Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 04:17 GMT+7

Tai nạn lao động trên biển - Nỗi đau hiện hữu

Biên phòng - Chưa có con số thống kê chính thức về số vụ tai nạn lao động trên biển, nhưng nỗi đau do nó mang lại luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều ngư dân. Tổn thất về sức khỏe đã dẫn tới những tổn hại về kinh tế khiến cho cuộc sống của nhiều ngư dân vốn đã khó khăn càng trở nên bấp bênh hơn sau khi bị nạn trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Nghệ An tổ chức cứu nạn ngư dân Đồng Xuân Thủy. Ảnh: Thanh Hân

Mất sức lao động do tai nạn bất ngờ

Ngày 6-11-2019 đã trở thành ký ức kinh hoàng của anh Võ Văn Toàn, 23 tuổi, trú tại Quảng Ngãi. Trưa hôm đó, khi đang làm việc trên tàu cá QNg98848TS tại vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, anh Toàn bất ngờ gặp tai nạn lao động nghiêm trọng khiến bàn chân phải bị đứt lìa. Chàng thanh niên này bất tỉnh ngay sau đó do mất máu quá nhiều. Nhờ sự ứng cứu kịp thời của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, anh Toàn đã giữ được mạng sống, nhưng mãi mãi mất đi một phần thân thể. Từ một thanh niên trẻ khỏe, anh Toàn trở thành người khuyết tật, rất khó khăn khi tìm kiếm một công việc mới phù hợp với bản thân.

Tai nạn lao động trên biển thường xảy ra bất ngờ, trong khi đó, điều kiện cấp cứu lại không thể thuận lợi như ở trên đất liền khiến cho lực lượng làm công tác cứu hộ phải hết sức nỗ lực, chạy đua với thời gian. Trong sổ ghi chép của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam có rất nhiều vụ việc tai nạn lao động trên biển mà đơn vị phải tận dụng tối đa thời gian, phối hợp với nhiều đơn vị khác mới cứu hộ thành công.

Trong đó, có thể kể đến vụ tìm kiếm cứu nạn ngày 4-1-2020. Vào khoảng gần 10 giờ sáng hôm đó, ngư dân Nguyễn Lên, sinh năm 1986, trú tại Bình Định đang làm việc trên tàu cá BĐ98302TS tại vùng biển cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 hải lý về hướng Đông Đông Bắc, bị vật nặng rơi đè vào người. Anh Lên bị gãy tay kèm các triệu chứng khó thở, nôn mửa. Sau này, khi tiếp cận được bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị chấn thương ngực kín, tổn thương nghiêm trọng xương lồng ngực dẫn tới chèn ép, gây khó khăn cho hô hấp, có thể dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Một trường hợp khác là ngư dân Đồng Xuân Thủy, 40 tuổi, trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Vào một tối cuối tháng 12-2019, khi đang lao động trên tàu cá NA99991TS cùng 9 thuyền viên, anh Thủy bị rơi từ trên cabin xuống boong tàu, bất tỉnh, rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhận được đề nghị cứu hộ khẩn cấp, Hải đội 2, BĐBP Nghệ An lập tức xuất phát trong đêm để tìm kiếm, cứu nạn ngư dân. Trong đêm tối, sóng lớn, các cán bộ, chiến sĩ đã phải rất nỗ lực mới tìm đến được vị trí tàu có ngư dân bị nạn và tiếp cận được mạn tàu để chuyển nạn nhân lên tàu của đơn vị.

Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Hải đội 2, BĐBP Nghệ An - người trực tiếp tham gia cứu nạn chia sẻ: “Trong điều kiện đêm tối, việc cứu nạn khó khăn hơn rất nhiều lần so với ban ngày. Chúng tôi đã hết sức nỗ lực nhưng vẫn phải mất 10 tiếng đồng hồ mới tiếp cận được tàu NA99991TS và đưa được nạn nhân vào bờ”. Điều đáng tiếc là dù giữ được tính mạng, nhưng tinh thần của anh Thủy không được minh mẫn như trước do di chứng chấn thương sọ não sau vụ tai nạn. Từ một lao động chính, sau tai nạn, anh Thủy bị mất sức lao động, phải sống phụ thuộc vào vợ.

Hầu hết do nguyên nhân chủ quan

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng, có vô số nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động trên biển, nhưng tựu chung lại vẫn là do sự chủ quan, bất cẩn của nạn nhân. Hầu hết những người làm nghề cá đều hoạt động nhỏ lẻ, theo kiểu cha truyền, con nối mà không qua trường lớp đào tạo. Trong khi đó, kiến thức và nhận thức về đảm bảo an toàn lao động cho thuyền viên khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển còn hạn chế nên tai nạn vẫn thường xảy ra. Hầu hết ngư dân khi lao động trên biển không được trang bị đồ bảo hộ lao động, nên khi bị tai nạn lao động thường phải hứng chịu sự tổn hại sức khỏe nặng nề.

“Thiết nghĩ, để giảm thiểu rủi ro cho lao động trên biển, mỗi cá nhân cần tự trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân, các chủ tàu cần trang bị đồ bảo hộ lao động cho các thuyền viên. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật của tàu thuyền, trang bị bảo hộ lao động cho thuyền viên trên mỗi tàu cá trước khi cho phép xuất bến ra khơi” - Trung tá Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh.

Một nguyên nhân khác nữa là công tác quản lý tàu cá hoạt động đánh bắt trên biển, công tác kiểm định, kiểm tra chất lượng tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển chưa được chặt chẽ, tình trạng kỹ thuật không bảo đảm, không được các cơ quan kiểm định cấp phép.

Bên cạnh đó, những yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng rất nhiều tới công tác ứng cứu, dẫn tới khó giảm thiểu thiệt hại. Thường thường, sau khi nhận tin báo của ngư dân, cơ quan cứu nạn phải mất một thời gian nhất định mới tiếp cận được hiện trường. Có nhiều trường hợp, do địa điểm xa, sóng gió lớn gây cản trở làm mất đi khoảng thời gian vàng cấp cứu nạn nhân.

Trung tá Nguyễn Ngọc Tú cho biết: “Hầu hết các vụ việc mà đơn vị cứu hộ, cứu nạn xảy ra vào ban đêm, sóng mạnh, ở xa bờ nên khó tìm kiếm và tiếp cận nạn nhân. Vì thế, phải mất khá nhiều thời gian tìm kiếm đã ảnh hưởng tới hiệu quả cấp cứu ban đầu. Để hạn chế thấp nhất những rủi ro, tăng thêm cơ hội cứu sống nạn nhân, chúng tôi thường phải hỏi rất kỹ tình trạng của nạn nhân. Qua thông tin được cung cấp, cán bộ quân y cùng đi có thể chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị y tế để xử lý tốt nhất cho nạn nhân. Chúng tôi cũng phải liên lạc trước với trung tâm y tế trong bờ để tiếp đón bệnh nhân kịp thời”.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO