Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

“Tâm huyết, nghĩa tình, hiệu quả” trong tri ân liệt sĩ

Biên phòng - Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam.

5b5acea145571446c40008bf
Trung tướng Lê Văn Hân cùng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Giấy chứng nhận giám định kết quả ADN cho các gia đình liệt sĩ trong buổi giao lưu “Nặng nghĩa tri ân”, tổ chức ngày 8-7-2018, tại Hà Nội. Ảnh: Quý Hoàng

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết sự ra đời của Hội HTGĐLS Việt Nam và những kết quả hoạt động của hội trong những năm qua?

Trung tướng Lê Văn Hân: Hội HTGĐLS Việt Nam được thành lập ngày 24-10-2010 theo Quyết định số 1081/QĐ-BNV ngày 17-9-2010 của Bộ Nội vụ, đáp ứng sự mong mỏi của hàng chục vạn gia đình liệt sĩ và của toàn xã hội; với tôn chỉ, mục đích hoạt động là tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Trong đó, nhiệm vụ tham gia tìm kiếm thông tin về liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ (DTLS) còn thiếu thông tin được đặc biệt coi trọng.

Ngay sau khi ra đời, Hội HTGĐLS Việt Nam đã được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, gửi thư động viên, cổ vũ; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác tri ân liệt sĩ và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Từ năm 2011, Hội HTGĐLS Việt Nam đã phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y Quân đội (sau này là Viện Pháp y Quốc gia), tiến hành giám định ADN, xác định DTLS (hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ từ nguồn kinh phí xã hội hóa).

Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng và Ban Liên lạc Mặt trận 31 toàn quốc tiến hành lấy mẫu sinh phẩm trên 1.050 thân nhân liệt sĩ ở 36 tỉnh, thành phố để giám định ADN xác định DTLS tại nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An); tiến hành lấy mẫu hài cốt liệt sĩ (HCLS) và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ theo nhóm mộ liệt sĩ để giám định ADN xác định DTLS trên các địa bàn tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

Đến nay, Hội đã tiếp nhận và giám định trên 750 HCLS, đạt kết quả giám định đúng DTLS trên 75%; tổ chức 29 đợt trao kết quả giám định đúng DTLS cho GĐLS, “trả lại tên” cho gần 600 liệt sĩ. Với phương châm xã hội hóa công tác tri ân liệt sĩ, đặc biệt, được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, Tổng công ty Than Đông Bắc, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty đóng tàu Hồng Hà và các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Công ty Thuốc lá Sài Gòn..., Hội HTGĐLS Việt Nam đã tặng hơn 200 nhà Tình nghĩa, trên 2.000 sổ tiết kiệm, hàng nghìn suất quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, hàng trăm suất học bổng cho con cháu liệt sĩ, với tổng trị giá trên 40 tỷ đồng.

P.V: Theo đồng chí, việc tìm kiếm HCLS hiện nay có những điều kiện thuận lợi và khó khăn nào?

Trung tướng Lê Văn Hân: Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Hiện vẫn còn gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, 300 nghìn liệt sĩ tuy đã quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính.

Do chiến tranh đã lùi xa, nhiều đơn vị cũ đã giải thể hoặc biến động; hồ sơ lưu trữ về liệt sĩ một số bị thất lạc hoặc không còn đầy đủ; số đồng đội của liệt sĩ nay đã già yếu, trí nhớ giảm sút, thông tin về liệt sĩ ngày càng ít đi. Địa bàn nơi xảy ra các trận đánh hiện đã thay đổi nhiều; HCLS được quy tập, dịch chuyển có trường hợp tới vài ba lần...

Tìm được HCLS đã khó, nhưng xác định hài cốt đó là của liệt sĩ nào lại càng khó khăn hơn. Cùng với đó, việc điều tra, xác minh thân nhân liệt sĩ theo dòng mẹ để lấy mẫu sinh phẩm làm mẫu đối chứng khó khăn do địa chỉ nơi ở của nhiều GĐLS hiện đã thay đổi; có trường hợp khi cán bộ của Hội tìm về quê của liệt sĩ, nhưng đại diện chính quyền địa phương không biết bố, mẹ liệt sĩ là ai; nhiều GĐLS không còn dòng mẹ để lấy mẫu sinh phẩm làm mẫu đối chứng giám định ADN xác định DTLS...

