Biên phòng - Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969, đã đánh giá về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.

30 năm bôn ba tìm đường cứu nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890, tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong bối cảnh đất nước đang thống khổ dưới ách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Vào ngày 5-6-1911, tại bến cảng Nhà Rồng ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Pháp mang tên L’Admiral Latouche Trévill để làm phụ bếp, bắt đầu lý tưởng vĩ đại của Người.
Qua 3 đại dương, 4 châu lục trong 30 năm ròng rã (1911-1941), Người đã đến các nước tư bản tiên tiến nhất lúc bấy giờ là Pháp, Mỹ, Anh... và nhiều nước thuộc địa. Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa là “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”1 nên theo Người, “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”2.
Năm 1919, tại Thủ đô Paris của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gia nhập Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và Đảng Xã hội Pháp. Tiếp đó, năm 1920, sau khi đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo, Người đã tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người đã tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa.
Năm 1923, tại Liên Xô, Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân và theo học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông. Vào tháng 6-1924, tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Người được bầu làm Ủy viên thường trực Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.
Sau này, trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Báo Nhân dân, số 2226, ngày 22-4-1960), Người nhớ lại: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”3.
Tiếp đó, Quốc tế Cộng sản đã cử Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Quảng Châu (Trung Quốc) công tác. Năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Hội những người bị áp bức và sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam. Tháng 2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 28-1-1941, sau nhiều năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Vào ngày 19-5-1941, Người đã sáng lập Mặt trận Việt Minh nhằm thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc để đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiếp đó, ngày 22-12-1944, Người đã sáng lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay) để chuẩn bị lực lượng vũ trang giành chính quyền khi thời cơ chín muồi.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Tiếp đó, Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kháng chiến chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và Việt Nam đã trở thành ngọn cờ cổ vũ cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Năm 1990, Tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”4.
Tình cảm của Bác Hồ đối với BĐBP
Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang nòng cốt, chuyên trách trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa.
Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng BĐBP). Ngày 5-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang. Người căn dặn, phải bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân vũ trang có kiến thức toàn diện, không chỉ hiểu biết sâu sắc về chính trị, quân sự, nghiệp vụ công an, mà còn phải am hiểu về pháp luật trong nước và quốc tế, về ngoại giao, y tế và kinh tế.

Ngày 28-3-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự Lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Người đã huấn thị: “Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”. Bên cạnh đó, lúc sinh thời, Người cũng đã nhiều lần đến dự Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang.
Hơn 63 năm qua, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Tính đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Ngoài ra, có rất nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italia có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài.
Nguyễn Văn Toàn
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 268.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 228.
4 UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 37.