Biên phòng - Nhiều năm nay, ông Ngô Văn Nguyễn (SN 1955), trú tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp luôn tích cực thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Nhân dân địa phương luôn dành cho ông Nguyễn một tình cảm quý mến, kính trọng, coi ông là một tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Về công tác tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, chúng tôi được nghe người dân kể nhiều chuyện về ông Ngô Văn Nguyễn, người mà bà con vẫn thường gọi thân mật là “bác hai Nguyễn”. Ông là người sống mẫu mực, luôn đi đầu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực thực hiện phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, thường xuyên tuyên truyền cho bà con không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của những kẻ xấu kích động gây mất đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới. Cũng nhờ uy tín của mình trong nhân dân mà từ trước đến nay, nhiều vụ việc xích mích, mâu thuẫn trên địa bàn ấp, ông Nguyễn đều đứng ra phân giải, tránh xảy ra những sự việc không mong muốn.
Thiếu tá Phùng Đắc Trọng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Đồng Tháp cho biết: “Bao nhiêu năm sinh sống ở địa phương này, lời nói của chú hai Nguyễn được bà con rất tôn trọng. Từ trước tới nay, nhiều vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn đôi khi anh em “lúng túng” tìm cách giải quyết thì chú ấy đã lấy uy tín của mình cùng phối hợp giải quyết thấu tình đạt lý. Địa bàn ấp Tân Hòa có 4 cột mốc chính, 3 mốc phụ, 12 cọc dấu và 3 điểm đặc trưng. Từ năm 2006, khi đơn vị phối hợp cùng với UBND xã Tân Hội tổ chức thành lập Tổ tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự ở khu vực biên giới ấp Tân Hòa, bà con trên địa bàn đã tín nhiệm bầu chú hai Nguyễn làm Tổ trưởng. Mặc dù công việc gia đình bận rộn, nhưng chú đều sắp xếp thời gian cùng lực lượng Biên phòng bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và chung tay giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn”.
Được biết, ông Nguyễn quê gốc Kiên Giang, là người con cả trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1975, ông nhập ngũ và được điều về Hồng Ngự (Đồng Tháp) để nhận nhiệm vụ. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến cơ duyên gắn bó với mảnh đất biên cương, ông Nguyễn thường nói dí dỏm: “Được phân công về Hồng Ngự, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi chẳng may bị “rễ cây điên điển giữ lại”, thế là lập gia đình và sinh sống ở vùng biên giới này...”. Bao nhiêu năm gắn bó với khu vực biên giới Đồng Tháp là ngần đó thời gian ông Nguyễn tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và bà con trong ấp nêu cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và tố giác các loại tội phạm, giải quyết các vụ mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt khi có dấu hiệu mất an ninh trật tự, ông đều thông báo cho cán bộ Đồn Biên phòng Bình Thạnh biết để kịp thời xử lý. 10 năm trở lại đây, ông đã cung cấp cho Đồn Biên phòng Bình Thạnh và các lực lượng chức năng hơn 100 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự, xâm canh, vượt biên trái phép và tham gia hòa giải 10 vụ việc mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn ấp.
Vụ việc gần đây nhất là vào giữa tháng 5-2018, gia đình ông Lê Thái Hồng (SN 1960) và em rể là ông Nguyễn Văn Phé (SN 1962), sống tại ấp Tân Hòa xảy ra tranh chấp về đất ở. Mâu thuẫn đó đã âm ỉ kéo dài nhiều tháng, khi lên đến đỉnh điểm thì xảy ra cãi vã lớn tiếng giữa hai bên gia đình. Biết chuyện, ông Nguyễn đã cùng chính quyền ấp đến khuyên giải cho hai bên gia đình hiểu, nhờ đó mà sự việc được giải quyết nhanh chóng.
Ông Nguyễn cho biết: “Đối với bà con sinh sống tại ấp, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế về biên giới để bà con hiểu và thực hiện là việc làm hết sức quan trọng. Vì thế, ngoài các buổi tuyên truyền tập trung, tôi luôn tận dụng thời gian phối hợp với các cán bộ Biên phòng và các thành viên trong Tổ tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự đến từng nhà thăm hỏi và trao đổi để bà con hiểu.
Người dân ở đây, ngoài công việc đồng áng, còn thường xuyên đi làm thuê xa nhà, vì thế những lần sinh hoạt tập trung không phải ai cũng có thể sắp xếp được công việc để tham gia”. Nhờ sự sát sao của ông Nguyễn mà bà con sinh sống ở biên giới nắm rõ vị trí, lịch sử các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc, khi thấy có dấu hiệu khác lạ là báo ngay cho chính quyền và đồn Biên phòng để kịp thời có biện pháp xử lý. Nhân dân trong ấp Tân Hòa luôn đoàn kết, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không chăn thả gia súc bên phần đất của nước bạn hay tham gia tiếp tay cho buôn lậu.
Khi chúng tôi chia tay, ông hai Nguyễn vui vẻ nói: “Hồi mới đến đây, chỉ hai bàn tay trắng nên việc gì được người ta thuê, tôi cũng làm, cuộc sống cũng rất vất vả, bận rộn. Còn bây giờ, kinh tế gia đình đã ổn định, có ruộng để sản xuất, do đó tôi có thể toàn tâm, toàn ý với công việc của mình. Tôi luôn tâm niệm, bản thân còn sức khỏe là còn cống hiến, đóng góp được một phần công sức cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi!”.
Ông Lê Phước Hải, Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Hòa cho biết: “Ông hai Nguyễn rất nhiệt tình và năng nổ trong nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Ông đã vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỷ niệm chương Vì chủ quyền, an ninh biên giới; Bộ Chỉ huy BĐBP Đồng Tháp, UBND xã Tân Hòa tặng nhiều Giấy khen vì có thành tích trong tham gia bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, ông được Ủy ban Trung ương MTTQ Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP biểu dương là người có uy tín tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia tuyến Việt Nam - Campuchia”.
Hồ Phúc