Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 09:37 GMT+7

Sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp

Biên phòng - Chiều 24-10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

to-van-tam-tinh-kon-tum
Đại biểu Tô Văn Tám thảo luận về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Ảnh: Văn Bình

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu nhất trí với đề nghị của Chính phủ lấy tên luật là Luật Lâm nghiệp, bởi qua 13 năm thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng nước ta đã không ngừng nâng cao và đạt trên 41%, là ở mức cao của thế giới. Lâm nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật với sản lượng gỗ rừng trồng đạt 17,3 triệu m3 (năm 2016), xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch 7,3 tỷ USD (năm 2016).

Vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ và phát triển rừng thì phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi giá trị là yêu cầu cấp thiết, là xu hướng phát triển tiến bộ và hiện đại. Do vậy, phạm vi điều chỉnh của luật sửa đổi lần này đã quy định phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường cho du lịch sinh thái…

Đối với quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thống nhất với quy định tại Điều 136, Điều 137 của Luật Đất đai, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, các quy định tại Điều 136, Điều 137, Luật Đất đai về việc cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái là phù hợp với Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua cho thấy, các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giao cho các tổ chức kinh tế hầu hết chưa được quản lý, bảo vệ đúng mục đích, có tình trạng lợi dụng quyền là chủ rừng để khai thác lâm sản trái phép.

Do đó, trong bối cảnh tình trạng phá rừng, mất rừng tự nhiên diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học thì trong Dự thảo Luật chỉ quy định giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các chủ quản lý là tổ chức kinh tế. Với các quyền và nghĩa vụ được quy định cụ thể tại Điều 82, Điều 83 và không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để tránh bị lợi dụng. Trong trường hợp các tổ chức kinh tế muốn tiến hành các hoạt động kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái thì vẫn có thể hợp tác, liên kết với chủ rừng để thuê môi trường rừng.

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất trồng rừng được quy định tại Điều 89, Điều 90, một số đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay là vốn để trồng rừng đối với người dân rất khó khăn. Qua thực tế khảo sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng thì thấy rằng, phần lớn các hộ được giao đất lâm nghiệp hay được nhà nước cho thuê đất để trồng rừng đều không có vốn để trồng rừng nên đất rừng đã được giao khá lâu nhưng vẫn còn để trống.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), đề nghị ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước cần có cơ chế để hộ gia đình, cá nhân được liên kết với cá nhân, tổ chức nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài để tranh thủ nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính cho việc trồng rừng.

syvz_nguyen-xuan-cuong
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình trước QH những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Văn Bình

Báo cáo giải trình một số nội dung liên quan đến dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, muốn phát triển rừng bền vững, các chủ thể liên quan đến rừng cần phải được trao quyền tối đa theo quy định của pháp luật. Ban soạn thảo sẽ rà soát lại các đối tượng được thuê rừng là tổ chức, cá nhân, cộng đồng để làm cụ thể hơn nội dung này. Rừng gắn với đất đai, hai tài nguyên đi vào một chủ thế mới phát huy tối đa. Do vậy, đề nghị chỉnh sửa một số nội dung của Luật Đất đai cho phù hợp với Luật Lâm nghiệp. Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ được tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Viết Hà

Bình luận

ZALO