Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, danh thắng:

Tác động tích cực từ thực hiện Luật Di sản văn hóa

Biên phòng - Quảng Bình là địa phương có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Sau 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa, tỉnh Quảng Bình đã bảo tồn, tôn tạo có hiệu quả các di tích, danh thắng. Không chỉ vậy, rất nhiều di sản văn hóa, danh thắng đã được phát huy được giá trị tốt đẹp, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đem lại thu nhập cho người dân.

Du khách thích thú khám phá hang Sơn Đoòng. Ảnh: Nguyễn Chiến

Tính đến tháng 8-2021, tỉnh Quảng Bình có 133 di tích đã được xếp hạng, trong đó, có 79 di tích cấp tỉnh, 54 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tỉnh Quảng Bình đã phân cấp quản lý 129 di tích, danh thắng cho chính quyền địa phương các nơi có di tích trực tiếp quản lý.

Việc phân cấp quản lý các di tích đã góp phần xác định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm quản lý di tích, danh thắng cho chính quyền địa phương các cấp có di tích, giải quyết một cách cơ bản giữa nhu cầu bảo tồn di sản văn hóa vật thể với sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của các địa phương có di tích. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc định hướng, xây dựng kế hoạch và những giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và danh thắng; đẩy mạnh quá trình xã hội hóa, phát huy nguồn lực ở các địa phương; kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm lấn di tích.

Thực tế, cùng với công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, danh thắng, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Điển hình, năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã xử phạt hành chính với số tiền 80 triệu đồng đối với UBND xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch về việc thực hiện hành vi làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích chùa Quan âm.

Thực hiện Luật Di sản văn hóa, bên cạnh công tác kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tập trung nhiều giải pháp bảo vệ di vật, cổ vật, các tư liệu, hiện vật văn hóa, lịch sử dân tộc. Đến nay, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đang lưu giữ và bảo quản hơn 16.000 hiện vật, tư liệu và ảnh. Mặc dù mới đưa hệ thống trưng bày cố định vào mở cửa nhưng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã phục vụ hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đã triển khai hình thức trưng bày lưu động để lại nhiều ấn tượng, chuyển tải được nhiều thông điệp có ý nghĩa về cuộc sống, giáo dục và chính trị.

Có thể nhận thấy, di sản văn hóa vật thể của Quảng Bình rất đa dạng, phong phú, hội tụ đủ 4 loại hình di tích: Di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc, nghệ thuật, di tích danh thắng. Đó là các di sản tiêu biểu như: Khu mộ và nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; hang Tám Cô, đền Công chúa Liễu Hạnh, làng chiến đấu Cảnh Dương, bãi biển Đá Nhảy, suối Bang, hệ thống hang động, di tích khảo cổ học Bàu Tró, hệ thống lũy Đào Duy Từ, làng chiến đấu Cự Nẫm,...

Công tác bảo tồn di tích được thực hiện tốt đã tạo nền tảng thuận lợi cho Quảng Bình khai thác, phát triển sản phẩm du lịch rất đa dạng theo hướng du lịch xanh và bền vững, bao gồm: Du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểu... Trước khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Bình tăng trưởng trên 30%. Năm 2019, ngành du lịch Quảng Bình thu hút được 5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 5.600 tỉ đồng

Không chỉ sở hữu những di sản văn hóa vật thể đặc biệt có giá trị, nổi tiếng thế giới, Quảng Bình còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc. Hiện, tỉnh Quảng Bình có nghệ thuật ca trù và nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (cùng với một số tỉnh, thành phố khác); 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Trong đó, tập trung nghiên cứu, thực hành, truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, bài chòi, có lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian.

Quảng Bình cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân đang thực hành nghệ thuật diễn xướng dân gian như hò khoan Lệ Thủy, múa bông chèo cạn, hò chèo cạn sự Cảnh Dương, hò thuốc cá... Toàn tỉnh có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Cùng với các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, các nghệ nhân đang nắm giữ kỹ năng, thực hành các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương được tỉnh Quảng Bình quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để truyền dạy và thực hành các di sản văn hóa phi vật thể họ đang nắm giữ. Nhờ đó, các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn tốt, ngày càng phát triển bền vững.

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, trong thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa trong bảo tàng, di tích, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa và tham gia ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO