Biên phòng - Xây dựng chuỗi liên kết trong phát triển thủy sản sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân, hướng đến phát triển bền vững. Trong mục tiêu này, ngành thủy sản Phú Yên đã và đang nỗ lực đầu tư, tổ chức nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân, từng bước mở lối đi hiệu quả, giúp ngư dân tránh được những cơn khủng hoảng.
Thành lập nhiều chuỗi liên kết
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, toàn tỉnh hiện có hàng trăm doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy, hải sản. Trong đó, một số doanh nghiệp tư nhân đã thành công với mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đây là mô hình sản xuất kinh doanh khép kín, đã được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Doanh nghiệp thủy sản Đắc Lộc là một trong những doanh nghiệp nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn này. Họ đã xây dựng chuỗi liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đạt hiệu quả cao.
Công ty cổ phần Bá Hải cũng đã xây dựng chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo đề án thí điểm của Bộ NN-PTNT. Công ty này đang liên kết với gần 80 chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương thuộc 8 tổ, đội sản xuất ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháng 7-2016, Công ty TNHH Nguyễn Hưng cũng công bố xây dựng chuỗi liên kết, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo đề án thí điểm của Bộ NN-PTNT về khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ. Theo đó, công ty đã liên kết với 25 tàu khai thác hành nghề lưới vây của ngư dân ở Phú Yên, trong đó, 5 tàu vừa đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ với mục tiêu tăng cường mối liên kết giữa công ty với ngư dân để đảm bảo ổn định nguồn cá ngừ nguyên liệu, nâng cao giá trị của sản phẩm và hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với ngư dân.
Ngư dân Lê Thái Bình, chủ tàu cá PY 98589 TS, ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, cho biết: “Lâu nay, ngư dân gặp nhiều khó khăn về vấn đề “được mùa mất giá”, bởi không có sự ràng buộc giữa người mua và người bán. Tham gia vào chuỗi liên kết này, phía công ty sẽ bao tiêu sản phẩm khai thác với mức giá tương đối ổn định, còn ngư dân phải có trách nhiệm bán cá cho công ty”.
Theo ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng, từ đầu năm đến nay, công ty đã thu mua khoảng 10.000 tấn cá ngừ, năng lực của công ty hiện có thể chế biến khoảng 30 tấn cá/ngày. Tham gia chuỗi liên kết, công ty đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm khai thác của các tàu cá trong chuỗi, nhờ đó, giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến. Hiện, công ty triển khai đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để cung cấp nhiên, vật liệu và thu mua cá trên biển đối với những tàu tham gia chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phú Yên cho hay: Hiện, toàn tỉnh có khoảng 330 tàu cá hành nghề lưới vây, sản lượng khai thác hằng năm khoảng 8.000-10.000 tấn cá ngừ. Việc liên kết chuỗi giá trị là cần thiết đối với ngư dân, trong đó, khâu chế biến giữ vai trò quan trọng. Chuỗi liên kết của Công ty TNHH Nguyễn Hưng ra đời sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác và tiêu thụ ổn định sản lượng cá ngừ trong tỉnh.
Sức bật từ “tàu 67”
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, ngư dân tỉnh Phú Yên đã đóng mới và đưa vào hoạt động 9 tàu cá, trong đó có 4 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ thép. Theo ngư dân Lê Thái Bình, tàu cá của gia đình ông được đóng mới theo Nghị định 67, hoạt động từ cuối năm 2015 đến nay. Tàu đóng mới có công suất lớn, vững chắc nên khi đánh bắt xa bờ anh em thuyền viên yên tâm bám biển. Đồng thời, trang thiết bị phục vụ đánh bắt rất hiện đại nên việc tìm luồng cá cũng dễ dàng hơn...

Còn theo ngư dân Nguyễn Văn Chúng, ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, chủ tàu cá vỏ thép PY 99998 TS được đóng mới theo Nghị định 67 thì đa số các chuyến biển đều có lãi. Trung bình mỗi năm, tàu của anh Chúng thu về từ 2 đến 4 tỷ đồng. “Để đánh bắt đạt hiệu quả cao, ngư dân cần thay đổi dần cách làm ăn, trong đó phải chú trọng đến đội ngũ thuyền viên có kinh nghiệm, biết vận hành các thiết bị hỗ trợ phục vụ khai thác hải sản. Nhờ đội ngũ thuyền viên có trách nhiệm cộng với tàu công suất lớn, các thiết bị hàng hải phục vụ đánh bắt hiện đại, nên đa số các chuyến biển vừa qua đều mang lại hiệu quả tốt. Có được tàu vỏ thép công suất lớn, ngư dân chúng tôi tự tin đánh bắt ở những ngư trường lớn như ở khu vực các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Qua đó, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, mà còn góp phần bảo vệ vùng biển của tổ tiên chúng ta đã khai thác hải sản từ bao đời nay...” - Anh Chúng chia sẻ.
Ngoài những chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, khá nhiều ngư dân cũng tích cực nâng cấp, cải hoán tàu cá, để vươn ra khai thác xa bờ. Ngư dân Lê Tấn Hồng, chủ 2 tàu cá PY 90612 TS và PY 95067 TS, ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa cho biết, gia đình ông đã đầu tư nâng cấp công suất mỗi con tàu từ 90CV lên 400CV với đầy đủ trang thiết bị tương đối hiện đại nhằm phát huy hiệu quả của các chuyến biển.
Theo anh Hồng, nhờ có thiết bị dò cá hiện đại, anh cùng với bạn thuyền biết được luồng cá di chuyển để đưa tàu đến đúng vị trí đón bắt, giảm bớt hao tốn nhiên liệu. Cùng với đó, việc đầu tư hệ thống đèn led (250W/bóng) thay thế hệ thống đèn trước đây (1.000W/bóng) cũng đã tiết kiệm được lượng nhiên liệu rất lớn. Thiết bị gây tê cá ngừ và sử dụng thùng hạ nhiệt giúp thời gian kéo cá lên tàu nhanh gấp 3 lần, cá không bị sổng khi mắc câu. Đặc biệt, chất lượng cá ngừ sau khai thác đã cải thiện nhiều so với trước...
“Thời gian tới, Phú Yên xác định nghề khai thác thủy, hải sản vẫn là thế mạnh và sản phẩm cá ngừ là một trong những sản phẩm chủ lực. Do đó, năm 2019 và những năm tới, tiếp tục triển khai các chính sách phát triển thủy sản, Phú Yên kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng cá và đầu tư xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ của tỉnh” - Ông Trần Hữu Thế nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, Phú Yên đã có 19 tàu cá được đóng mới; trong đó, 4 tàu vỏ gỗ, 7 tàu vỏ composite và 8 tàu vỏ thép. Đến nay, nghị định này đã góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản Phú Yên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản phát triển bền vững.
Phương Oanh - Ngọc Chung