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến gia đình thương binh, liệt sĩ và có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, nhất là Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập HCLS từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập HCLS và Đề án 150 của Chính phủ về xác định HCLS còn thiếu thông tin... Công tác tìm kiếm, quy tập HCLS cũng được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong cả nước triển khai tích cực, góp phần đáp ứng nguyện vọng của các  GĐLS và toàn xã hội về công tác liệt sĩ.

3fks_10b
Trung tướng Lê Văn Hân cùng đoàn công tác của Hội HTGĐLS Việt Nam và chính quyền địa phương thăm hỏi, trao quà cho gia đình liệt sĩ tiêu biểu huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quý Hoàng

P.V: Hiện nay, Hội HTGĐLS dựa trên những biện pháp nào để tìm HCLS và xác định DTLS, thưa đồng chí?

Trung tướng Lê Văn Hân: Trên cơ sở tâm nguyện của các GĐLS mong muốn tìm được người thân, không ít các “trung tâm”, dịch vụ tìm kiếm HCLS ra đời, trong đó, không ít trường hợp tìm HCLS bằng phương pháp mê tín, gây tốn kém tiền của, thời gian cho các GĐLS. Đã có không ít “trung tâm”, “nhà ngoại cảm” đề nghị được phối hợp trong việc tìm kiếm HCLS, song Hội không hợp tác với bất cứ “trung tâm”, “nhà ngoại cảm” nào!

Hội cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng, là trách nhiệm của người lính đối với đồng đội đã hy sinh, nên khi tiến hành phải bảo đảm độ chính xác cao, khoa học và tư cách pháp nhân... Bởi thế, Hội tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban liên lạc cựu chiến binh các đơn vị để thu thập thông tin về liệt sĩ, đi đôi tư vấn trực tiếp hoặc thông qua trang web trianlietsi.vn; tạp chí điện tử trian.vn của Hội giúp thân nhân hàng nghìn GĐLS đi tìm HCLS đúng hướng.

Hội xác định DTLS bằng hai phương pháp chủ yếu: Tổ chức giám định ADN và thông qua thực chứng. Trường hợp xác định được vị trí chôn cất liệt sĩ, khi khai quật mộ thấy các vật chứng có thể là bút máy, ảnh, lược, chứng minh thư, bên trong lọ Penicillin có ghi rõ tên, tuổi, quê quán liệt sĩ... về cơ bản không cần giám định ADN, mà xác định ngay tên của liệt sĩ.

Từ cuối năm 2010 đến nay, Hội đã tư vấn, tìm kiếm HCLS, đồng thời tổ chức tiếp nhận và phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y Quân đội, Viện Pháp y Quốc gia tiếp nhận mẫu HCLS còn thiếu thông tin để giám định ADN theo yêu cầu của GĐLS. 

P.V: Trong dịp cả nước kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, đồng chí muốn gửi gắm điều gì?

Trung tướng Lê Văn Hân: Hội HTGĐLS Việt Nam hoạt động không có bất cứ một nguồn kinh phí nào, mà dựa hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa và làm việc theo tinh thần “Tâm huyết, nghĩa tình, hiệu quả” trong tri ân liệt sĩ.

Nhân dịp này, Hội HTGĐLS Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các cấp, ngành, các địa phương trong cả nước; cảm ơn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ, giúp đỡ Hội hoàn thành nhiệm vụ. Hội HTGĐLS Việt Nam mong muốn hệ thống chính trị và toàn xã hội tiếp tục đồng hành cùng Hội trong công tác tri ân liệt sĩ.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Phan Thao - Quý Hoàng (Thực hiện)

Bình luận

ZALO