Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 10:03 GMT+7

Phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh:

Sức mạnh quần chúng làm nên đỉnh cao phong trào đấu tranh cách mạng

Biên phòng - Cách đây 90 năm, phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2020) nổ ra, là dấu mốc sáng chói trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, lần đầu tiên khối liên minh giai cấp công nhân và nông dân được hình thành, trở thành lực lượng nòng cốt để thu hút các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh trở thành đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930-1931.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia “90 năm Xô Viết Nghệ-Tĩnh, sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử”, diễn ra ngày 6-9, tại Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Giai đoạn 1930-1931, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân tạo nên cao trào cách mạng rộng lớn, đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân và phong kiến. Nghệ - Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) là nơi khởi phát phong trào cách mạng của cả nước. Tinh thần cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh bắt đầu được nhân lên từ cuộc đấu tranh của công nhân ở Vinh - Bến Thủy và nông dân các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương (Nghệ An).

Cụ thể, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng ngàn nông dân các vùng lân cận Vinh - Bến Thủy đã rầm rộ biểu tình thị uy, mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, rải truyền đơn, diễn thuyết... Các khẩu hiệu đấu tranh không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền dân sinh, dân chủ, tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, mà còn chống khủng bố chính trị, phản đối chiến tranh đế quốc.

Các cuộc đấu tranh diễn ra liên tục, quyết liệt khiến thực dân Pháp và chính quyền tay sai phong kiến ở các huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) rơi vào tình trạng tê liệt. Trong đó, có cuộc biểu tình của 20.000 nông dân huyện Thanh Chương, ngày 1-9-1930. Sau cuộc đấu tranh này, chính quyền thực dân ở các làng, xã trong huyện bị tan rã, chính quyền Xô Viết lần lượt xuất hiện trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh với nhiều hình thức đấu tranh như: Vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy, tiến công vào chính quyền thực dân ở địa phương; góp phần hình thành đạo quân cách mạng công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “90 năm Xô Viết Nghệ-Tĩnh, sức mạnh quần chúng làm nên lịch sử”, diễn ra ngày 6-9, tại Hà Tĩnh, khi nói về phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh, đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện mô hình chính quyền cách mạng của nhân dân lao động. Đó là những “làng đỏ” hình thành ở một số vùng nông thôn của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đây, luật lệ của chính quyền thuộc địa bị xóa bỏ, quần chúng nhân dân đã làm chủ vận mệnh của mình”.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh: “Phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh là sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 7 tháng và còn sơ khai nhưng đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng mô hình nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ, lầm than; để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng ta trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, đặc biệt là về cách thức tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân của Đảng ta thông qua đường lối đấu tranh đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng, thiết thực của nhân dân”.

Qua các phong trào đấu tranh giai đoạn 1930-1931, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh, khối liên minh giai cấp giữa công nhân và nông dân ngày càng bền chặt, làm cơ sở để thu hút mọi tầng lớp nhân dân lao động đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng đấu tranh chống áp bức, bất công, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong các phong trào cách mạng đó, giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng nòng cốt. Đặc biệt, từ phong trào cách mạnh đó đã hình thành một đội ngũ cán bộ cách mạng được rèn luyện qua đấu tranh, trở thành những nhân tố tích cực trong các giai đoạn cách mạng sau này.

Tiết mục văn nghệ trong lễ kỷ niệm 90 năm phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (12/9/1930 - 12/9/2020) tại tỉnh Nghệ An, ngày 7-9. Ảnh: TTXVN

Cũng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: “Khối liên minh công-nông hình thành trong cao trào đấu tranh 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ-Tĩnh là bằng chứng hùng hồn cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam, với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, sáng tạo đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân, xứng đáng là đại biểu cho lợi ích và trí tuệ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đó là thành quả của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam khi khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, quần chúng là người làm nên lịch sử; không có sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Đó cũng là truyền thống ngàn năm của dân tộc ta về: “Dân là gốc”, “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát huy xuất sắc trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Người khẳng định: Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó, sức mạnh đại đoàn kết nhân dân là sức mạnh vô địch, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân.

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO