Biên phòng - Gần 2 năm về với nơi ở mới, 59 hộ dân ở khu tái định cư Gò Nổi, thôn Tây (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) đã thay đổi rất nhiều so với nơi ở cũ. Sự lo âu hầu như không còn hiện diện trên khuôn mặt của người dân, mà thay vào đó là những nụ cười đầy hạnh phúc. Bà con đã nhanh chóng thay đổi về nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Qua rồi nửa đêm chạy trốn mưa bão
Những số liệu khá ấn tượng về khu tái định cư Gò Nổi mà anh Bùi Quang Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn đưa ra đã làm cho tôi không khỏi băn khoăn, bởi với nhiều khu tái định cư của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và với cả nước nói chung thì người dân sau khi đến nơi ở mới một vài tháng đều đồng loạt bỏ về nơi ở cũ. Sau hơn 30 phút chạy xe máy trên con đường vừa mới được mở lởm chởm đá, cuối cùng tôi cũng có mặt ở khu tái định cư Gò Nổi. Nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, những ngôi nhà ngói đỏ chót nổi lên như một vầng sáng giữa chốn rừng thâm u, những con đường bê tông nội thôn chạy quanh bao bọc lấy khu tái định cư.
Trong ký ức của những người dân nơi đây khi chưa về với khu tái định cư, đó là cả một nỗi sợ khôn xiết khi mùa mưa bão hay mùa khô hạn kéo đến. Những ngày ở bản, cứ hễ khi mưa bão đến là họ sống trong thấp thỏm lo âu vì nạn sạt lở đất. Những ngôi nhà, tài sản lớn nhất của bà con bỗng chốc nằm sâu trong bùn đất trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi mùa mưa đến.
Trưởng thôn Hồ Minh Thư kể: Có những đêm đang ngủ bỗng chốc nghe mưa ào ạt kéo đến, mây gió vần vũ cả bầu trời là lúc đó cả mấy chục hộ dân lao ra khỏi nhà, bỏ mặc lương thực và tài sản để chạy trốn khỏi thủy thần. Có những đêm họ đội mưa gió lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau đi trong đêm để đi qua thôn khác ở nhờ. Rồi đến mai khi trời vừa hửng sáng, họ lại quay về chỗ ở cũ để vớt những gì đã bị vùi chôn trong đống bùn lầy. Mùa mưa bão đi qua, họ dựng lại nhà ngay trên chính cái nền đất cũ, với họ, điệp khúc nhà sập rồi dựng lại cứ lặp đi lặp lại mải miết không biết bao nhiêu lần.
Bà Hồ Thị Út (70 tuổi), người đã sống và chứng kiến nhiều lần ngôi nhà của mình bị vùi sâu trong bùn đất, đến giờ khi kể lại chuyện xưa, bà vẫn không khỏi rùng mình. "Cứ mùa mưa là không ai dám ở trong nhà. Đêm xuống, người lớn không ai dám ngủ, ai cũng sợ bị sạt lở đất thì chạy không kịp. Tôi sống trong đó gần cả đời người và năm nào cũng chứng kiến cảnh những ngôi nhà bị vùi lấp dưới đất. Sợ lắm, không ai ngủ được yên giấc khi mùa mưa bão đến" - bà Út nhớ lại.
Mùa mưa bão đã thế, rồi đến mùa nắng hạn, cả làng ai nấy đều thấp thỏm vì thiếu nước sinh hoạt. Những con suối mùa mưa hung dữ và bạo tàn là thế, nhưng khi đến mùa hạn thì khô trơ đáy không còn lấy một giọt nước. Có những ngày tháng, người dân ở đây phải dậy từ rất sớm ra suối để múc từng ca nước về dùng, họ ngồi từ sáng sớm đến trưa mới lấy được một can nước đục ngầu. Nhưng với họ, đó là sự lựa chọn duy nhất trong mùa khô hạn.
Gò Nổi đã đổi thay
59 hộ dân được di dời về sống ở khu tái định cư Gò Nổi đã có được một cuộc sống tốt hơn, nhiều nhà trước đây lâm vào cảnh nghèo đói triền miên thì giờ đã thoát nghèo. Thậm chí nhiều gia đình còn tự nguyện xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ lại cho những gia đình khác.
Sự thay đổi về đời sống kinh tế, nếp ăn, nếp nghĩ của bà con khiến Trưởng thôn Hồ Minh Thư cũng ngỡ ngàng. Anh Thư cho biết, trước đây, khi chưa ra khu tái định cư này thì dân bản còn rất lạc hậu. Những hủ tục cứ bám riết lấy họ, đau ốm, bệnh tật không bao giờ đến trạm xá chữa bệnh. Cuộc sống trước kia của bà con là một chuỗi những ngày đói khổ, làm không đủ ăn, bệnh tật rồi con cái không được học đến nơi đến chốn. Chỉ hơn 1 năm ra sống ở khu tái định cư, cuộc sống của bà con đã thay đổi rõ rệt. Với dân bản trước đây, chiếc xe máy, ti vi, tủ lạnh là những thứ vật dụng quá xa lạ, còn bây giờ thì nhà nào cũng sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh để sử dụng.
Hiện tại, cuộc sống của người dân ở khu tái định cư Gò Nổi đã khởi sắc từng ngày. Cảnh nghèo đói không còn hiện hữu ở nơi đây. Con em đồng bào đến tuổi đều được đến trường đi học, hiện Gò Nổi có 1 em đang theo học đại học, 6 em khác đang học trung cấp. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang. Cuộc sống văn minh, hiện đại đã vào đến với những ngôi nhà nằm dưới tán rừng xanh lúc nào mà chính người dân ở đây cũng không hay. Những quy định về một gia đình văn hóa luôn được bà con nơi đây ghi nhớ và thực hiện đúng, cảnh thanh niên trai tráng rượu chè bê tha hầu như không còn. Những đội tự quản về an ninh trật tự, đội bảo vệ rừng cũng được thành lập để ngăn chặn nạn phá rừng. Với người dân Gò Nổi bây giờ chỉ mong có một con đường bê tông từ trung tâm xã vào khu tái định cư để đi lại trao đổi hàng hóa được thuận tiện.
Trần Lâm