Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 10:24 GMT+7

Sức sống mới ở vùng căn cứ cách mạng Đắk Sơ Mei

Biên phòng - Xã Đắk Sơ Mei (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Tuy khó khăn, vất vả, chứng kiến cảnh mưa bom, đạn lạc, nhưng người dân vẫn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cho đến ngày toàn thắng. Sau ngày giải phóng, những người con của dân tộc Ba Na tiếp tục đứng lên xây dựng lại cuộc sống, khoác màu áo mới cho quê hương anh hùng.

Già Đinh Nhếp (ngồi giữa) chia sẻ về những năm tháng chiến tranh gian khổ. Ảnh: Thùy Dung

Một thời gian khó

Trên con đường bê tông trải dài, chúng tôi tìm về nhà già làng Đinh Nhếp ở thôn Tul Doa (xã Đắk Sơ Mei), một trong những người dân quân đã có rất nhiều đóng góp cho cách mạng đến ngày toàn thắng. Trong ngôi nhà sàn giữa thôn, già làng Đinh Nhếp rót chén nước trà đãi khách rồi bắt đầu hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu gian khổ.

Để giữ gìn quê hương trước bom đạn của kẻ thù, nhiều người con ở Đắk Sơ Mei đã nằm xuống để đổi lấy hòa bình. Đặc biệt, Đắk Sơ Mei còn là quê hương của Anh hùng Wừu - người con của dân tộc Ba Na nổi tiếng ở Tây Nguyên. Hiện nay, Khu lưu niệm của Anh hùng Wừu đã được xây dựng gần trụ sở UBND xã và được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Già làng Đinh Nhếp bộc bạch: Những năm bom rơi, đạn lạc là nỗi khiếp sợ của người dân trong xã. Nhớ nhất năm 1968, địch bắt đầu đi càn quét, dân làng mình phải rời làng đi nơi khác. Khi bà con trở về địa phương, làng đã bị phá hoang tàn, nhà cửa, ruộng vườn bị địch đốt phá. Người dân lúc này phải xây dựng lại kinh tế trong muôn vàn khó khăn. “Cái đói nghèo thường trực trên mỗi nếp nhà, người dân chỉ biết trông chờ vào củ mài, củ sắn, nhưng ai cũng tin nghe Đảng, nghe Bác Hồ, một lòng chiến đấu bảo vệ quê hương, chăm chỉ làm lụng góp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội, mong đến ngày toàn thắng” - già làng Đinh Nhếp cho biết thêm.

Ông Chrêng, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sơ Mei cho biết: Trong thời kháng chiến, xã Đắk Sơ Mei là khu căn cứ cách mạng vững chắc, người dân một lòng tin theo Đảng và Nhà nước. Sau chiến tranh, bà con lại bắt tay xây dựng quê hương trong muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, hệ thống chính trị của địa phương và sự quyết tâm của người dân trong xóa đói giảm nghèo mà đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Khoác màu áo mới

Để giúp nhân dân trong xã vươn lên, các cấp chính quyền địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực, chương trình, chính sách hỗ trợ, từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhờ vậy, đời sống người dân từng bước được nâng lên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tiến bộ.

Già Đinh Nhếp phấn khởi: So với thời chiến tranh, cuộc sống của người dân bây giờ đã phát triển hơn trước. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, điện, đường, trường, trạm được đưa về tận thôn, làng. Con trẻ được đến trường học chữ, tham gia vào các hoạt động văn hóa. Người dân ốm đau đã có trạm xá. Nhờ có đường bê tông, nông sản cũng được thông thương thuận lợi, giá cả cao hơn trước. Người dân chỉ cần chăm chỉ làm ăn là đủ ăn, đủ mặc, không phải chịu cảnh đói nghèo như xưa.

Từ khó khăn vươn lên, người dân đều đồng lòng tin, nghe theo Đảng và Bác Hồ, đoàn kết tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn. Đắk Sơ Mei hôm nay cũng có những tấm gương làm kinh tế giỏi điển hình là người Ba Na như gia đình già Đinh Nhếp, gia đình anh A Lanh Đinh Yôn, anh Y Ghê...

Ngôi nhà khang trang, bề thế là thành quả lao động không ngừng nghỉ của gia đình anh A Lanh Đinh Yôn. Ảnh: Thùy Dung

Trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới vừa được hoàn thành vào cuối năm 2021, anh A Lanh Đinh Yôn (ở thôn Tul Doa) chia sẻ: Hiểu được cái đói nghèo nên mình luôn phấn đấu làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Từ 1ha đất bố mẹ cho, mình đã tận dụng để trồng cây cà phê. Ngoài ra, mình còn trồng thêm mì để lấy ngắn nuôi dài. Sau nhiều năm làm ăn, đến nay, diện tích các loại cây trồng đã được mở rộng, gia đình mình hiện có 3.000 cây cà phê, 1ha bời lời, hơn 100 trụ tiêu... Nhờ vậy mà mình có đủ kinh tế để nuôi 2 con đi học.

Gia đình anh Y Ghê (ở thôn Tul Doa) cũng là tấm gương làm kinh tế giỏi điển hình của xã. Gia đình anh hiện có 3ha trồng cây cà phê, 3ha bời lời. Ngoài ra, anh còn trồng thêm lúa để phục vụ gia đình. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh thu về được gần 300 triệu đồng/năm.

Đánh giá về đổi thay trên quê hương anh hùng, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết: Toàn xã Đắk Sơ Mei với hơn 85% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ba Na. Thời gian qua, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, người dân trên địa bàn xã đều nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế. Với sự đầu tư, đồng bộ nhiều chương trình, dự án, mà bộ mặt thôn, làng và đời sống kinh tế - xã hội của người dân từng bước phát triển. Hiện nay, xã Đắk Sơ Mei đã đạt 12/19 tiêu chí thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

“Thời gian tới, để giúp xã Đắk Sơ Mei vươn lên, hướng đến xóa đói giảm nghèo, huyện sẽ tập trung phát triển nông lâm nghiệp một cách toàn diện. Chú trọng phát triển cây công nghiệp thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, bời lời. Thực hiện quy hoạch phát triển vùng trồng dược liệu và cây ăn trái. Quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới và huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhằm hướng đến xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2030” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết thêm.

Thùy Dung

Bình luận

ZALO