Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 03:28 GMT+7

Tâm huyết của người cựu binh với làng biển

Biên phòng - Chứng kiến cảnh những đợt sóng cuốn trôi từng mét đất của người dân, cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Lừng (thôn Lâm Phú, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thấy xót xa đã tự bỏ kinh phí mua hàng trăm cây phi lao về trồng và chăm sóc. Không chỉ dừng lại ở đó, ông Lừng còn có công trong việc khôi phục nghề truyền thống làm vàng lưới rùng, vàng lưới rẹo. Đối với người dân làng biển này, những việc làm từ tâm huyết của cựu binh Lừng đã giúp cho bà con có cuộc sống bình yên, no ấm.

v4h6_5a
Ông Nguyễn Mạnh Lừng với bộ đồ nghề làm vàng lưới rùng, vàng lưới rẹo giúp ngư dân nâng cao đời sống. Ảnh: Khánh Chi

Trồng hàng ngàn cây phi lao chắn cát

Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời gắn bó với nghề đi biển ở xã Xuân Liên, từ nhỏ, ông Nguyễn Mạnh Lừng đã theo bố lênh đênh trên những chiếc thuyền đánh cá. Năm 1967, ông theo tiếng gọi của Tổ quốc gia nhập quân ngũ và được điều động về đơn vị 4011, hoạt động tại Binh trạm 33 vùng Trung Lào. Năm 1970, ông được điều về công tác tại Sư đoàn 471, Bộ đội Trường Sơn, rồi đi học tại Học viện Hậu cần. Ra trường, ông về công tác tại Sư đoàn 307, Quân khu 5. Đến tháng 1-1994, ông nghỉ hưu với cấp hàm Trung tá. Hành trang trở về địa phương của người thương binh 3/4 là những mảnh bom đạn còn găm trên cơ thể.

Năm 1994, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch Mặt trận xã Xuân Liên kiêm Bí thư Chi bộ thôn Lâm Phú. Với mong muốn gắn bó với nghề biển cha ông và nâng cao đời sống gia đình, ngoài thời gian tham gia việc xã hội, ông Lừng sắm thêm con thuyền công suất 20CV để ra khơi đánh bắt hải sản.

Hằng ngày ra biển đánh cá, chứng kiến bờ biển dài hơn 3km không một bóng cây, những đợt sóng ập vào cuốn trôi từng mét đất của dân làm ông không khỏi xót xa. Nhiều đêm ông trằn trọc suy nghĩ phải làm cách gì để giữ được đất cho dân. Câu hỏi ấy ngày càng lớn dần khi tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Lừng tâm sự: “Lúc đi bộ đội về nhìn sóng biển ngày càng tiến gần hơn đến ngôi làng mình sinh sống, tôi luôn suy nghĩ, nếu không có biện pháp cấp bách thì chắc chắn không bao lâu nữa, những ngôi nhà ở ven biển này cũng bị sóng cuốn trôi. Tôi đã nghĩ đến chuyện làm đê, kè nhưng biết lấy tiền đâu ra, thời điểm đó, dân làng còn chưa đủ ăn nên không thể kêu gọi đóng góp được. Chỉ có cách trồng cây gây rừng vừa đỡ kinh phí, vừa bảo vệ được đất canh tác của người dân”.

Nói là làm, ông Lừng bàn với vợ mua cây về trồng để bảo vệ đất đai không bị sạt lở. Được vợ ủng hộ cùng sự cho phép của chính quyền địa phương, ông lặn lội khắp nơi mua hơn 7.000 cây phi lao giống đưa về trồng trên diện tích hơn 2ha. Tuy nhiên, do trâu bò và sâu bệnh phá hoại, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, số cây ông trồng bị khô héo rồi chết dần. Hàng chục triệu đồng cùng công sức vợ chồng ông bỏ ra phút chốc mất trắng. 

Thế nhưng, thất bại không khiến ông nản lòng. Ông tiếp tục cải tạo một phần diện tích đất gần nhà, vay mượn thêm tiền mua cây con về tự ươm. Cây giống phát triển, ông lựa chọn những cây to khỏe ra trồng trước, những cây nhỏ tiếp tục ươm cho lớn lên mới đưa ra trồng. Hằng ngày, hai vợ chồng ông thay phiên nhau ra chăm sóc, không cho trâu bò dẫm đạp phá hoại... Trời không phụ lòng người, đến nay, rừng phi lao hơn 2ha của vợ chồng ông đã cao vút, xanh tốt, góp phần chắn cát, bảo vệ đất cho người dân trong thôn.

Khôi phục nghề truyền thống

Làng biển Xuân Liên trước đây nổi tiếng một thời với nghề làm vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, khi lớp trẻ không còn mặn mà với nghề, dần dần nghề truyền thống này ngày càng bị mai một. Không đành lòng nhìn nghề của cha ông bị thất truyền, ông Lừng tìm cách nghiên cứu, khôi phục và phát triển 2 nghề này. Lo ngại ông ôm đồm nhiều việc trong khi sức khỏe không đảm bảo do những vết thương thời chiến tranh để lại, vợ con ông nhiều lần can ngăn. Thế nhưng, sự quyết tâm của người lính Cụ Hồ đã thuyết phục được vợ con ông đồng ý và chung tay khôi phục nghề truyền thống. 

Năm 2001, ông Lừng dốc hết vốn liếng và đi vay mượn thêm của anh em, bạn bè được 100 triệu đồng mua lưới, rồi tự mày mò nghiên cứu, chế tác ngư cụ phù hợp với nghề làm vàng lưới rùng truyền thống. Sau khi chế tác lưới thành công, ông đi đến từng nhà vận động, thuyết phục lao động nhàn rỗi ở địa phương, trong đó, nhiều lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cùng tham gia nghề làm vàng lưới rùng để đi đánh bắt cá ngoài khơi. 

Thời gian đầu còn nhiều người hoài nghi, thế nhưng sau vài chuyến biển, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng nên nhiều người đã đến nhờ ông hướng dẫn cách chế tác ngư cụ để ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, nghề làm vàng lưới rùng chỉ đánh bắt ngoài khơi từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Ông lại tiếp tục mua lưới về nghiên cứu chế tác công cụ phù hợp là làm vàng lưới rẹo để đánh bắt những loại cá nhỏ ở vùng gần bờ, góp phần tăng thu nhập cho người dân làng biển. Sau khi đã khôi phục và phát triển thành công 2 nghề truyền thống của cha ông, năm 2014, ông Lừng đứng ra thành lập Tổ hợp tác khai thác và chế biến hải sản Bình Minh với 25 thành viên tham gia. Bình quân mỗi năm Tổ hợp tác thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. 

Nói về ông Lừng, ông Hoàng Ngọc Thắm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Liên cho biết: “Ông Lừng là tấm gương sáng được chính quyền và người dân địa phương nể trọng. Ông có nhiều đóng góp cho xã hội, xóm làng, nhất là việc trồng hơn 2ha rừng phi lao chắn cát, giữ đất không bị sạt lở. Sau này, nhiều người dân đã theo gương ông tự nguyện bỏ kinh phí trồng và chăm sóc những rừng cây ven biển. Ngoài ra, với việc nghiên cứu, khôi phục thành công nghề làm vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo của ông Lừng vừa góp phần vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn, nâng cao thu nhập, vừa giúp người dân tiếp tục yên tâm vươn khơi bám biển, bám ngư trường và giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại...”.

Khánh Chi

Bình luận

ZALO