Biên phòng - Với tư duy đổi mới, ông Phùn Hợp Sềnh, dân tộc Dao, ở xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn thay đổi cách làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, trở thành đầu tàu để người dân học theo. Không chỉ vậy, bằng uy tín và trách nhiệm của mình, ông Sềnh còn vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua của xã. Ông cũng là tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng nền biên phòng toàn dân.

Ông Phùn Hợp Sềnh, sinh năm 1950, là đại biểu Quốc hội khóa VIII. Trong cuộc đời mình, ông có 26 năm làm cán bộ xã với cương vị là Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đức. Từng là đại biểu Quốc hội, ông Sềnh có cơ hội tiếp xúc với nhiều kiến thức mới, cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khác trong cả nước. Điều đó khiến ông luôn suy nghĩ tại sao bà con trong xã còn nghèo? Ông đi tìm câu trả lời và nhận ra rằng, “nếu cứ phát nương, làm rẫy thì chỉ đủ ăn là may mắn lắm rồi! Cứ như thế sẽ mãi không thoát khỏi đói nghèo”. Trăn trở với điều đó, ông Sềnh mạnh dạn áp dụng những kiến thức tích lũy được từ việc chuyển hướng trồng chè, mở rộng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Sau này, theo dòng chảy của thị trường, ông Sềnh chuyển sang trồng rừng thương phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Những năm gần đây, ông Sềnh chuyển sang trồng cỏ voi và ngô sinh khối theo hợp đồng ký kết với Công ty Phú Lâm làm thức ăn cho bò. Gia đình ông là một trong những hộ dân trồng nhiều cỏ voi nhất xã Quảng Đức với năng suất đạt 40 tấn/ha. Qua một năm triển khai thực hiện mô hình, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu nhập gần 40 triệu đồng/vụ. Từ thành công của gia đình, ông Sềnh vận động bà con trong xã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa cây cỏ voi vào trồng thay thế cây keo và một số cây kém hiệu quả kinh tế. Từ khi chuyển đổi được giống, vật nuôi, cây trồng, các gia đình trong xã khấm khá hẳn lên, đời sống tinh thần của người dân được cải thiện.
Không chỉ vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, ông Phùn Hợp Sềnh còn cùng với các già làng, trưởng bản tổ chức hướng dẫn thế hệ trẻ học tập, giữ gìn phong tục tập quán của người Dao. Đồng thời, vận động nhân dân loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu trong các nghi thức cúng lễ. Hằng năm, ông cùng với các già làng, trưởng bản tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được, đề ra những công việc cần làm cho những năm tiếp theo. Ông Sềnh cho biết, khi đời sống của người dân được nâng lên thì các tệ nạn xã hội, tập quán lạc hậu cũng được đẩy lùi.
Với ý thức trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của quê hương, ông Sềnh luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phấn đấu là tấm gương tiêu biểu để mọi người noi theo. Trong những năm qua, ông đã cùng với các cơ quan chức năng giải quyết các vụ tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân xã Quảng Đức đã từng bước nâng cao về nhận thức chính trị, hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Với uy tín của mình, ông Sềnh đã phối hợp với BĐBP vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản. Đến nay, thôn Nà Lý đã thành lập được 2 Tổ tự quản đường biên và tự quản an ninh trật tự. 96 hộ dân trong xã đăng ký tự quản hơn 17km đường biên giới và 22 cột mốc. “Nhiều năm qua, người dân đã cung cấp cho chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Biên phòng nhiều tin có giá trị liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, lãnh thổ, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm..., góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” – Ông Sềnh chia sẻ.
Không chỉ là một người mẫu mực trong thực hiện các phong trào, ông Sềnh còn là người có tiếng nói trong cộng đồng dân cư. Trước đây, một số thanh thiếu niên con em dân tộc Dao trên địa bàn hiếu kỳ, bị các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, trọng điểm là ở bản Tài Phố. “Tôi hiểu được rằng, nếu trong đồng bào Dao mà có người đi theo tà đạo thì phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc cũng bị mất dần. Tình đoàn kết gắn bó giữa những người trong cùng một dân tộc bị phá vỡ. Chính vì vậy, tôi đã cùng các già làng, người có uy tín trong xã đến từng gia đình có các thanh niên trẻ bị các đối tượng lôi kéo để giải thích cho các cháu hiểu và quay lại với các phong tục, tập quán văn hóa của người Dao” - Ông Sềnh tâm sự.
Cũng chính ông Sềnh và các già làng, trưởng bản là những người có sáng kiến vận động người dân trên địa bàn từ bỏ tà đạo, “tạp đạo” thông qua mô hình “Nhân dân bản Tài Phố giữ gìn phong tục tập quán, ngăn chặn sự xâm nhập của tà đạo, tạp đạo từ biên giới vào trong nội địa”. Trách nhiệm của các thành viên trong tổ là tích cực tuyên truyền, vận động những người trước đây đã từng đi nghe giảng tà đạo, tạp đạo quay về với phong tục, tập quán đậm đà bản sắc dân tộc ở địa phương, đồng thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các đối tượng vào vùng dân tộc thiểu số tuyên truyền đạo trái pháp luật. Mô hình được triển khai từ tháng 7-2015 đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Thu Hằng