Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 20/03/2023 11:23 GMT+7

Tài mưu lược trong những bức điện chỉ huy

Biên phòng - Việc nghiên cứu kỹ những bức điện ngắn gọn giữa chiến trường với Bộ Tổng Tư lệnh trong Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đã toát lên tinh thần thép và những tính toán đầy mưu lược của Quân đội ta, thể hiện tư tưởng lớn, giữ kín ý đồ chiến lược, tạo nên yếu tố bất ngờ đối với quân địch. Đại thắng mùa xuân năm 1975 chính là “minh chứng thép” cho tài mưu lược của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

c4up_8a
Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Ảnh: Tư Liệu

Trong bản kế hoạch chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh vạch ra, phía Bắc chúng ta tăng cường quân đánh mạnh vào mặt trận Trị - Thiên, phía Nam đánh vào Quân khu III, IV của ngụy. Diệu kế này buộc địch phải kéo quân ra hai đầu để đối phó, tạo ra Tây Nguyên địa bàn vừa hiểm yếu, vừa sơ hở. Khi địch đã rơi vào “bẫy” của ta sắp đặt, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chọn Buôn Ma Thuột là hướng đột kích mở màn, tạo nên yếu tố bất ngờ lớn.

Nghi binh đánh vào “điểm huyệt”

14 giờ, ngày 25-2-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (mật danh Chiến), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi điện cho Thượng tướng Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chỉ huy cao nhất tại chiến trường): “...Cần tranh thủ bất ngờ cao độ, bảo đảm trận đầu thắng giòn giã, có dự kiến, có kế hoạch phát triển thắng lợi kịp thời, diệt được thật nhiều sinh lực địch, đồng thời giải phóng được địa bàn quan trọng. Cho kiểm tra kế hoạch chi viện hậu cần, bảo đảm cho được chi viện đầy đủ trong trường hợp địch tăng cường đánh hành lang”. 

Thế trận nghi binh của ta sẽ đánh lớn vào Kon Tum – Plâyku, Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên đã sử dụng nhiều đơn vị công binh mở đường, sử dụng pháo hạng nặng “dội lửa” vào những vị trí nhạy cảm. Quân địch đã dồn các đơn vị thiện chiến về trấn giữ Bắc Tây Nguyên. Đúng 1 giờ 55 phút, ngày 10-3-1975, lệnh Tổng tiến công “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột.

Chỉ thời gian rất ngắn, quân ta đã chiếm toàn bộ thị xã Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên bị rối loạn. Lập tức, Thượng tướng Văn Tiến Dũng gửi điện báo cáo và xin chỉ lệnh với Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “...Căn cứ vào tình hình địch – ta trên chiến trường, với khả năng bảo đảm hậu cần và thời tiết thuận lợi..., sẵn sàng đánh địch phản kích, vừa phát triển ra xung quanh để hoàn toàn làm chủ Đắk Lắk, phát triển về phía Đông đến Cheo Reo (có thể tiêu diệt hoặc bao vây Cheo Reo) rồi từ đó ngược lên bao vây tiêu diệt Plâyku, cô lập Kon Tum...”. 

Ngày 18-3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bất thường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất: “Tình hình chuyển biến rất nhanh... Quân ngụy suy yếu rõ rệt. Lực lượng so sánh đã thay đổi. Do ngụy suy yếu nhanh, Mỹ không dám liều lĩnh, ít khả năng can thiệp trở lại. Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976”.

Sau đó, Quân ủy Trung ương gửi điện cho Chỉ huy chiến trường Văn Tiến Dũng: “...Thời cơ chiến lược đã đến, cần nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ... Bộ Chính trị quyết định: Nhanh chóng tập trung ba sư đoàn chủ lực, các đơn vị binh khí, kỹ thuật chủ yếu về địa bàn Buôn Ma Thuột, sẵn sàng cơ động vào hướng trọng điểm; giải phóng Bình Định (hướng đường 19), phát triển xuống Phú Yên, Khánh Hoà, Nha Trang, Cam Ranh. Hướng đường số 7 chỉ dùng lực lượng địa phương phát triển xuống Tuy Hòa. Hướng đường 21, phát triển ra phía Đông. Tùy theo khả năng, nếu có thuận lợi mới thì xuống Nha Trang, Cam Ranh”.

Tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất

Những ngày cuối tháng 3, quân ta đã đồng loạt tấn công mạnh mẽ, giải phóng được nhiều tỉnh và đập tan những phòng tuyến co cụm của địch. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi điện cầu cứu quan thầy là Tổng thống Mỹ Giê-giôn Pho: “...Vào giờ phút quyết định này, khi Nam Việt Nam đang lâm nguy và hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng, vì lẽ đó, tôi trân trọng khẩn cầu Chính phủ Hoa Kỳ hãy thực hiện lời hứa... Một là, hạ lệnh tiến công một cuộc oanh tạc ngắn hạn bằng máy bay B52 tập trung vào những điểm đóng quân và căn cứ hậu cần của kẻ thù trong khu vực Nam Việt Nam. Hai là, khẩn cấp viện trợ những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tấn công...”.

Ngày 7-4, từ Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi mệnh lệnh vào chiến trường: 

“1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Từ Tây Nguyên, các sư đoàn nhanh chóng đánh chiếm hướng vào Sài Gòn. Đồng bằng ven biển đập tan phòng tuyến Phan Rang - Tháp Chàm và tiến công như vũ bão về phía Nam. Khi 4 mũi của các quân đoàn chủ lực của ta khép vòng vây Sài Gòn. Đô thành đang “hấp hối”, có tin Mỹ-ngụy lập chính phủ mới, dùng thủ đoạn ngoại giao với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đưa ra đề nghị ngừng bắn đi đến giải pháp chính trị cứu vãn tình thế khỏi thất bại hoàn toàn.

Quân ủy Trung ương gửi điện cho Thượng tướng Văn Tiến Dũng: “...Chúng trì hoãn để tìm cách đề nghị ngừng bắn, kéo dài sang mùa mưa... Sài Gòn không giữ nổi thì chúng rút về đồng bằng sông Cửu Long, lấy Cần Thơ làm trọng tâm... Hướng Tây Nam và đường số 4 sẵn sàng ngăn chặn, tiêu diệt địch trong tình huống chúng từ Sài Gòn về Cần Thơ”.

8b
Bút tích bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ra chiến trường ngày 7-4-1975. Ảnh: Tư Liệu

Những ngày cuối tháng 4, quân địch vẫn còn cố thủ và kháng cự ở cửa ngõ Sài Gòn. 10 giờ, ngày 29-4-1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng điện khẩn vào chiến trường: “Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh (Tổng thống Cộng hòa) ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị:

1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.

2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban quân quản do Tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch”.

Mỹ là siêu cường thế giới về kinh tế và quân sự, nhưng trình độ tác chiến chỉ là “ngựa quen đường cũ”. Với tài thao lược, ứng phó nhanh nhạy của Bộ Tổng Tư lệnh đã làm cho địch có nhiều bất ngờ: Bất ngờ vì không phá được Hiệp định Paris mà còn bị ta kiên quyết đánh bại; bất ngờ về kế hoạch và quy mô tác chiến của ta; bất ngờ về hướng tiến công chiến lược; bất ngờ về quy mô suy yếu của chúng. 

Hải Luận

Bình luận

ZALO