Biên phòng - Trong kho tàng các loại hình nghệ thuật dân gian Nam bộ, chỉ có đờn ca tài tử được lưu truyền và phổ rộng khắp 21 tỉnh, thành phố phía Nam và hiện vẫn có vai trò lớn trong đời sống tinh thần của người dân. Mỗi năm, vào dịp chuẩn bị đón Xuân mới, các tỉnh, thành Nam bộ đều rộn ràng chuẩn bị tổ chức hội diễn quy tụ các câu lạc bộ đờn ca tài tử nhằm lưu truyền bộ môn nghệ thuật này.
Thời điểm này không phải là thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của đờn ca tài tử, mặc dù loại hình nghệ thuật dân gian này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Điều cốt yếu là đờn ca tài tử chưa bao giờ phai nhòa trong đời sống người dân Nam bộ.
Theo đánh giá của UNESCO, đờn ca tài tử được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua giáo dục chính thức và không chính thức tại 21 tỉnh, thành Nam bộ. Loại hình nghệ thuật này liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, khẳng định sức sống của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy hội nhập cùng văn hóa thế giới.
Chuẩn bị cho mùa hội ngộ các anh tài đờn ca tài tử, các tỉnh, thành phố Nam bộ giờ đây đề cao các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, có công lưu truyền văn hóa nằm trong các khu dân cư. Đây cũng chính là cách mà loại hình nghệ thuật này được gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay. Người dân Nam bộ không biết chữ cũng hát được vọng cổ. Đờn ca tài tử không đơn thuần là âm nhạc giải trí mà nó còn là một hình thức truyền lời bằng âm nhạc. Đó là lời cha dặn con, lời vợ dặn chồng. Sự quyến rũ của âm nhạc tài tử là đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ gợi lòng trắc ẩn. Đâu đó trong lời ca, tiếng hát là cả điệu buồn phương Nam.
Người xưa mở mang Nam bộ mang theo ca Huế, nhã nhạc cung đình, qua Quảng Nam, Bình Định mang theo dân ca Nam Trung bộ, qua Đông Nam bộ lấy một chút hát bội cổ lối người Hoa, xuống Nam bộ lấy thêm hát đình của người Khmer, vì thế đờn ca tài tử hội tụ tất cả các yếu tố dân tộc và vùng miền đó. Người Nam bộ ai cũng soi thấy mình trong đờn ca tài tử. Thời buổi bây giờ, khi internet và âm nhạc dễ dãi chiếm lĩnh đời sống hiện đại thì đờn ca tài tử vẫn là tâm hồn, là nguồn cội. Đờn ca tài tử không đơn thuần là âm nhạc mà là văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất của Nam bộ bao hàm cả lịch sử, nhân sinh quan, thế giới quan và chất hào hoa của con người miền sông nước. Ngay cả nhịp chèo thuyền - nhịp phách xuyên suốt mỗi lời ca điệu hát đờn ca tài tử cũng là từ đời sống đi vào nghệ thuật dân gian.
Như vậy, phải nói rằng, chủ thể sở hữu đờn ca tài tử phải là tất cả nhân dân của 21 tỉnh, thành phố Nam bộ. Chính họ góp công xây dựng hồ sơ về đờn ca tài tử trình UNESCO để vinh danh loại hình nghệ thuật này thành di sản của nhân loại. Đã là loại hình âm nhạc cộng đồng thì tất yếu sẽ thay đổi, phát triển và thích nghi với mỗi vùng đất. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này cũng chính là bảo tồn sự đa dạng của không gian văn hóa đó. Nếu đưa đờn ca tài tử vào một khuôn phép chặt chẽ, phải có lễ phục biểu diễn, phải xuống câu, xang hò xề cống... quy chuẩn, biến hương đồng gió nội trở thành đặc sản hội nghị thì chẳng khác gì kiềm chế và làm chột mất đi cái chất phóng khoáng Nam bộ.
Khác với dân ca các vùng miền khác, đờn ca tài tử có thể sáng tạo, hoặc có một số yếu tố ngoại lai chấp nhận được. Nhưng 4 thứ nhạc cụ của đờn ca tài tử là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và độc huyền cầm đã trở thành nhạc khí không thể tách rời với âm nhạc tài tử, bởi loại hình âm nhạc này trọng nhạc hơn trọng lời, trọng sự ấm cúng, sẻ chia trong không gian hẹp hơn là tổ chức rình rang, quy mô mang tính hình thức. Cũng rất khó để mà bảo tồn loại hình văn hóa này theo cách quảng bá hào nhoáng mà chỉ có thể tổ chức các hội diễn quy mô nhỏ, đề cao sự giao lưu, không khí đượm nét man mác cô liêu như sông nước Nam bộ.
Đờn ca tài tử có 20 bài hát tổ. Và ngay cả những danh ca của âm nhạc tài tử cũng không biết hết và hát được tất cả những bài này. Trong số các tỉnh, thành Nam bộ thì Cà Mau và Bạc Liêu là 2 tỉnh có nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động sôi nổi nhất. Riêng Cà Mau có tới hơn 600 câu lạc bộ đờn ca tài tử sinh hoạt đều đặn. Đây sẽ là môi trường để đờn ca tài tử phát triển, lưu truyền và trở lại nâng đỡ đời sống tinh thần nhiều thế hệ người dân Nam bộ.
Dựa vào nguồn gốc ra đời của đờn ca tài tử từ thời những nông dân khẩn hoang sáng tạo ra, có ý kiến cho rằng, loại hình âm nhạc này không xuất phát từ giới sáng tác chuyên nghiệp. Người chơi và hát âm nhạc tài tử không chơi nhạc để sinh nhai. Họ còn tự hào rằng, tiếng ca, tiếng đàn của họ không phải có tiền mà mua được. Hễ có nỗi niềm, có bầu bạn thì hát thâu đêm suốt sáng, không có hứng thì không cách gì mà so dây cất giọng. Khi âm nhạc tài tử đứng vững và có đẳng cấp nghệ thuật thì lại có ý kiến cho rằng, loại hình âm nhạc nhiều tính cộng đồng này dành cho những kỳ nhân có tài, tạm gọi là tài tử. Những người này duy trì đờn ca tài tử trong giới mộ điệu như một thể loại âm nhạc thính phòng.
Dù có nhiều lời giải thích khác nhau về nguồn gốc ra đời, nhưng sức sống của đờn ca tài tử đã chứng minh rằng loại hình dân gian gốc rễ văn hóa của mỗi cộng đồng không dễ bị phai nhạt. Các biến thể của đờn ca tài tử như cải lương, tân cổ giao duyên có thể mất đi cùng với năm tháng khi hết sứ mệnh lịch sử, nhưng đờn ca tài tử thì không bao giờ diệt vong.
Thụy Văn