Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 03:38 GMT+7

Sự trở về sau gần nửa thế kỷ của cuốn nhật kí người liệt sĩ CAND vũ trang

Biên phòng - Bạn đọc trong và ngoài nước đã từng biết đến 2 cuốn nhật ký lừng danh “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Không chỉ có 2 cuốn nhật ký đó mà còn có rất nhiều cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác đã được nhà văn Đặng Vương Hưng và các cộng sự của “Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi” tập hợp và in trong 4 tập sách “Nhật kí thời chiến Việt Nam”.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hải Trường và bìa tác phẩm “Gửi lại mai sau” xuất bản lần đầu năm 2012. Ảnh: Thanh Thuận

Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, báo Biên phòng trân trọng giới thiệu nhật kí “Gửi lại mai sau” của liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Nguyễn Hải Trường (tức Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Đức Hinh) đi chiến trường “B”. Sự tìm lại sau gần nửa thế kỷ của cuốn nhật kí liệt sĩ Nguyễn Hải Trường không chỉ là di vật vô giá đối với người thân, gia đình liệt sĩ, mà còn trở thành niềm tự hào của thế hệ những chiến sĩ CANDVT đã chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Số phận kì lạ của cuốn nhật kí

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận đã tình cờ phát hiện trong số các hồ sơ hiện vật mà phía địch trước khi tan rã, rút chạy đã để lại, có một cuốn nhật ký của một cán bộ CANDVT miền Bắc đã hi sinh, có bút danh là Nguyễn Hải Trường. Nhiều người đã chuyền tay nhau đọc và ai cũng xúc động. Căn cứ địa chỉ ghi trong cuốn sổ kỷ vật của liệt sĩ, Công an tỉnh Bình Thuận đã trân trọng gửi ra cho Công an tỉnh Thanh Hóa cuốn nhật ký. Cuốn nhật kí đã được Công an tỉnh Thanh Hóa trao lại cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hải Trường tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Trong hơn 16 năm sưu tầm và biên soạn nhật kí của liệt sĩ và cựu chiến binh cho cuốn sách “Nhật kí thời chiến Việt Nam”, câu chuyện sự trở về của cuốn nhật kí của liệt sĩ CANDVT Nguyễn Hải Trường đã khiến nhà văn Đặng Vương Hưng bị ám ảnh cho tới tận bây giờ. Nhà văn cho biết: “Nhật ký của Nguyễn Hải Trường là một trong những nhật ký khiến tôi bị ám ảnh nhiều nhất, bởi trong 30 tác giả của bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam", liệt sĩ Nguyễn Hải Trường là liệt sĩ duy nhất thuộc lực lượng CANDVT, tiền thân của BĐBP ngày nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng CANDVT chi viện cho chiến trường miền Nam hơn một vạn người. Hầu hết là lực lượng an ninh, với nhiệm vụ hoàn toàn thầm lặng, hoạt động ngầm, cài cắm trong lòng địch. Rất nhiều người bị bắt, bị thủ tiêu, và nhiều người bị lên án là phản bội Tổ quốc.

Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (Nguyễn Minh Sơn) là một trong những chiến sĩ như vậy. Khi gia đình chuyển cho tôi cuốn nhật ký, đó là một cuốn sổ tay rách nát, thậm chí nhiều trang bị nhoè nước, rất khó đọc. Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường hy sinh trong một lần đi công tác bị địch vây. Sau khi ông hy sinh, phía bên kia của chiến tuyến đã tìm thấy trong ba lô của ông cuốn nhật ký, họ đọc và xúc động với những gì ông viết và họ đã mang cuốn nhật ký về lưu giữ lại. Đến khi giải phóng, anh em vào tiếp quản và đã thấy cuốn nhật ký mới gửi về cho gia đình”.

Một ngày đầu tháng 8-2011, nhà văn Đặng Vương Hưng nhận được một cuốn điện thoại số lạ, được gọi từ mã vùng tỉnh Thanh Hóa. Một người phụ nữ tự giới thiệu là Nguyễn Thị Oanh, con gái một liệt sĩ CANDVT quê ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Chị Oanh cho biết mình vừa xem xong một chương trình truyền hình về ngày 27-7 có giới thiệu một nhà văn chuyên đi sưu tầm, biên soạn, giới thiệu bộ sách về những lá thư và nhật kí thời chiến Việt Nam.

Đặc biệt, chị Oanh tiết lộ, hiện chị đang giữ một cuốn sổ tay nhật ký chiến trường của người cha là Liệt sĩ CANDVT Nguyễn Hải Trường (tức Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Đức Hinh). Chị Oanh cho biết, mấy chục năm nay, chị đã đọc nói nhiều tới mức thuộc lòng và lần nào đọc chị cũng cảm động rưng rưng muốn khóc. Chị muốn chuyển cho nhà văn Đặng Vương Hưng cuốn sổ tay nhật kí đó đọc, xem có thể biên soạn và xuất bản thành sách được không?

Sau cuộc gặp gỡ tại Hà Nội, và nhiều lần trao đổi điện thoại qua lại với chị Oanh, nhà văn Đặng Vương Hưng đã quyết định đến Thanh Hóa tìm về xã Hải Lộc để tìm hiểu thêm tư liệu từ phía gia đình, bạn bè của liệt sĩ. Người con gái liệt sĩ Nguyễn Hải Trường đã kể về quãng thời gian ông đi B.

Khi đó, gia đình, làng xã bà con tưởng ông phản bội khiến những người ở nhà bị ảnh hưởng, sống trong tủi nhục, oan ức. Rồi đến khi gia đình nhận được giấy báo tử của ông thì mới giải oan được những điều trước đó. Người con gái đã lấy cuốn nhật ký được trang trọng đặt trên bàn thờ để trao lại cho nhà văn Đặng Vương Hưng.

Trong cuộc gặp gỡ Cựu chiến binh, Thiếu tá Hồ Sĩ Huấn, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa - đồng đội cũ của liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn tại thành phố Thanh Hóa, những chi tiết cuộc đời của người liệt sĩ CANDVT hi sinh từ gần nửa thế kỷ trước đã dần được hé lộ và sáng tỏ...

Chiến sĩ CANDVT đi chiến trường B

Nguyễn Hải Trường sinh năm 1930 tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tên khai sinh là Nguyễn Đức Hinh. Gia đình nghèo nhưng có truyền thống hiếu học. Lớn lên, cậu bé Hinh là một trong những đứa trẻ hiếm hoi trong vùng được cha mẹ cho đi học văn hóa tương đương hết lớp 7 phổ thông.

Vốn thông minh, hiếu động nên khi Cách mạng tháng tám 1945 diễn ra, cậu đã cùng cha đi cướp chính quyền trên Phủ huyện, thậm chí còn tham gia diễn thuyết, tuyên truyền chính sách của Việt Minh.

Nhờ thế, ngay từ khi còn trẻ, Nguyễn Đức Hinh đã rất uy tín với phong trào của làng, xã. Anh hăng hái làm liên lạc du kích xã, rồi Bí thư chi đoàn thanh niên cứu quốc. Nguyễn Đức Hinh cũng là một trong những thanh niên ưu tú được lựa chọn tham gia chi đội Đinh Công Tráng gồm 1.500 chiến sĩ. Đó là lực lượng chủ lực đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa làm nòng cốt bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự xã hội.

Ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của cuộc kháng chiến chống Pháp đã vào thăm, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, xây dựng địa phương này thành tỉnh kiểu mẫu, làm căn cứ hậu phương chiến lược. Nguyễn Đức Hinh đã vinh dự được cùng đồng đội góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho sự kiện lịch sử trọng đại này.

Khi chi đội Đinh Công Tráng được chuyển thành Trung đoàn bộ đội chủ lực của Thanh Hóa, Nguyễn Đức Hinh đã đổi tên là Nguyễn Minh Sơn (với ý nghĩa chí hướng luôn sáng tỏ như mặt trời và quyết tâm vững bền như núi Thái Sơn).

Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Nguyễn Minh Sơn được điều động vào biên chế vào quân số của Đại đoàn 312, cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lấy năm châu chấn động địa cầu”. Anh đã chiến đấu anh dũng, lập công xuất sắc nên sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, anh đã vinh dự được cấp trên điều về Đại đoàn 350. Đây là đơn vị mới thành lập, gồm những cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất, được tuyển chọn từ toàn quân sau khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, làm nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng và Bác hồ.

Tháng 3 năm 1959, lực lượng CANDVT tiền thân của lực lượng BĐBP ngày nay được thành lập, Nguyễn Minh Sơn là một trong những chiến sĩ được lựa chọn đầu tiên. Anh cùng đơn vị được điều động đi làm nhiệm vụ tiễu phỉ tại vùng cao biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An... Căn cứ vào Giấy chứng nhận của thủ trưởng tiểu đoàn 12 thuộc Bộ Tư lệnh CANDVT do Thiếu tá Lê Văn Bê ký và đóng dấu, đính vào bìa 2 sổ khám bệnh của người vợ là Nguyễn Thị Hán thì cho đến thời điểm ngày 13-1-1965, Nguyễn Minh Sơn có cấp hàm Thiếu úy, biên chế ở đơn vị có mật danh là K.1298. HK.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ, Nguyễn Minh Sơn được điều về Trường bổ túc Sĩ quan Biên phòng để nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ. Tiếp đó, Sơn được Bộ Công an chọn trong số những cán bộ ưu tú nhất đi tập huấn ở đơn vị B1+4, rồi tập đeo nặng, hành quân leo núi mấy tháng trời ở Vân Phong-Đồi Gianh… để chuẩn bị đi B, tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Do yêu cầu nhiệm vụ của trên, Nguyễn Minh Sơn đã đổi tên mới là Nguyễn Hải Trường. Sau này cái tên Nguyễn Hải Trường hoặc Hải Trường đã được sử dụng là bút danh ghi chép trong sổ tay nhật kí, viết thư tâm sự với người vợ trẻ ở quê nhà. Cuốn nhật kí thể hiện những điều tâm sự chân thực nhất, những hồi tưởng, những điều trực tiếp mắt thấy, tai nghe và cảm nhận được. Đó là những trang viết về nội tâm của một con người được tôi luyện trong khói lửa kháng chiến; những quyết liệt giữa sự giả dối, cơ hội và trung thực; có cả sự hèn nhát và dũng cảm; bi lụy và anh hùng ca…Nhưng trên hết là tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nó lý giải tại sao những cán bộ CANDVT đi B có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Cuốn sổ tay nhật kí di vật của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường có 294 trang ruột, tác giả đã ghi chép đến trang 290, chỉ còn bốn trang trắng cuối cùng. Căn cứ nội dung ghi trong cuốn sổ tay nói trên, thì nhật kí của tác giả Nguyễn Hải Trường được bắt đầu viết từ ngày 28-1-1965 và khép lại vào ngày 20-3-1967, trước khi anh hi sinh 10 ngày.

Có thể tạm chia nội dung tác phẩm làm ba phần chính: Một là, những hồi ức nhớ lại và ghi vội trên đường Trường Sơn (đến 15-7-1965 như lời tác giả đã dẫn). Hai là, những trang ghi chép trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam đầy gian khổ (từ ngày 15-7 đến 12-10-1965). Ba là, nhật kí những ngày ở chiến trường, làm công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào ở địa phương (từ 12-10-1965 đến ngày tác giả hi sinh).

Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường đã ngã xuống tại chiến trường miền Nam khi mới 37 tuổi. Căn cứ những trang ghi chép trong nhật kí thì thời điểm giữa năm 1966 cho đến tháng 3 năm 1967 tại địa bàn Phước Long, tỉnh Bình Thuận, cuộc chiến đấu giữa ta và địch ra vô cùng ác liệt: “Địch dùng chiến tranh hủy diệt, nghĩa là đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Ở đây nó đã hủy diệt đi hủy diệt lại không biết bao nhiêu lần rồi. Một chiếc thuyền đựng nước uống để dưới hầm cũng bị nhiều vết đoạn. Nó bắn dày như mặt những chiếc dần, sàng gạo. Một chiếc xoong nấu cháo cho trẻ nhỏ, người ta đếm đếm được 20 vết đạn, một chiếc lon uống nước 27 vết đạn, một chiếc mâm cơm trên sáu mươi vết đạn, một chiếc thùng sách nhỏ mà cuối tươi xắt nhỏ mà có tới 204 vết đạn, một tấm tôn lợp nhà khoảng một mét vuông người ta không thể đếm được bao nhiêu, chỉ thấy viết đạn dày đặc”.

Cuốn sách “Nhật kí thời chiến Việt Nam” tập hợp một số cuốn nhật kí của các liệt sĩ, cựu chiến binh trong đó có nhật kí “Gửi lại mai sau” của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường. Ảnh: Thanh Thuận

Trong tài liệu lưu trữ của Phòng Chính sách, Cục Chính trị BĐBP ghi tóm tắt về liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn: “Hi sinh trên đường công tác vì bị địch phục kích”. Với bản chất kiên cường, anh dũng của người chiến sĩ đã từng tôi luyện qua mặt trận Điện Biên, từng đi tiễu phỉ ở vùng cao biên giới và đã được vượt qua bao khó khăn, gian khổ để vào tới chiến trường miền Nam thì Nguyễn Hải Trường không thể hi sinh một cách dễ dàng. Chắc chắn sự dũng cảm, gan dạ của anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ khiến những người bên kia chiến tuyến phải kính phục. Nếu không, cuốn sổ tay của Nguyễn Hải Trường sẽ chẳng có ý nghĩa gì và sẽ không được đối phương trân trọng, mất công cất giữ và lưu lại bao năm sau đó. Rất có thể, trong một trận đánh ác liệt, anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi ngã xuống. Cũng có thể, anh đã bị thương nặng, địch bắt được, chúng đã tra tấn đến chết mà anh vẫn không chịu khai nửa lời.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, em trai của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường nhớ lại: “Ngày đó, sau lễ truy điệu của chồng, chị dâu tôi đã phải hết sức cố gắng để không gục ngã, chật vật làm lụng nuôi ba cháu nhỏ. Nhưng chị chỉ gắng gượng, trụ được tới tháng 7 năm 1974 thì mất tại Bệnh viện Thanh Hóa vì bị bệnh hiểm nghèo. Vậy là ba đứa con của anh Nguyễn Hải Trường chỉ trong vài năm đã thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cháu trai lớn nhất là Nguyễn Minh Hải lúc đó 13 tuổi, đứa thứ hai Nguyễn Thị Yến lên 10 tuổi, đứa nhỏ nhất là Nguyễn Thị Oanh mới 7 tuổi. Hồi đó, tôi nhớ là Công an Thanh hóa có cử cán bộ về bàn với chính quyền địa phương và gia đình đưa các cháu vào trường mồ côi để nhà nước nuôi dưỡng, nhưng cha mẹ tôi không chịu, mặc dù ông bà cũng đã già yếu. Các con của anh chị tôi đã lớn lên và trưởng thành nhờ tự lực cánh sinh, sự đùm bọc thương yêu của gia đình, họ hàng và bà con làng xóm…”

Mới đó mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Đó cũng là thời gian cho cuộc hành trình tìm lại sự thật, số phận của tác giả một cuốn sổ tay đã ố vàng, nhàu nát, nhưng độc nhất vô nhị. Nó giống như một di vật của người đã khuất đã trở thành tài sản tinh thần vô giá mà ông đã gửi lại cho con cháu và thế hệ hôm nay. Cuối cùng thì cuốn nhật kí ấy đã tìm đến được với Nhà xuất bản Công an nhân dân, trở thành một trong số tác phẩm của tủ sách Mãi mãi tuổi hai mươi.

Nếu như nhật kí Đặng Thùy Trâm, nhật kí Nguyễn Văn Thạc là tâm sự của một thế hệ thanh niên trí thức trẻ ra trận đã “mãi mãi tuổi 20” trong kháng chiến chống Mỹ thì nhật kí của Nguyễn Hải Trường cũng vinh dự là đại diện cho tiếng nói của thế hệ đầu tiên của CANDVT-lực lượng tiền thân của BĐBP ngày nay đã trọn đời sống, chiến đấu và hy sinh cho cả hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Hy vọng nhật kí “Gửi lại mai sau” sẽ trở thành niềm tự hào không chỉ của gia đình liệt sĩ mà còn trở thành niềm tự hào chung của các thế hệ trẻ BĐBP và quê hương Thanh Hóa. Tác giả của những trang nhật kí được viết từ thời máu lửa chiến tranh trong cuốn sách này xứng đáng được vinh danh như một Anh hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO