Biên phòng - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa thực hiện chuyến công du châu Phi qua 3 nước gồm Cameroon, Benin và Guinee-Bissau. Giới chuyên gia nhìn nhận, chuyến công du đầu tiên ngoài châu Âu sau khi tái đắc cử vào tháng 4/2022 cho thấy, ông Macron đang ưu tiên tái thiết vị thế của Pháp tại châu Phi.
Theo nhận định của giới chuyên gia chính trị quốc tế, chuyến công du châu Phi của ông Macron lần này cho thấy sự ưu tiên rất lớn về việc tái thiết vị thế của Pháp tại châu lục này, được phản ánh phần nào trong nội dung nghị sự với các trọng tâm chính về an ninh lương thực, chống khủng bố và sự hiện diện của quân đội Pháp ở châu Phi. Đây được xem là 3 nội dung trọng yếu có thể trở thành đòn bẩy giúp nâng cao vị thế của Pháp tại châu Phi trong bối cảnh thế giới trải qua những biến động lớn.
Trong vấn đề an ninh lương thực, ông Macron ưu tiên nỗ lực thúc đẩy sáng kiến lương thực “Farm” do Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) dẫn dắt, khởi động từ tháng 3/2022. Sáng kiến được xem là giải pháp cấp bách nhằm gia tăng sản lượng nông nghiệp, đối phó hiệu quả với thách thức về an ninh lương thực trong bối cảnh trật tự thế giới có nhiều biến động.
Bình luận về chuyến công du của ông Macron, kênh Radio France Internationale (RFI) của Pháp cho hay, châu Phi từng là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của Pháp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vị thế của Pháp tại châu Phi đã giảm sút đáng kể. Điển hình, trong thập niên 90 của thế kỷ trước, doanh nghiệp Pháp đại diện cho 40% nền kinh tế của Cameroon nhưng đến năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 10%. Đặc biệt, xu hướng giảm các khoản đầu tư của Pháp đang bao trùm hàng loạt lĩnh vực như khai thác dầu, gỗ, nông nghiệp, phân phối hàng hóa...
Kênh RFI nhận định, những năm gần đây ghi nhận sự phát triển tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của nhiều cường quốc tại châu Phi, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, song hành với Trung Quốc và Nga. Không chỉ đối diện với những cường quốc làm tầm ảnh hưởng của mình suy giảm, Pháp cũng phải chiến đấu với làn sóng cực đoan tẩy chay Pháp ngày càng gia tăng, nổi cộm nhất là Mali, Chad và Cộng hòa Trung Phi.
Một nội dung được quan tâm bậc nhất trong chuyến công du châu Phi của ông Macron là vai trò quân sự của Pháp tại châu Phi. Vào tháng 2-2022, Pháp tuyên bố rút toàn bộ quân đội tại Mali. Tuy nhiên, tình hình trên thực địa cho thấy, Pháp phải xem xét lại hệ thống bố trí quân sự tại châu lục này, nhất là khi có nhiều quan ngại về nguy cơ khủng bố từ nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram đang ngày càng phát triển và vươn tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Các nhà phân tích chính trị, quân sự quốc tế cho rằng, sự hiện diện quân sự của Pháp tại châu Phi dù là chiến lược cần thiết nhưng sự kiện Pháp rút quân khỏi Mali đang phản ánh mối quan hệ có chiều hướng nhạt nhòa dần giữa chính quyền Pháp và các nước châu Phi. Vì vậy, việc xem xét lại sự hiện diện quân sự của Pháp ở châu Phi sẽ là một bài toán cấp thiết phải có lời giải sớm đối với ông Macron trong những tháng đầu khởi động nhiệm kỳ thứ 2.
Theo giới học giả chính trị châu Âu, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Macron cho thấy sự ưu tiên rất lớn của Pháp đối với các nước châu Phi không thuộc cộng đồng Pháp ngữ, điển hình là Nigeria, Ethiopia, Nam Phi, khu vực Sahel... Tuy nhiên, vị thế Pháp lại bị suy giảm đáng kể ở những nước vốn chịu ảnh hưởng lớn của Pháp như Gabon, Congo, Cameroon...
Ở góc độ tổng thể, vị thế của Pháp trên toàn châu lục có thể tiếp tục suy giảm nếu không sớm có những biện pháp đủ mạnh để khôi phục. Việc Pháp giảm vị thế ở châu Phi tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với lợi ích to lớn của Pháp trên trường quốc tế. Dễ nhận thấy là việc Pháp sẽ bị các cường quốc có xu hướng đối lập đánh bại ngay tại khu vực vốn được coi là “sân nhà” của mình. Vì vậy, việc tái thiết vị thế tại châu Phi là rất cấp thiết và sẽ là ưu tiên chính trị bậc nhất trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Macron.
Thanh Trúc