chia sẻ khó khăn với người dân, giúp dân dựng lại nhà cửa, thu dọn cây cối bị gãy đổ, giải phóng ách tắc giao thông, vệ sinh môi trường, cứu kéo tàu thuyền, cùng với chính quyền, các hội, đoàn thể nỗ lực ổn định cuộc sống người dân sau bão.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO