Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Tác động tích cực từ chính sách dân số

Biên phòng - Nước ta có 10 dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người có số dân dưới 5.000 người, trong đó có 5 dân tộc dưới 1.000 người. Có những thời điểm, các dân tộc này đứng trước nguy cơ suy giảm nòi giống cả về số lượng và chất lượng. Đảng và Nhà nước đã phải can thiệp bằng nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách dân số (DS) để bảo tồn các DTTS này. 

Cán bộ y tế huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình theo dõi sức khỏe bà mẹ mang thai tại nhà. Ảnh: Thu Thủy

Chúng tôi đã có dịp tới xã Phố Là, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang để tìm hiểu về cuộc sống của người Pu Péo, một trong số những dân tộc có DS chưa khi nào vượt quá 1.000 người. Người Pu Péo được coi là những chủ nhân đầu tiên của vùng cao nguyên đá Hà Giang, có tiếng nói riêng. Người Pu Péo có nền văn hóa truyền thống rất đặc sắc với hệ thống tín ngưỡng độc đáo thờ thần rừng, thần suối, thần sông, thần cây, thờ cúng tổ khác biệt với những dân tộc khác. Là chủ nhân của kho di sản văn hóa đồ sộ nhưng DS của người Pu Péo cho đến ngày nay còn khá khiêm tốn. Người Pu Péo ít tới mức, ông Củng Chẩn Tráng, một người được coi là “già làng” ở xã Phố Là – nơi có đông người Pu Péo sinh sống nhất có thể nắm rõ được dân tộc ông có những dòng họ, gia đình nào, hiện đang sinh sống ở đâu. Do DS quá ít mà các cặp vợ chồng trẻ lại “lười đẻ” nên ông Tráng luôn thường trực nỗi lo dòng giống người Pu Péo sẽ suy thoái.

Theo kết quả Điều tra DS và nhà ở năm 2009 do Tổng cục Thống kê thực hiện, người Pu Péo có 687 người. Để tránh suy giảm nòi giống, thanh niên nam nữ dân tộc Pu Péo không kết hôn với nhau mà kết hôn với người của các dân tộc khác. Cùng với đó, Nhà nước cũng có các chính sách can thiệp tới số lượng và chất lượng DS của người Pu Péo qua việc khuyến khích sinh con, tặng tiền cho người sinh con, cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản và nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội khác. Điều này giúp cho chất lượng giống nòi của người Pu Péo được cải thiện, số dân cũng tăng lên 903 người vào năm 2019.

Một dân tộc khác luôn ở trong chế độ “của hiếm” là người Brâu. Năm 2009, dân tộc này chỉ có 397 người. Đến năm 2019, DS của dân tộc này tăng lên được 525 người. Cùng là “của hiếm”, dân tộc Ơ Đu thậm chí còn có DS ít hơn, chỉ có 376 người vào năm 2009. Người Ơ Đu cư trú tập trung chủ yếu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Sau 10 năm, bằng mọi biện pháp “kích cầu”, DS của dân tộc Ơ Đu chỉ tăng thêm 52 người lên mức 428 người. Đây cũng chính là dân tộc có DS ít nhất trong cộng đồng 53 DTTS ở nước ta theo kết quả Tổng Điều tra DS và nhà ở năm 2019. Chia trung bình, 10 năm qua, mỗi năm, dân tộc Ơ Đu có thêm 5,2 người, một con số vô cùng khiêm tốn.

Nhìn tổng thể, có thể thấy, trong suốt nhiều năm qua, một số DTTS có tỷ lệ tăng DS bình quân năm cao như Ngái (4,66% ), Cờ Lao (4,18% ), Bố Y (3,52%); Cống (2,96%); Mảng (2,29%) nhưng chưa khi nào DS của các dân tộc này vượt quá ngưỡng 5.000 người. Còn DS của các dân tộc: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu và Ơ Đu chưa khi nào vượt quá 1.000 người. Về lâu dài nếu không có sự can thiệp về chính sách mạnh mẽ hơn nữa, rất có thể số lượng và chất lượng DS của các dân tộc này sẽ không thể có kết quả mang tính đột phá.

Thực tế, số liệu điều tra năm 2019 cho thấy, chất lượng DS của đồng bào DTTS rất ít người vẫn còn thấp, thể hiện ở tầm vóc thấp hơn so với các dân tộc khác, tuổi thọ cũng thấp hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình cả nước. Trong khi đó, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỉ lệ tảo hôn, tỉ lệ chết thô đều cao hơn bình quân cả nước, cá biệt, một số dân tộc có tỉ lệ chết thô rất cao như Brâu (15,24 phần nghìn) Pu Péo (13,29 phần nghìn) so với mức trung bình 7,65 phần nghìn của cả nước. Các bệnh, tật di truyền bẩm sinh ở các DTTS rất ít người cũng rất cao...

Trước thực trạng số lượng và chất lượng DS của các DTTS rất ít người vẫn còn hạn chế, Đảng và Nhà nước đã liên tiếp ban hành các chính sách để bảo tồn và phát triển các DTTS rất ít người mang tính chất chiến lược và bao trùm toàn diện hơn, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các DTTS. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22-11-2019 phê duyệt Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030. Một trong 8 mục tiêu của chiến lược là bảo vệ và phát triển DS các DTTS có dưới 10.000 người (10 dân tộc đã nói ở trên). Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, duy trì tỉ lệ tăng DS của các DTTS dưới 10.000 người cao hơn mức bình quân chung cả nước; Cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; Bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng DS cả các DTTS dưới 10.000 người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.

Trẻ em dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng được hưởng nhiều chính sách chăm sóc để phát triển toàn diện. Ảnh: Bích Nguyên

Mới đây, ngày 10-4-2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 499/QĐ-TTg (QĐ 499) phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”. Theo Chương trình này, 16 DTTS rất ít người sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum) sẽ được hỗ trợ để nâng cao chất lượng DS. Đối tượng của chương trình là đồng bào thuộc các DTTS: Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu, Lự, Chứt, Pà Thẻn, La Ha, La Hủ, Lô Lô. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ cải thiện tình trạng DS của các DTTS rất ít người cả về số lượng và chất lượng, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng DS, bảo đảm sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc.

Hy vọng với những những chính sách DS đã triển khai cùng với việc thực hiện Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030” chất lượng DS của các DTTS rất ít người sẽ có chuyển biến tích cực.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO