Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Tâm huyết giữ nghề dệt thổ cẩm Lào ở Điện Biên

Biên phòng - Ngày nay, trong quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhiều nơi đang dần mai một. Tuy vậy, ở bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vẫn duy trì thường xuyên những khung cửi dệt thổ cẩm với nhiều sản phẩm dệt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thành công đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của nghệ nhân Lò Thị Viên. Tâm huyết với nghề dệt truyền thống, chị đã thổi lên “lửa” đam mê dệt của chị em trong xã, góp phần gìn giữ nghề dệt thổ cẩm Lào ở Điện Biên.

jvlc_9a
Nghệ nhân Lò Thị Viên cần mẫn dệt thổ cẩm bên khung cửi. Ảnh: Thanh Thuận

Nghệ nhân Lò Thị Viên (42 tuổi) là người dân tộc Lào, ở bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Từ khi còn nhỏ, chị đã được nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi dệt thổ cẩm của bà, của mẹ. Niềm yêu thích nghề dệt thổ cẩm trong chị lớn dần theo năm tháng. Đến năm 12 tuổi, chị được mẹ dạy cách dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Từ đó đến nay, đôi bàn tay khéo léo của chị đã dệt nên không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc Lào. 

Nghệ nhân Lò Thị Viên cho biết, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào không biết có từ bao giờ, được lưu giữ từ những người phụ nữ thế hệ trước và truyền lại cho con cháu đời sau. Để có được tấm vải thổ cẩm hoàn hảo đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Tất cả được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ, đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Lào. Quả bông hái về từ cây bông trồng trên nương được cho vào máy cán bông, tách hạt sợi bông, sau đó bỏ bông vào quay rồi ngâm trong nước gạo, tới khi sợi bông thật dai mới vớt ra cho vào máy quay se thành sợi. Cuối cùng, những bó sợi này được đi qua phiến để kéo thành sợi vải có màu trắng.

Việc tạo màu cho sợi vải hoàn toàn dựa vào các loại cây trên rừng, sau đó mới đến công đoạn dệt vải. Trong khâu dệt, ban đầu phải tập thạo dệt trơn, sau đó mới dệt các loại hoa văn cầu kỳ. Một người mới học cho đến khi biết dệt cơ bản mất ít nhất mất 3 tháng, dệt khoảng 1 năm sẽ thạo nghề. “Ở bản Na Sang 2 này, phụ nữ ai cũng biết quay sợi dệt vải từ khi còn bé. Người con gái khi về nhà chồng phải biết dệt vải, may thổ cẩm. Chỉ cần nhìn qua và nghe tiếng thoi đưa trên khung cửi là có thể đánh giá người con dâu có khéo tay hay không...” - Nghệ nhân Lò Thị Viên chia sẻ. 

Nghệ nhân Lò Thị Viên cũng cho biết, đã có thời điểm, nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một do lớp trẻ chẳng mấy người biết dệt, sản phẩm thủ công làm ra chưa được coi là một loại hàng hóa thực sự. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu tiêu dùng thay đổi.

Nhận thấy Na Sang 2 là một làng nghề truyền thống độc đáo, năm 2009, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang 2. Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Na Sang 2 ra đời từ đây để gắn kết những người có nghề. Ban đầu có 18 người tham gia HTX. Tổ chức JICA cũng hỗ trợ HTX công cụ sản xuất là các khung dệt thủ công và tìm kiếm đơn đặt hàng. “Trước kia, các chị em thường dệt tràn lan, thích gì dệt nấy. Từ khi tham gia HTX, công việc của phụ nữ trong bản Na Sang 2 nhiều hơn, thu nhập cao hơn. Những khi có đơn hàng lớn, chị em phải làm việc cả ngày, đến đêm muộn để kịp cung ứng sản phẩm”.

Tuy nhiên, để có được HTX với những người phụ nữ cần mẫn hoạt động bên khung cửi như hiện nay là cả một hành trình gian nan khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Lào của nghệ nhân Lò Thị Viên. Chị cho biết, lúc đó, nghề dệt thổ cẩm bị mai một, nhiều người phụ nữ gần như quên nghề, quên cách thức dệt. Là người yêu nghề, tâm huyết với giá trị văn hóa của dân tộc, mong muốn nghề dệt truyền thống được lưu giữ cho thế hệ mai sau, chị Viên đã phải đi đến tận nhà vận động, tập huấn cho các chị em cách thức dệt, nói cho họ hiểu về văn hóa dân tộc Lào, cam kết sẽ có đầu ra cho sản phẩm dệt, tăng thu nhập cho chị em... Dần dần, chị em mới tin tưởng và tự nguyện tham gia HTX. 

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển tỉnh Điện Biên cho biết: “Nghề dệt đã tạo việc làm cho hơn 20 thành viên của HTX. Đến nay, HTX dệt thổ cẩm Na Sang 2 trở thành một trong những HTX điển hình của tỉnh Điện Biên, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương”.

Sau những ngày vất vả ngược xuôi tìm thị trường của chị Viên và được sự hỗ trợ tận tình của các sở, ngành trong tỉnh Điện Biên, sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Na Sang 2 đã có những đơn đặt hàng từ nhiều nơi.

Từ năm 2015 đến nay, sản phẩm đã được tiêu thụ tại Hà Nội và khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, thậm chí cả ở Lào. Các sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Na Sang 2 chủ yếu là váy, túi, khăn, vỏ chăn, vỏ ga, gối, quần áo... Trình độ tay nghề của các xã viên HTX ngày càng nâng cao, mẫu mã được đổi mới, đa dạng hơn. Vì vậy, giá trị sản phẩm được nâng lên, nhiều nơi tìm đến bản Na Sang 2 để đặt hàng. Tuy nhiên, theo chị Viên, để phát triển hơn nữa hoạt động của HTX cần có nguồn vốn, đầu ra thường xuyên cho sản phẩm dệt. Cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành trong tỉnh Điện Biên, chị Viên đã tích cực trong quảng bá các sản phẩm thổ cẩm qua internet, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh...

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO