Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 05:24 GMT+7

Tai nạn bom mìn, nỗi đau còn đó

Biên phòng - Dù chiến tranh biên giới phía Bắc đã lùi xa 41 năm, thế nhưng, hậu quả do bom mìn, còn sót lại vẫn vô cùng nặng nề đối với người dân vùng biên giới tỉnh Hà Giang. Ở những bản làng xa xôi nằm ngay sát đường biên, cột mốc, những thanh niên, cụ già, em nhỏ vẫn còn bị ám ảnh do vướng phải mìn còn sót lại sau chiến tranh.

utah_15a
Anh Bàn Văn Đặng vẫn không thể quên được ngày mà mình bị tai nạn và vĩnh viễn mất đi chân phải.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, trong đó, tại các điểm cao nằm trên tuyến biên giới thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là cuộc chiến khốc liệt. Chiến tranh kết thúc, những người dân trở về bản cũ để dựng lại nhà, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, những hầm hào với bom đạn sót lại dày đặc trên nương, gần những cao điểm, chốt tiền tiêu thì còn nhiều vô kể.

Chúng tôi tới bản Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên trong những ngày đầu tháng 3. Nhìn quanh các căn nhà tại bản Nậm Ngặt, đa số thanh niên, trung niên tại đây đều gặp tai nạn do bom mìn còn sót lại, những cánh tay, đôi chân cụt hẳn tới đầu gối. Trò chuyện với chúng tôi, anh Bàn Văn Đặng, 33 tuổi, trú tại đội 7, bản Nậm Ngặt vẫn còn nhớ như in ngày anh vướng phải mìn và vĩnh viễn mất đi chân trái. Anh chia sẻ: “Hôm đó là vào buổi sáng tháng 4-2008, mình lên nương để bừa ruộng. Trước đó bao nhiêu năm làm nương vẫn không sao, nhưng do mưa lớn, mìn còn sót lại bị trôi xuống ruộng. Chiếc bừa đảo qua được 2 lượt thì chân mình dẫm phải mìn, sau tiếng nổ xé óc, mình chỉ còn thấy nhói một cái rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy, đã thấy nằm tại bệnh viện huyện, nhìn xuống thì đã mất đi chân trái”.

Tại khu vực giáp biên của bản Nậm Ngặt cũng như các khu vực lân cận, lực lượng công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, Lữ đoàn Công binh 543, Quân khu 2 đã nhiều lần về các thôn giáp biên để dò phá bom mìn, nhưng mới chỉ được một phần. Những trường hợp giẫm phải mìn của bà con chủ yếu xảy ra khi đang làm ruộng nương, hoặc do giẫm đạp, chơi nghịch các vật liệu nổ, nhất là với các em nhỏ không hiểu biết nên đã gây hậu quả đáng tiếc. Như trường hợp của anh Triệu Văn Nguyên, trú tại đội 6, bản Nậm Ngặt, vào năm 2012, khi đi phát nương chuẩn bị cho vụ ngô đã giẫm phải mìn. Vụ tai nạn đã làm anh mất đi chân phải. Là lao động chính trong nhà, anh còn 2 con nhỏ đang học tiểu học, lắp thêm một chiếc chân giả khiến việc đi lại khó khăn, mọi việc hàng ngày giờ với anh càng thêm bất tiện. Anh tâm sự: “Phải mất một thời gian dài, tôi mới tập được cách đi sao cho thăng bằng khi sử dụng chân giả. Mới đầu, không quen rất khó chịu. Bình thường thì không sao, nhưng những lúc trái gió, trở trời thì chân đau nhức lắm”. 

Ngay tại điểm chốt chặn phòng chống dịch bệnh Covid-19, đường dẫn lên mốc 259, Đại úy Kiều Trung Dũng, nhân viên Đội kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, BĐBP Hà Giang cho chúng tôi biết: “Khu vực xung quanh đây còn sót lại nhiều mìn, tại bản Nậm Ngặt, bà con cũng hay giẫm phải mìn khi đi làm nương. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều khu vực sát biên giới có mìn, do thời tiết mưa lớn làm sạt lở, vô tình những quả mìn lăn xuống lối mòn, xuống ruộng nương của người dân. Trong quá trình cày, bừa ruộng để canh tác, nhiều người đã đụng phải mìn”. 

Được biết, những năm trở lại đây, tỉnh Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về tác hại và ảnh hưởng của bom mìn. Thế nhưng, hiện nay, diện tích ô nhiễm bom mìn chưa được đầu tư rà phá còn khoảng 84.751ha, tập trung chủ yếu trên tuyến biên giới. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực trong tỉnh và Trung ương, nguồn xã hội hóa nhằm từng bước giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO