Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:31 GMT+7

Syria: 10 năm thảm cảnh “bóng đen”, chưa thấy “ánh sáng”

Biên phòng - Kể từ tháng 3-2011, “làn sóng” biểu tình chống Chính phủ Syria bùng nổ khắp nơi trên quốc gia này, châm ngòi cho cuộc nội chiến tàn khốc. Tròn một thập kỷ chiến loạn trôi qua, “mùa Xuân” hy vọng năm đó đã không thực hiện được mà còn đẩy nước này rơi vào 10 năm thảm họa chưa có hồi kết.

Một cuộc biểu tình ủng hộ phe đối lập Syria đánh dấu kỷ niệm 10 năm bắt đầu cuộc nội chiến Syria ở thành phố Idlib, Syria vào ngày 15-3. Ảnh: Getty Images

Khi phong trào “Mùa Xuân Arab” lan rộng đến Syria, ngày 15-3-2011, các cuộc biểu tình bùng nổ khắp đất nước đòi chấm dứt sự cầm quyền của Tổng thống Bashar Assad, sau đó biến thành một cuộc nổi dậy và nội chiến. Nhìn lại những cuộc biểu tình của 10 năm trước, điều mong muốn của người biểu tình đã không thể thực hiện khi chế độ của Tổng thống Assad vẫn trụ vững và mới đây, giới quan sát khu vực còn nhận định rằng, ông Assad có nhiều khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa Hè tới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ, 10 năm xung đột ở Syria là một cơn ác mộng kinh hoàng vẫn đang từng ngày diễn ra giữa đời thực. Ông Guterres tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Syria và nhấn mạnh hy vọng về một giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột tại quốc gia này.

Bên cạnh sự chi phối của thế lực nước ngoài, nội bộ Syria cũng rối ren trong “vòng xoáy” xung đột lợi ích. “Mùa Xuân Arab” năm 2011 đã không thể lật đổ chính quyền mà đến nay, Chính phủ Syria đã dần giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ. Với một hạ tầng đất nước bị tàn phá dữ dội, cùng nền tảng còn tương đối vững chắc của các lực lượng đối lập, khủng hoảng Syria dường như sẽ còn rất lâu mới có thể tìm “ánh sáng” của sự ổn định và hòa bình.

Trong bối cảnh đó, người dân Syria vẫn từng ngày phải chiến đấu với những thảm cảnh của chiến tranh và nghèo đói. Dư luận quốc tế vẫn từng ngày chứng kiến cảnh tượng trẻ em Syria phải chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc xung đột dai dẳng chưa có hồi kết này.

Kéo dài suốt 10 năm qua, những “con số biết nói” phản ánh cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ bậc nhất thế giới tại Syria cần phải kể đến như: Hơn 388.000 người thiệt mạng, gồm 118.000 dân thường và 22.000 trẻ em; 200.000 người mất tích; hơn một nửa dân số Syria phải tị nạn và trở thành lượng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử hiện đại...

Hiện nay, không chỉ chiến tranh, nghèo đói mà sự hoành hành của đại dịch Covid-19 tiếp tục “giày xéo” con người tại mảnh đất này với khoảng 60% người dân có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho thấy, 10 năm qua, hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn ngoài Syria; 3,5 triệu trẻ em thất học; 90% trẻ em thiếu thốn nghiêm trọng về vật chất và chịu ảnh hưởng lớn về tâm lý. Một phần lớn dân thường Syria hiện nay hoàn toàn phải phụ thuộc vào sự viện trợ, hỗ trợ nhân đạo của quốc tế.

Giới chuyên gia quốc tế bình luận, xuyên suốt cuộc nội chiến Syria, quốc tế đã thực hiện nhiều hành động, giải pháp để tìm kiếm hòa bình, song, mọi nỗ lực đều chưa phát huy được hiệu quả. Nhận định về thực trạng Syria, giới phân tích chỉ ra rằng, cuộc nội chiến Syria khởi nguồn từ các cuộc biểu tình đòi thay đổi chính quyền nhưng đã dẫn tới sự rạn nứt, chia rẽ sâu sắc trong cấu trúc xã hội. Không chỉ các phe phái đối lập nhau phát triển mạnh mẽ, lũng đoạn đất nước mà tình hình Syria đến nay diễn biến rất phức tạp bởi sự tham chiến của các lực lượng nước ngoài, từ những tổ chức phiến quân, khủng bố đến các cường quốc quân sự.

Cuộc nội chiến Syria không còn là sự xung đột lợi ích trong nội bộ đất nước mà đã trở thành cuộc xung đột lợi ích giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế ở trong và ngoài khu vực Trung Đông. Hiện nay, người Syria khó có thể định đoạt cho số phận của mình mà “cán cân quyền lực” đã nằm trong tay của các cường quốc quân sự. Nổi bật nhất trong những lực lượng có quyền lực định đoạt số phận của Syria hiện nay phải kể đến như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)...

Những gì đã và đang diễn ra tại Syria xuyên suốt 10 năm qua là một bài học sâu sắc cho nhiều quốc gia đang sống trong hòa bình, ổn định. “Mùa Xuân Arab” tại Syria từng được kỳ vọng sẽ tạo nên sức sống mới, nhưng thực tế, không những phá hủy mọi thành tựu phát triển mà cái gọi là “mùa Xuân” ấy còn “nhấn chìm” đất nước vào “bóng đen” đau thương, trong khi “ánh sáng hy vọng” chưa xuất hiện.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO