Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 21/09/2023 08:18 GMT+7

Sự thật về "Cuộc chiến tranh sáu ngày" ở Trung Đông

Biên phòng - Cách đây 49 năm (đầu tháng 6-1967), I-xra-en đã chủ động tiến hành một cuộc chiến tranh chống các nước Ả-rập, diễn ra trong vòng 6 ngày nhưng làm thay đổi căn bản cán cân lực lượng ở Trung Đông. Cuộc chiến chớp nhoáng này xảy ra trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đang ở đỉnh điểm của sự căng thẳng trên phạm vi toàn thế giới. Một câu hỏi đặt ra: Vì sao Liên Xô và các đồng minh của mình vốn luôn ủng hộ người Ả-rập, lại không can dự vào cuộc chiến, khiến cho vị thế địa chính trị của Nhà nước Do Thái được cải thiện hơn bao giờ hết?

ksqz_25a
Phi cơ chiến đấu của Quân đội Ai Cập ở sân bay Ôn-ai-rix (Ai Cập) bị không quân I-xra-en phá hủy.   

Từ "Cú đấm của Xi-on"…

Sau cuộc khủng hoảng kênh đào Xuy-ê (năm 1956), theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, gần 3.500 nhân viên "mũ sắt xanh" của các nước Xcan-đi-na-vơ, Ca-na-đa, Bra-xin và Nam Tư được bố trí tại biên giới I-xra-en - Ai Cập để tạo thành một vùng đệm gìn giữ hòa bình ở đây. Nhờ đó, dù vẫn xảy ra những cuộc chạm súng nhưng tình hình an ninh về cơ bản vẫn nằm trong vòng kiểm soát.

Đầu năm 1967, tại khu vực đã xuất hiện những diễn biến nguy hiểm, nhất là khi Ai Cập bắt đầu yêu cầu lực lượng của Liên hợp quốc rút quân sau gần một thập kỷ đồn trú tại bán đảo Xi-nai (Ai Cập). Cùng với động thái đó, quân đội Ai Cập huy động một lực lượng quân sự khổng lồ bao gồm 1.000 xe tăng và hơn 100.000 lính tiến hành phong tỏa eo biển Ti-ran - cửa ngõ vào vịnh A-qua-ba (đối với các tàu mang cờ I-xra-en hoặc các tàu chở hàng chiến lược), đồng thời kêu gọi các nước Ả-rập cùng hành động đối phó với Nhà nước Do Thái.

Trước tình hình trên, ngày 26-5-1967, trong cuộc tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao I-xra-en, Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn khẳng định sẽ ủng hộ mọi biện pháp nhằm giải tỏa eo biển Ti-ran. Như được "lên dây cót" về mặt tinh thần, những ngày sau đó, kế hoạch tác chiến mang tên "Cú đấm của Xi-on" được Bộ Quốc phòng I-xra-en bí mật triển khai và vào ngày 5-6-1967, quân đội nước này bất ngờ tổ chức tấn công phủ đầu vào các cơ sở không quân Ai Cập, gây thiệt hại nặng nề cho các sân bay và căn cứ không quân trên bờ Tây kênh đào Xuy-ê.

Sau khi thế trận phòng không - không quân của Quân đội Ai Cập gần như bị vô hiệu hóa với khoảng 400 máy bay cùng các ụ pháo cao xạ bị phá hủy, bộ binh I-xra-en bắt đầu chia làm 3 mũi, vượt bán đảo Xi-nai tiến sát tới Thủ đô Ai Cập. Cùng một thời điểm, các cánh quân khác cũng tiến hành tác chiến nhằm đối đầu với Quân đội Xy-ri và Gioóc-đa-ni. Chỉ trong vòng 72 giờ sau đó, sức mạnh quân sự của ba nước Ả-rập bị hủy hoại và các hoạt động tác chiến trên bán đảo Xi-nai kết thúc sáng ngày 9-6.

Theo số liệu thống kê, trong "Cuộc chiến tranh sáu ngày" này, Ai Cập có trên 10.000 binh sĩ thiệt mạng, 5.000 người bị bắt làm tù binh, gần 800 xe tăng cùng một khối lượng lớn các phương tiện quân sự bị phá hủy hoặc tịch thu. Về phía Quân đội Gioóc-đa-ni, cuộc chiến chớp nhoáng cũng gây thiệt hại gần 200 xe tăng cùng hàng nghìn binh sĩ tham chiến. Riêng Quân đội Xy-ri, tuy đã triển khai kế hoạch phòng thủ chu đáo nhưng cũng bị thiệt hại nặng khi Quân đội I-xra-en triển khai tấn công cao nguyên Gô-lan (ngày 9-6). Đến ngày 10-6-1967, hai bên chính thức ngừng bắn khi người I-xra-en chiến thắng, trả được món nợ năm 1948, lấy lại vùng La-trun và khu phố cổ tại Giê-ru-xa-lem, trong khi chỉ mất gần 400 xe tăng, 45 máy bay và gần 1.000 binh sĩ thiệt mạng.

vdq6_25b
Xe tăng cùng lực lượng hậu cần của Quân đội Ai Cập tập kết tại bán đảo Xi-nai sẵn sàng cho một cuộc chiến chống I-xra-en. Ảnh: Terry Fincher 

… Đến nguy cơ một cuộc chiến hạt nhân toàn cầu

Sau này, theo tài liệu giải mật của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) được biết, hai tháng trước khi cuộc chiến tranh Ả-rập - I-xra-en nổ ra, các cơ sở bí mật đã cung cấp cho tình báo Liên Xô những thông tin chính xác liên quan đến căn cứ hạt nhân của I-xra-en và Quân đội Liên Xô đã lên kế hoạch tiêu diệt căn cứ hạt nhân này. Sau đó không lâu, khi các giáo đường Ai Cập kêu gọi tín đồ dự cuộc Thánh chiến chống người Do Thái và ở dải Ga-da, hàng chục nghìn cảm tử quân đến từ nhiều nước Ả-rập khác nhau bắt đầu tiến sát biên giới I-xra-en, thì lập tức, Tổng thống Ai Cập Na-dê tuyên bố phong tỏa vịnh A-qua-ba (ngày 23-5-1967).

Cũng ngay sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ L.Giôn-xơn lên tiếng cảnh cáo rằng Ai Cập đã làm cho tình hình trở nên nguy hiểm và phải chịu trách nhiệm. Ngay lập tức, Liên Xô ra tuyên bố nhấn mạnh rằng, bất cứ thế lực nào làm phức tạp thêm tình hình sẽ phải đối phó với lực lượng của liên minh Ả-rập cùng với sự can dự của chính Liên Xô. Cũng cần nhớ rằng, khi có dấu hiệu bắt đầu cuộc chiến nổ ra đã có 12 quốc gia Ả-rập tuyên bố sẽ tham chiến cùng Ai Cập, 8 quốc gia Hồi giáo khác sẵn sàng gửi quân đội qua khi có chiến tranh với I-xra-en. Trong khi đó, I-xra-en chỉ có Mỹ và Anh hậu thuẫn (trước đó, Pháp đã cung cấp phương tiện chiến tranh cho I-xra-en, nhưng ngày 2-6-1967, Tổng thống Đờ Gôn tuyên bố trung lập và thông báo rằng nước nào nổ súng đầu tiên sẽ không được Pháp tán thành).

Có một sự thật hiển nhiên rằng, do đặc điểm cán cân lực lượng giữa Liên Xô và Mỹ lúc bây giờ là "kẻ tám lạng, người nửa cân" nên nếu người Mỹ đưa Hạm đội 6 đến Địa Trung Hải thì Liên Xô cũng không ngần ngại đưa hạm đội của mình từ Biển Đen đến. Nếu Mỹ đưa các máy bay quân sự tới I-xra-en thì Liên Xô cũng đáp lại bằng việc triển khai hệ thống phòng không đến vùng Trung Đông… và khi đó, miệng hố của Chiến tranh thế giới thứ ba có thể sẽ nổ ra. Biết rõ điều này, những người đứng đầu hai cường quốc Liên Xô và Mỹ đã cùng có những nỗ lực chính trị để điều kinh khủng đó không xảy ra.

Trong 6 ngày diễn ra cuộc chiến, họ đã theo sát và trao đổi với nhau hàng chục công hàm ngoại giao, hàng trăm cuộc điện thoại nóng để thảo luận về việc "ghìm cương" những "con ngựa chiến" đang say máu. Cùng với đó, về phía lực lượng quân sự của Liên Xô và Mỹ, đưới sự chỉ đạo của hai nhà lãnh đạo: Brê-dơ-nhép - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và L.Giôn-xơn - Tổng thống Mỹ, đã cùng kiềm chế và "rời xa" khu vực chiến sự ở một cự ly cần thiết.

Sau khi "Cuộc chiến tranh sáu ngày" kết thúc, các chuyên gia phân tích quân sự cùng thống nhất nhận định rằng, những nỗ lực của cả Liên Xô và Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đã làm thay đổi kế hoạch can thiệp quân sự của Liên Xô vào khu vực này. Nếu các bên không giải quyết mâu thuẫn kịp thời, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba chắc chắn sẽ nổ ra và việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không loại trừ và hậu quả tàn khốc của nó sẽ không thể tưởng tượng nổi.

Nguyễn Đình Hùng (Tổng hợp từ báo chí nước ngoài)

Bình luận

ZALO