Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Sức sống xanh ở mô hình du lịch cộng đồng

Biên phòng - Nở rộ trong thời gian gần đây, các mô hình lưu trú du lịch vừa và nhỏ như homestay (du lịch cộng đồng), farmstay (du lịch nông trại) rất phù hợp để phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền núi, nông thôn. Dịch Covid-19 tái phát khiến du lịch ngưng trệ, nhiều chủ đầu tư đã có cách làm sáng tạo, duy trì các hoạt động du lịch, chờ qua mùa dịch bằng việc phát triển, làm cầu nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm văn hóa của địa phương.

Nụ cười lạc quan của một chủ homestay ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: TTH

Nguyễn Thị Nhi, một chủ farmstay ở Mộc Châu, Sơn La là một gương mặt mới trong cộng đồng khởi nghiệp theo xu hướng “bỏ phố về rừng”. Do mối quen biết cũ, Nhi giữ liên lạc với tôi và sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng sáng tạo của riêng mình giúp cô có thể trụ vững trong mùa dịch để chờ đợi một thời kỳ mới, dịch bệnh lùi xa và đời sống du lịch sôi động dần lên. “Có thể là cuối năm, hoặc bước sang năm tới thì thị trường du lịch mới trở lại bình thường như thời điểm em bắt đầu khởi nghiệp, đầu tư làm nông trại 2 năm trước đây. Nhưng để bình tĩnh chờ đợi và kiên trì mục tiêu của mình, 2 năm qua, em đã phải xoay xở rất nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ” - Nhi nói.

Nhi và các chủ nông trại khác đã chủ động liên hệ với hệ thống các nhà bán lẻ tại các trung tâm đô thị lớn để tiêu thị nông sản ùn ứ khi dịch bệnh tái diễn phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cách làm này vừa tiêu thụ được nông sản cho người dân địa phương, lại tạo điều kiện cho họ có việc làm, duy trì sinh khí cho nông trại và có thêm thu nhập. Vụ mận, đào, lê chín rộ tại Mộc Châu mùa Hè vừa qua phần nào vớt vát lại cho người nuôi trồng nhờ có những người trẻ tích cực hàn gắn lại chuỗi cung cấp hàng hóa như Nhi. Nghe tin các chủ vườn không bán được nông sản, mận để chín rụng đầy vườn và thương lái không vào được địa bàn do giãn cách ở nhiều tỉnh, thành, Nhi gửi email cho những người quen biết nhờ tìm phương kế nhanh, kịp thời tiêu thụ nông sản. Ngay lập tức, các cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội đồng ý tiếp nhận và họ tạo thành các nhóm trên mạng xã hội để thuê vận chuyển chuyên nghiệp, tiêu thụ nông sản cho bà con. Điều này giúp các chủ nông trại hòa nhập với người dân địa phương, thêm yêu mến vùng đất mà họ đã chọn để lập nghiệp, làm giàu.

Hơn nữa, mục tiêu của các farmstay cũng là loại hình du lịch dịch vụ dựa trên tài nguyên đặc thù của vùng đất. Ngoài khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa bản địa, các nông trại còn có quan hệ mật thiết với địa phương và cộng đồng dân cư ở đó. Mục tiêu kinh doanh mà họ hướng tới là tạo ra một không gian đẹp, hàm lượng tri thức cao, văn hóa bản địa đậm đặc để có thể bán các sản phẩm là các kỳ nghỉ ý nghĩa, gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số. Các hành trình như đi bộ, nghỉ dưỡng, làm vườn, tổ chức trại hè cho trẻ nhỏ, hoạt động ngoại khóa cho học sinh... Trong bối cảnh rất nhiều nông trại đuối sức vì dịch bệnh tái diễn, không đủ chi phí chi trả cho nhân viên, phải bán tháo hoặc bỏ không chăm sóc thì những người trẻ đã linh hoạt tìm ra nhiều cách lấy ngắn nuôi dài, nuôi dưỡng cả niềm lạc quan và hy vọng vào tương lai gần khi cuộc sống thương mại – du lịch được phục hồi.

Trước kỳ nghỉ lễ mừng Quốc khánh năm nay, các địa phương khuyến cáo toàn bộ lực lượng chống dịch tại chỗ phải kiểm soát tình hình, không để xảy ra các hoạt động đông người tự phát. Toàn bộ các lao động cũng ở yên tại chỗ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm... chào mừng Quốc khánh chủ yếu được truyền đi qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trực tuyến. Rất nhiều chủ homestay chia sẻ, họ tranh thủ thời gian này để củng cố lại cơ sở vật chất, nhất là hoạt động làm vườn, trồng cây và chăn nuôi phù hợp để có thu nhập và thêm sức sống cho cơ sở dịch vụ. Hơn thế nữa, họ vẫn có thể duy trì để trả lương cho người lao động địa phương, cho họ ở ngay trong nông trại của mình, tiếp tục sản xuất và xây dựng, củng cố cơ sở vật chất.

Chị Vàng Thị Mẩy, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhờ duy trì kết nối với một chuỗi liên kết hỗ trợ người dân tộc thiểu số giữ gìn nghệ thuật thêu may thổ cẩm có trụ sở tại Hà Nội nên chị thường xuyên gọi điện, họp nhóm với các thành viên khác trong chuỗi ở khắp các tỉnh, thành. Trong chuỗi hỗ trợ phụ nữ hiệu quả và ý nghĩa này, các phụ nữ dân tộc thiểu số vừa làm chủ các homestay do chính mình quản lý và điều hành, vừa làm thổ cẩm thủ công hằng ngày để bán cho khách du lịch. Họ chính là các chủ thể văn hóa rất quý báu có khả năng giữ gìn và truyền dạy văn hóa ở chính các bản làng, trong cộng đồng của mình. Giờ đây, trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, không có hoạt động du lịch, họ vẫn bắt kịp thời đại, chuyển một phần các hoạt động xã hội của mình vào nền tảng trực tuyến, duy trì, kết nối với thế giới bên ngoài làng bản và không mất niềm tin, hy vọng vào tương lai.

Hoạt động homestay và farmstay đều là những dịch vụ du lịch mới mẻ đối với cộng đồng vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với tài nguyên khí hậu, đất đai, ruộng đồng và phong cảnh giàu có thì một lần nữa, sức vóc con người lại có dịp được đầu tư nhằm sản sinh ra các giá trị mới. Anh Long Trần – một chủ farmstay tại Tuy Đức, Đắk Nông chân thành bày tỏ: “Với sức lao động của bản thân và một vài lao động địa phương ở luôn trong trang trại, chúng tôi làm việc không kể ngày đêm từ bấy lâu nay. Chúng tôi vừa chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch, vừa phân bổ thời gian làm việc nông trại hợp lý để có thể chờ đợi một sự bùng nổ hoạt động du lịch, dịch vụ sau khi dịch bệnh kết thúc”.

Chuyển đổi phương thức hoạt động và duy trì, củng cố cơ sở lưu trú chính là cách làm hay, sáng tạo của các farmstay, homestay trong mùa dịch.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO