Biên phòng - Nếu không phải là “người trong cuộc” chắc chắn tôi sẽ không hình dung ra, nơi đây đã từng là “vùng trắng” về y tế. Cả một vùng biên mênh mông bên con sông Sê San huyền thoại, ngày qua ngày, bộ đội và nhân dân kề vai nhau vượt khó với khát vọng chiến thắng 2 kẻ thù nguy hiểm nhất của thời hậu chiến, đó là “giặc đói” và “giặc dốt”.
Từ “chấm nhỏ” gọi là điểm sáng vùng biên do Đồn Biên phòng Pô Cô, BĐBP Gia Lai xây dựng, 4 xã phía Tây của huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Trong “bức tranh” sống động đó, có một “gam màu” không bao giờ mờ phai, đó chính là mô hình Quân - dân y kết hợp…
Từ câu chuyện khâu vết thương bằng kim chỉ… may quần áo
Xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai những năm đầu thập kỷ 90 trở về trước, thời kỳ BĐBP Gia Lai bắt tay xây dựng điểm sáng văn hóa đầu tiên trên biên giới. Vì sao phải xây dựng điểm sáng? Đơn giản vì đây là những vùng “trắng” trên nhiều lĩnh vực, một môi trường thuận lợi cho “giặc đói, giặc dốt” mặc sức hoành hành.
Điểm sáng văn hóa thì phải mang tính toàn diện, trong đó trọng tâm là y tế và giáo dục. Nói một cách dễ hiểu, phải cải thiện hai lĩnh vực này thì may ra mới nâng cao được chất lượng dân sinh. Bởi, nếu để “giặc đói” hoành hành trong môi trường y tế lạc hậu thì chắc chắn bộ mặt văn hóa sẽ trở nên èo uột do những hủ tục u ám, mê tín dị đoan tạo nên. Chương trình phối hợp giữa BĐBP với ngành y tế và giáo dục đã mở ra một “chương mới” đầy hứa hẹn cho vùng biên giới tỉnh Gia Lai nói chung, địa bàn xã Ia O nói riêng. Tuy nhiên, điều kiện lúc bấy giờ là rất khó khăn, những người thầy giáo, thầy thuốc mang quân hàm xanh chỉ biết cống hiến hết mình trên trận tuyến thầm lặng của mình.
Về lĩnh vực giáo dục có thể nói là suôn sẻ, vì chỉ cần tình yêu và trách nhiệm, những người biết chữ vẫn dạy được cho người chưa biết chữ, nhưng y tế thì phải phụ thuộc vào lực lượng quân y và cơ sở vật chất. Khó khăn thiếu thốn vô cùng, nhưng bước khởi đầu mô hình quân dân y kết hợp cũng ít nhiều đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh như sốt rét, cảm cúm và các bệnh về đường tiêu hóa.
Câu chuyện dùng kim chỉ may quần áo để khâu vết thương cho người dân của đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Pô Cô (nay là Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai) có lẽ là “y thuật” hiếm gặp của lính Biên phòng trong điều kiện y tế thiếu trước hụt sau. Hôm đó, anh em tiếp nhận một nam bệnh nhân bị tre nứa xuyên qua đùi làm đứt mạch máu. Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, vết thương không cách nào cầm được máu mà quân y đi vắng, vật chất y tế cũng chỉ có duy nhất chai thuốc đỏ, anh em đã chọn giải pháp dùng kim chỉ khâu quần áo để làm kín vết thương cho bệnh nhân tránh bị mất máu dẫn đến tử vong. “Cuộc phẫu thuật” có một không hai diễn ra trong mồ hôi và nước mắt. Bệnh nhân thì la hét, khóc không ra tiếng, còn “ê kíp bác sĩ” lại tắm trong mồ hôi do quá căng thẳng.
Kết quả cuối cùng là bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, kịp thời chuyển lên tuyến trên cấp cứu, còn những người lính Biên phòng thì thêm một bài học về lòng cam đảm, tình thương yêu đồng bào.
Đến “bệnh viện đa khoa” của người lính binh đoàn
Những năm gần đây, hàng nghìn hộ dân tại 4 xã phía Tây huyện biên giới Ia Grai là Ia O, Ia Chía, Ia Krái và Ia Khai được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của Bệnh xá quân - dân y Công ty 715 (Binh đoàn 15). Nói là bệnh xá, nhưng với quy mô giường bệnh, cơ sở vật chất y tế và đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao thì có thể xem đây là “bệnh viện đa khoa” thu nhỏ, bảo đảm công tác khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân ngay tại tuyến đầu.
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1995, song, Bệnh xá quân -dân y Công ty 715 thực sự được nâng tầm khi được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Bên cạnh đội ngũ y, bác sĩ đạt chuẩn, bệnh xá được trang bị cơ sở vật chất y tế hiện đại như máy siêu âm, máy chụp X-Quang, máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm huyết học 18 thông số, máy nghe tim thai nhằm nâng cao chất lượng công tác khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Với 35 giường bệnh, tương đương với bệnh viện hạng 4, bình quân mỗi năm, Bệnh xá quân - dân y Công ty 715 thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên 15.000 lượt người. Bên cạnh đó, bệnh xá thường xuyên phối hợp với trạm y tế các xã lân cận tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, neo đơn, tàn tật, gia đình có công với cách mạng, cũng như triển khai công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 và bạch hầu đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.
Chị Y Ban, ở làng Bi, xã Ia Krái cho biết: “Hằng năm, khi bước vào mùa mưa, cùng với trạm y tế địa phương, các y, bác sĩ Bệnh xá quân - dân y Công ty 715 đến từng gia đình hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các mối nguy cơ gây bệnh như dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng, diệt loăng quăng, uống thuốc, tiêm phòng... Nhờ đó, các loại bệnh thường gặp như sốt rét, cảm cúm, tiêu chảy được đẩy lùi. Riêng đợt dịch bệnh bạch hầu và dịch Covid-19, công tác tuyên truyền phòng, chống của cả hệ thống chính trị nói chung, Bệnh xá quân - dân y Công ty 715 nói riêng được triển khai rất tốt, nhân dân các làng được hỗ trợ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các kỹ năng trong phòng, chống dịch bệnh. Bệnh xá quân - dân y Công ty 715 thực sự là chỗ dựa vững chắc của bà con nhân dân chúng tôi...”.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Lê Văn Lương, Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân dân - y Công ty 715 chia sẻ: “Hiện tại, cùng với đại dịch Covid-19, bệnh bạch hầu đang bùng phát tại các tỉnh Tây Nguyên, riêng tỉnh Gia Lai đã xuất hiện một số ổ dịch rất nguy hiểm. Để nâng cao kỹ năng trong phòng, chống dịch bệnh, hằng ngày, bệnh xá cử nhân viên xuống tận từng làng, từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường, nơi ở thông thoáng cũng như hỗ trợ vật chất y tế phòng, chống dịch bệnh. Với nguồn nhân lực và cơ sở y tế hiện có, chúng tôi bảm đảm thực hiện tốt chức năng thu dung, khám và điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động của binh đoàn đứng chân trên địa bàn và nhân dân trong vùng, góp phần cùng ngành y tế địa phương từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mọi đối tượng trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới...”.
Từ một “chấm nhỏ” vùng biên đến “bệnh viện đa khoa” thu nhỏ mang đậm dấu ấn người lính, tất cả đã tạo nên sức sống, giá trị nhân văn của mô hình quân dân y kết hợp. Một điểm tựa y tế vững chắc của người dân vùng biên giới tạo tiền đề củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân nơi phên dậu của Tổ quốc.
Thái Kim Nga