Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 05:27 GMT+7

Sức sống mới bên dòng Sê Băng Hiêng

Biên phòng - Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều bản làng vùng cao của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã từng bước thay da đổi thịt. Những cánh rừng, nương rẫy ngút ngàn màu xanh nối đến cuối tầm nhìn của mắt người, những con đường bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, ánh điện chiếu sáng về tận ngõ nhà dân… Những bản làng vùng cao như khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo của ấm no.

Sắc cờ vui trên con đường vào bản Tà Păng hôm nay. Ảnh: Thành Phú

Tôi đến bản Tà Păng, xã Hướng Lập khi mặt trời thả xuống cánh rừng những tia nắng mùa thu vung vẩy trên dãy Cà Tam nhuộm vàng sắc hoa rừng. Núi cao, sông dài, thiên nhiên hùng vĩ, bản Tà Păng hiện ra trước mắt tôi như bức tranh sơn thủy hữu tình với những đồi cây bời lời bạt ngàn, những rẫy lúa, nương sắn phủ xanh mướt dọc theo triền đồi. Người Vân Kiều ở bản Tà Păng đã dần thay đổi thói quen sản xuất, làm quen với những giống cây trồng, vật nuôi mới. Cuộc sống tại bản làng nơi đây không còn gói gọn “tự cung, tự cấp” mà đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, giao thương với các thương lái trong và ngoài tỉnh.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, ông Hồ Văn Lương, Trưởng bản Tà Păng cho biết: “Bản Tà Păng nay đã có đường bê tông phẳng lỳ, điện sáng từ nhà ra ngõ..., nhưng đổi thay lớn nhất là người dân bản đã mang nếp nghĩ, cách làm mới trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và đã giúp cho Tà Păng gần hơn với miền xuôi. Dân bản bây giờ không còn thả nuôi gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Bà con đã biết tổ chức sản xuất lúa nước, làm vườn, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây sắn hàng hóa để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống... Người dân cũng biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín, uống sôi và cho con em đi học cái chữ…”.

Bên ấm nước nấu từ các loại lá rừng còn nghi ngút khói, tỏa hơi ấm trong cái tiết trời se se lạnh, già làng Pả Trung (Hồ Văn Mo) chia sẻ cùng tôi: “Ngày trước, bản Tà Păng của mình đói khổ và vất vả lắm. Khi cây lúa trên rẫy chưa kịp cho hạt thì đã có nhiều nhà trong bản phải vào rừng kiếm măng, đào củ về ăn, muốn đi đâu thì chỉ biết đi bộ lội suối, trèo núi thôi. Nay đường đến bản đã chạy được bằng xe máy và xe ô tô rồi, cũng không còn nhà nào bị thiếu gạo ăn nữa”.

Tà Păng là một bản nhỏ nằm nép mình dưới dãy núi Cà Tam, có diện tích tự nhiên hơn 250ha, có 28 hộ, 132 nhân khẩu với 100% là người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Tà Păng xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, bởi đây là bản miền núi đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, sản xuất nông nghiệp manh mún, phân tán, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người thấp, nội lực trong nhân dân còn hạn chế.

Do vậy, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chi bộ đã không ngừng đề ra nhiều giải pháp và phối hợp chặt chẽ với cán bộ làm công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Hướng Lập tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp họ nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, mà người hưởng thụ cuối cùng chính là người dân.

Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới của bản Tà Păng đã sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách cấp trên hỗ trợ và các nguồn tài trợ khác để xây dựng những công trình thiết thực nhất cho người dân như đường bê tông, bể chứa nước sạch, trường học..., với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng.

Già làng Pả Trung cho biết thêm: “Trước đây, gia đình mình rất khó khăn, không đủ ăn. Nay nhờ trồng cây bời lời, trồng sắn KM94 và làm ruộng lúa nước nên gia đình đã khấm khá hơn. Các con, cháu đã được học hành đến nơi đến chốn, sinh hoạt hàng ngày cũng được cải thiện đáng kể. Không những thế, gia đình còn sắm sửa được ti vi, quạt máy và chăn nuôi thêm bò, lợn, gà... để vươn lên thoát nghèo”.

Đẹp tình quân dân nơi bản nhỏ Tà Păng. Ảnh: Thành Phú

Nhờ có các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của các cấp, các ngành và tinh thần “kề vai, sát cánh”, hết lòng vì dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, nhiều hộ dân ở bản Tà Păng đã có thêm nguồn lực để đầu tư cho sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương vươn lên thoát nghèo như trồng cây chuối bản địa, cây sắn KM94, chăn nuôi bò lai, lợn, gà giống bản địa... Đặc biệt, giờ đây, người dân đã thay đổi ý thức trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, hướng đến sản xuất nông sản hàng hóa thương mại… Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện.

Với những nỗ lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, diện mạo bản vùng cao Tà Păng đã có nhiều khởi sắc và mang sức sống mới nơi biên viễn. Những ngôi nhà sàn lợp tranh, thưng nứa lụp xụp dần được thay thế bằng các ngôi nhà đẹp đẽ, khang trang hơn. Hệ thống trường học được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong bản. Nhiều hộ dân đã và đang dần xóa được đói, giảm được nghèo một cách bền vững, đoàn kết vươn lên xây dựng bản làng no ấm. Từ sự tiến bộ đó mà mọi hủ tục không còn phù hợp với đời sống hiện đại đã dần được thay thế bằng nếp sống văn hóa mới. Cuộc sống đang đổi thay từng ngày, hiện hữu trên nét mặt hân hoan của bà con dân bản.

Tôi tạm biệt Tà Păng, giữa một ngày tiết trời mang ánh nắng mặt trời về với dãy Trường Sơn hùng vĩ, về với những cánh rừng căng tràn sức sống. Món quà tôi mang theo về xuôi là nụ cười rạng rỡ của bà con dân bản Tà Păng, là ánh mắt tươi vui tràn đầy niềm tin về tương lai của người Vân Kiều nơi đầu nguồn núi non, khe suối, để trong sắc nắng ấy có một bản Tà Păng đang vươn mình mạnh mẽ trong một khởi đầu mới đầy ấm no và hạnh phúc.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO