Biên phòng - Kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về”. Với nhiều tài liệu, hiện vật quý được, trưng bày đã mang đến cho người xem những khoảnh khắc xúc động, gợi nhớ lại thời khắc lịch sử của 64 năm về trước trong những ngày Thủ đô sục sôi kháng chiến, để rồi vỡ òa cảm xúc trong ngày giải phóng.

Từ 9 năm kháng chiến trường kỳ đến ngày hân hoan chiến thắng
Trong không khí se lạnh cùng cái nắng nhẹ của những ngày mùa Thu Hà Nội, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò tưng bừng với các đoàn khách trong nước và quốc tế đến với trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về”. Trưng bày được tổ chức làm sống lại khoảnh khắc Ngày Giải phóng Thủ đô, giúp người xem hiểu hơn những chặng đường gian nan của quân và dân Việt Nam từ 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô đến 9 năm kháng chiến trường kỳ, viết nên khúc khải hoàn vào mùa Thu lịch sử năm 1954 khi đoàn quân lớp lớp tiến về giải phóng Thủ đô. Từ thời khắc trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Trưng bày cũng giúp du khách quốc tế hiểu thêm về một Hà Nội giàu truyền thống lịch sử cách mạng và yêu chuộng hòa bình.
Trưng bày gồm hai nội dung: “Ra đi... Hẹn một ngày về” và “Hà Nội ngày trở về”. Ở phần nội dung “Ra đi... Hẹn một ngày về” là những câu chuyện trong 9 năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ với biết bao gian nan, thử thách, để biến lời thề sắt son giải phóng Thủ đô yêu dấu, giải phóng đất nước và đoàn tụ với gia đình trở thành hiện thực. Tại không gian trưng bày này, công chúng được biết đến một tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sĩ đứng lên đánh giặc cứu nước. Những câu chuyện lịch sử bi tráng cũng được khắc họa. Đó là cuộc sống của những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội; tinh thần quả cảm, khí thế sôi sục của nhân dân Hà Nội; những lá đơn tình nguyện xin được ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô...
Nội dung “Hà Nội ngày trở về” là những câu chuyện của 64 năm về trước, khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Những câu chuyện, hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, thuộc Trung đoàn Thủ đô, đơn vị tiến vào Hà Nội tiếp quản 35 địa điểm trọng yếu như: Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Dinh Quốc trưởng, Nha Công an Bắc Việt, Nha Bưu điện Bắc Việt, Ty Cảnh sát thành phố, Thư viện Trung ương Đông Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Nhà tù Hỏa Lò... đã được giới thiệu một cách chân thực và xúc động, đẹp như lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao, sáng tác từ năm 1949: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về”.
Phần trưng bày được thể hiện thành hai không gian đối lập: Một bên là hình ảnh Hà Nội đổ nát, hỗn loạn, ngổn ngang với các vật dụng, đồ dùng trong nhà được người dân mang ra làm vật cản ngăn bước tiến của kẻ thù trong 60 ngày đêm khói lửa mùa Đông năm 1946; một bên là Hà Nội rợp trời sắc đỏ cờ hoa, băng rôn, đón chào đoàn quân chiến thắng trở về năm 1954. Dưới quốc kỳ, hàng triệu trái tim rực lửa thay mặt cho quân và dân cả nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Hà Nội như bừng tỉnh, mới lạ, rực rỡ và hân hoan...
Cũng tại triển lãm, nhiều hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng như: Tập thơ “Gặt mùa” của ông Lê Tám; Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Báo “Tiền phong” số đặc biệt đón mừng Ngày Giải phóng Thủ đô...
Hồi ức của những chứng nhân lịch sử
Trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” có sự xuất hiện của nhiều nhân chứng lịch sử - những người theo các quân đoàn tiến về Thủ đô vào ngày Thu lịch sử của 64 năm về trước. Đó là Trung tướng Phạm Hồng Cư, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tiếp quản nhà tù Hỏa Lò; Đại tá Dương Niết tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt; Đại tá Doãn Thạch Khôi tiếp quản Nhà máy nước Yên Phụ; Đại tá Lê Duy Tư tiếp quản Tòa án tối cao... cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã cống hiến, bảo vệ Thủ đô trong những ngày kháng chiến.
Có mặt tại buổi khai mạc trưng bày, ông Trần Quốc Thanh, nguyên cán bộ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 rưng rưng xúc động trong dòng hồi ức của 64 năm trước: “Đoàn chúng tôi tiến về Hà Nội từ cửa ngõ phía Tây. Buổi sáng ấy, những người nông dân còn ở dưới ruộng, khi thấy đoàn quân với lá cờ đỏ sao vàng hùng dũng hành quân về trung tâm Hà Nội, đã chạy túa ra đường, reo vang, ôm chầm lấy bộ đội. Chúng tôi đón nhận tình cảm ấy vô cùng tự nhiên và bất ngờ. Khi chúng tôi về đến Hà Đông, đi qua nhà của bố mẹ tôi, tôi xúc động vô cùng. Khi ấy, tôi mới 20 tuổi. Tôi không thể nào diễn tả hết niềm hạnh phúc, xúc động khi đón nhận tình cảm của người dân, cứ như thể họ chờ đợi điều này từ rất lâu rồi. Chúng tôi không còn cảm giác đang làm nhiệm vụ, mà như thể đang được trở về nhà”...
Trong niềm xúc động, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, người phụ trách tiếp quản nhà tù Hỏa Lò - một trong 35 điểm trọng yếu của Hà Nội lúc bấy giờ kể: “Khi cùng đồng đội trên hai chiếc xe Jeep tiếp quản nhà tù Hỏa Lò, nơi mà trước đó, tôi đã có gần 10 năm bị địch giam cầm, tôi phấn khởi và xúc động vô cùng. Tôi còn nhớ, buổi tối đầu tiên tiếp quản trại giam, tôi không thể nào chợp mắt. Một phần vì những cảm xúc vỡ òa hạnh phúc, sung sướng khi giờ đây Thủ đô đã giải phóng, phần khác tôi nhớ tới những đồng đội của mình đã bị bắt giam tại đây, trong đó, nhiều người bị tra tấn và hy sinh... Buổi tối đó sẽ không bao giờ quên trong ký ức của tôi”.
Đại tá Dương Niết - người tiếp quản Nha Cảnh sát Bắc Việt chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ tiếp quản, ai cũng cảm thấy vui mừng, mà cảm động nhất là các đồng chí từng chiến đấu ở Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ra đi, nay lại được trở về trên những con đường cũ, giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt quân thù với tư thế của những người chiến thắng. Thật đáng tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn. Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui sướng vô bờ bến”.
Trong không khí của những ngày giải phóng Thủ đô, trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” trở thành “điểm hẹn” để các cựu chiến binh năm xưa, những nhân chứng lịch sử gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Những ký ức lịch sử ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp dựng xây Tổ quốc hôm nay.
Thanh Thuận