Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 08:02 GMT+7

Ta gác cho Người, Người gác cả non sông

Biên phòng - Đối với những người lính trẻ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ làm nhiệm vụ bảo vệ Lăng Bác hôm nay, nhiệm vụ được “canh giấc ngủ Bác Hồ” có lẽ là nhiệm vụ thiêng liêng chứa đựng nhiều xúc cảm. Bởi các anh đứng đây đâu chỉ canh một bóng hình, một con người cụ thể, mà là canh cho “tinh thần Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh” luôn tỏa sáng, soi rọi cho cách mạng Việt Nam vững bước tới tương lai. Các anh đang tiếp tục gánh trên vai mình trọng trách mà Trung đoàn 600 anh hùng thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP, đơn vị được Bác Hồ tặng cho danh hiệu “Thanh kiếm báu” của Đảng đã hoàn thành xuất sắc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế dâng hoa tại Tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng” nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Sơn

Nhớ những ngày bên Bác

Tại ngôi nhà số 3, khu tập thể Yersin, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Tạ Đình Hiểu, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 600 bảo vệ An toàn khu (gọi tắt là ATK) của Trung ương trên chiến khu Việt Bắc xúc động kể cho tôi nghe những tháng năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ: “Tháng 5 năm 1953, Trung ương chỉ thị thành lập một tiểu đoàn vũ trang đặc biệt để tăng cường công tác bảo vệ ATK lấy cơ sở là Đại đội 32 và tuyển chọn thêm cán bộ, chiến sĩ từ các Sư đoàn 312, 308 và 304. Cái tên Tiểu đoàn 600 cũng là do Bác đặt trong những tháng ngày Bác làm việc tại ATK”.

Ngày đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ khu căn cứ ATK đã phát triển thành 5 đại đội và hợp nhất lại thành một tiểu đoàn vũ trang cận vệ. Trong khi các cán bộ tổ chức lúng túng chưa tìm được tên cho tiểu đoàn thì Bác bảo, chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt là Tiểu đoàn 600, các chú có đồng ý không? Mọi người cùng vỗ tay ủng hộ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bác cùng các cơ quan Trung ương, Chính phủ chuyển về tiếp quản Thủ đô, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tiểu đoàn 600 được phát triển thành Trung đoàn 600. Đồng chí Tạ Đình Hiểu làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Châu (sau này là Chủ nhiệm Chính trị CANDVT) làm Chính ủy. Từ đó, cái tên Trung đoàn 600 đã trở thành tên gọi thiêng liêng gắn với truyền thống của những người lính cận vệ hôm nay.

Năm 1959, Trung đoàn 600 được chuyển sang trực thuộc Bộ Tư lệnh CANDVT với nhiệm vụ “Bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”. Giữa lúc “thù trong, giặc ngoài”, các tổ chức phản động, các ổ nhóm gián điệp âm mưu ám sát các yếu nhân nhằm gây rối loạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, những chiến sĩ CANDVT thuộc Trung đoàn 600 đã thấm nhuần lời dạy của Bác: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, Chính phủ”, sẵn sàng chịu đựng khó khăn, gian khổ, hy sinh cho lý tưởng cách mạng, luôn luôn coi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước là mệnh lệnh thiêng liêng trong trái tim mỗi người chiến sĩ.

Trong những ngày đầu thành lập lực lượng, Bác rất quan tâm nên đã dặn dò Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của CANDVT nhiều điều. Đến khi chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông, tướng Tuệ đã kể lại cho các đồng chí trong Ban chỉ huy CANDVT Trung ương cùng biết: “Biên giới có lúc bình, lúc biến, lúc hữu nghị, lúc cam go, vì vậy phải chuẩn bị lúc bình cho khi biến. Nhớ là, đất nước của người dù là núi vàng, núi bạc ta cũng không ham. Nhưng là của ta thì dù là cát, là sỏi vẫn kiên quyết giữ lấy. Vì đó là máu xương mà cha ông ta đổ ra mới có được”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, một chiến sĩ cận vệ đã theo Người qua bao năm tháng kể rằng, mình vô cùng vinh dự khi được làm người lính bảo vệ Bác và Trung ương thời kì này. Để từ niềm yêu kính người cha già vĩ đại, ông đã bật thốt lên những vần thơ: “Ngọn đèn nhỏ - rừng khuya gió lộng/ Sáng tự nơi đây sáng khắp muôn vùng/ Như những vì sao thức hoài không mỏi/ Ta gác cho Người - Người gác cả non sông”.

Biên cương vui đón Bác

Cuộc sống không ngừng thay đổi, nhưng cuộc sống cũng luôn lưu giữ những điều không thể mất. Tại Bảo tàng BĐBP ngày nay vẫn trưng bày trang trọng những lẵng hoa mà Bác Hồ đã tặng cho lực lượng mà Bác đã “chọn mặt gửi vàng”, đảm trách nhiệm vụ cao cả mà nặng nề là chỉ huy một lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ Trung ương Đảng và các mục tiêu trọng yếu trong nội địa. Cảm hứng từ lẵng hoa ấy, đồng chí Ngọc Chi viết “Lẵng hoa Bác tặng hôm nào/ Mà nay lá biếc cành cao giữa vườn/ Bác ơi trăm nghĩa ngàn ơn/ Biên phòng hoa nở thắm đường con đi”.

Trung tá Đặng Công Đang, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hữu Nghị vẫn luôn bồi hồi khi nhắc đến kỷ niệm làm thủ tục xuất cảnh cho Bác tại ga Đồng Đăng. Dù đã nhận chỉ đạo trước đó là chuẩn bị chu đáo để đón chuyến tàu liên vận từ Hà Nội lên, song, khi tổ kiểm soát hành chính gồm 3 đồng chí chỉ huy đồn bước lên toa đặc biệt thì sững sờ vì người khách đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Bác tươi cười bảo: “Các đồng chí CANDVT làm nhiệm vụ phải không?”, tôi xúc động thưa: “Dạ, thưa Bác, vâng ạ”, rồi ngập ngừng một lúc, tôi nói tiếp: “Chúng cháu xin phép Bác được làm nhiệm vụ ạ”. Bác cười hiền hậu: “Bác phải xin phép các chú chứ! Các chú cứ bình tĩnh mà làm việc”.

Khi nhận thấy chúng tôi có vẻ lúng túng, Bác hỏi: “Ở đây, các chú trong Ban chỉ huy làm thủ tục à?”. Tôi báo cáo: “Dạ, thưa Bác, chúng cháu chỉ làm thủ tục hôm nay thôi ạ”. Vậy là Bác nói luôn: “Thảo nào, Bác thấy các chú làm lúng túng lắm. Lần sau, các chú đừng như thế nữa. Cán bộ phải tin chiến sĩ chứ, có thế chiến sĩ mới tiến bộ được. Các chú hãy gương mẫu, học tập, rèn luyện cho chiến sĩ noi theo” - Trung tá Đang nhớ lại.

Có lẽ, không cần phải nhiều lời để nói thêm về tình cảm và niềm tin đặc biệt mà Bác Hồ dành cho những chiến sĩ quân hàm xanh. Những hình ảnh được trưng bày tại bảo tàng có ý nghĩa hơn mọi lời hoa mỹ. Những chuyến công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác trên các đoạn đường tuyến lửa thuộc khu 4, đường 5 Hải Phòng, bờ biển Đông Bắc, đặc khu Vĩnh Linh... đã được những người lính quân hàm xanh linh hoạt, sẵn sàng xông pha bảo vệ lãnh tụ vượt qua bom đạn, xử lý nhanh những tình huống, trở ngại dọc đường để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Khi Bác đón tiếp các vị khách quốc tế hay lúc Người vác cuốc thăm đồng, trò chuyện cùng người già, tay bế bồng con trẻ..., có những người cận vệ thuộc Trung đoàn 600 luôn theo sát bên Người. Trong những đêm dài Bác thao thức cùng cây chì đỏ, ngoài sân có những chiến sĩ áo xanh tận tụy dõi mắt vào đêm, không bỏ lọt dù là những thanh âm nhỏ nhất... Ngày Bác về thăm quê hương Nam Đàn, có sự tháp tùng tận tụy của những chiến sĩ CANDVT. Để ngày nay, những thế hệ cán bộ BĐBP vẫn luôn sống, lao động và cống hiến theo lời Bác dạy: “Dũng cảm với địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân...”.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO