Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 11:35 GMT+7

Sự thật về đường dây tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép tại Tây Nguyên (Bài 1)

Biên phòng - Liên quan đến vụ việc ngày 27-4, Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan bắt quả tang 2 xe tải vận chuyển 40,3m3 gỗ và phát hiện 5 địa điểm tàng trữ lâm sản bất hợp pháp tại tỉnh Đắk Nông, của chủ gỗ Phan Hữu Phượng; Bộ Tư lệnh BĐBP đã lập tức tổ chức xác minh, điều tra về trách nhiệm của các đơn vị BĐBP liên quan trong vụ việc này. Chúng tôi xin cung cấp đến bạn đọc chi tiết sự việc liên quan 2 Đồn Biên phòng (BP) Bo Heng và Yok Đôn, BĐBP Đắk Lắk.

26509cekhx-75739_18489991741833313045_10a
Số gỗ cũ hỏng trong hồ sơ gỗ hợp pháp của Phan Hữu Phượng hiện vẫn nằm ven Quốc lộ 14C. Ảnh: TTH

Bài 1: Xác minh chặt chẽ và xử lý nghiêm sai phạm

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, sáng ngày 28-4, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã thành lập đoàn kiểm tra do Đại tá Tống Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng dẫn đầu, tới hiện trường. Trong biên bản làm việc của đoàn ghi rõ: Từng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ của 2 Đồn BP Bo Heng và Yok Đôn phải tường trình, báo cáo cụ thể từng nhiệm vụ công tác.

Ban Chỉ huy đồn BP giải trình sổ sách ghi chép trực ban và sổ đăng ký người, phương tiện ra vào khu vực biên giới thời gian qua; đặc biệt là rà soát lại xem có gì liên quan đến hiện trường vụ việc. Việc kiểm tra nhằm tìm câu trả lời, có cán bộ nào thuộc 2 đồn Biên phòng kể trên có bao che, dung túng cho hành vi tàng trữ vận chuyển gỗ trái phép ngay trong khu vực biên giới thuộc địa bàn đơn vị mình quản lý hay không?

Ngày 2-5-2018, Bộ Tư lệnh BĐBP đình chỉ 4 sĩ quan chỉ huy của 2 Đồn BP Bo Heng và Yok Đôn để phục vụ công tác điều tra. Ngay sau đó, đoàn công tác Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và Cục Chính trị BĐBP đã có mặt tại hiện trường để xác minh cụ thể, làm rõ trách nhiệm của lực lượng BĐBP đóng quân trên địa bàn trong vụ việc vận chuyển, tàng trữ gỗ bất hợp pháp này.

Theo lời khai của tài xế vận chuyển gỗ lậu với cơ quan Công an, số lâm sản trái phép trên 2 xe bị giữ tại Cư Jut, Đắk Nông xuất phát từ lán trại của chủ hàng Phan Hữu Phượng, nằm cách Đồn BP Bo Heng 500m. Điều này khiến dư luận phỏng đoán rừng quốc gia Yok Đôn bị “lâm tặc” tàn phá và đặt nghi vấn về tình trạng phá rừng từ trong lõi rừng. Tuy nhiên, trong biên bản khám nghiệm hiện trường của chuyên án ghi rõ: Trong khu vực lán trại và địa bàn biên giới xung quanh đó, thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia Yok Đôn không có dấu hiệu gỗ bị chặt hạ.

Có mặt tại hiện trường vào ngày 5-5-2018, nhóm phóng viên chúng tôi đã tiếp cận toàn bộ hồ sơ sự việc và phỏng vấn chỉ huy 2 đồn BP các vấn đề mà dư luận đang đặt ra về trách nhiệm của các đơn vị BĐBP phụ trách địa bàn. Tại hiện trường, lán trại của Phan Hữu Phượng tại Tiểu khu 464, thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích 150m2 hiện đã được giải tỏa. Bãi tập kết gỗ gần đó còn lại một vài lóng gỗ tròn có dấu búa kiểm lâm, đã hư hỏng. Dọc hai bên Quốc lộ 14C, khu vực gần đó còn nhiều lóng gỗ.

6r1ez3xvlp-75739_21203557331865601445_10b
Dấu vết vận chuyển gỗ qua suối Đắk Đam. Ảnh: TTH

Theo biên bản hiện trường của lực lượng Công an điều tra phá án thì đây là số gỗ Phan Hữu Phượng mua theo hình thức đấu giá với Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, có hồ sơ kèm theo. Bảng kê lâm sản của Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cũng ghi rõ, số gỗ này phần lớn đã mục giác, bọng gốc, cháy ruỗng, xém gốc, tét nhánh..., được di chuyển từ bãi gỗ ra ven đường quốc lộ sau một vụ cháy.

Sau sự việc Cục Cảnh sát Môi trường bắt giữ người và tang vật tại khu lán trại này, các trạm Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng đã tuần rừng và kiểm tra toàn bộ lâm phần. Kết quả, không có dấu hiệu chặt hạ cây và dấu vết phá rừng. Vì vậy, bước đầu có thể khẳng định không xảy ra hành vi phá rừng trên địa bàn biên giới tại khu vực này.

Chúng tôi được biết thêm, gần đây, phía Campuchia có thông báo với Đồn BP Bo Heng về việc họ sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai biên giới. Trong quá trình phóng tuyến mở đường dài tới 39km, họ có chặt hạ các cây gỗ và có đóng lán trại để công nhân làm đường trú chân. Số gỗ rừng chặt hạ từ đây có thể đã được Phượng mua lại rồi trà trộn với gỗ tận thu từ vụ cháy rừng trước đó để vận chuyển về xưởng của mình. Bị bắt quả tang hành vi này vào rạng sáng ngày 27-4, đến ngày 3-5, Phan Hữu Phượng và 4 đối tượng khác trong đường dây đã bị Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố bị can và tạm giam về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản theo Điều 232, Bộ luật Hình sự.

Về phía trách nhiệm của các đơn vị BĐBP, Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk khẳng định, qua điều tra, không có cán bộ đơn vị BĐBP nào có hành vi bảo kê cho “lâm tặc”. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi chỉ huy Đồn BP Bo Heng chủ quan trong công tác phòng chống tội phạm, để Phan Hữu Phượng lợi dụng tình hình tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép.

Về việc lán trại có sử dụng điện từ đồn BP, giải trình của chỉ huy Đồn BP Bo Heng cho hay, các đối tượng trên được đồn đồng ý cho phép kéo dây điện từ trạm bơm của đơn vị bên cạnh suối Đắk Đam để thắp sáng. Trong suốt quá trình Phan Hữu Phượng và đồng bọn qua lại khu vực biên giới, Đồn BP Bo Heng đã tin vào số giấy tờ hợp pháp mà họ trình báo, không lường trước được vụ việc như đã xảy ra. Điều đáng nói là trong số các chỉ huy của 2 đồn BP có liên quan đến vụ việc, có người còn không biết mặt Phan Hữu Phượng trước khi ông ta bị bắt. Sự chủ quan đã tạo ra lỗ hổng lớn này, đâu là lý do?

Có thể lời ngay là “tấm bùa hộ mệnh” mà Phan Hữu Phượng dùng để qua mặt các cơ quan chức năng gồm cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, BĐBP chính là hồ sơ hợp pháp về số gỗ được coi là gỗ trục vớt do trôi dạt, tận thu từ lòng suối Đắk Đam.

Nhóm PV

Bình luận

ZALO