Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:47 GMT+7

Sứ mệnh gìn giữ văn hóa là của những con người Tây Nguyên hôm nay

Biên phòng - "Tây Nguyên đang trở nên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu về văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên đó là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời, Tây Nguyên phải là một biểu tượng phát triển du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản châu Á trong thế kỷ 21" - Lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tại Gia Lai vừa qua.

q1rm_8a
Biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Ảnh: Thái Kim Nga

Tối 2-12, Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 chính thức khép lại, để lại nhiều ấn tượng đối với đông đảo đồng bào địa phương và du khách trong nước, quốc tế. Điều vui mừng nhất là Tây Nguyên vẫn còn đó một sức sống và bề dày của Không gian văn hóa cồng chiêng. Sự hào hứng, không khí lễ hội của những người Tây Nguyên yêu mến nguồn cội, có ý thức giữ gìn, phát huy vốn văn hóa và trở thành một yếu tố không thể thiếu được của không gian đó. Lễ hội tôn vinh giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với sự tham gia của nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các công dân nhỏ tuổi, những người sẽ kế thừa, tiếp nối di sản và vận dụng vốn văn hóa cho sự phát triển của Tây Nguyên trong thời đại mới.

“Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua nhà sàn, lan dưới đất! Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc lại một trong những đoạn mô tả tiếng cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên trong Sử thi Đam San, mang đến niềm xúc động khó tả và là những giây phút đáng nhớ nhất của Festival. Dường như, những tiếng chiêng là thanh âm mang lại sinh khí cho đất Tây Nguyên. Nơi xanh thẫm đại ngàn, đỏ đất bazan, nơi những con người mộc mạc, chất phác cùng nhau sinh sống tạo nên một cộng đồng với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo. Tây Nguyên là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Dãy Trường Sơn huyền thoại đã đi vào lịch sử cũng bảo bọc bao thế hệ chiến sĩ cách mạng anh hùng, trở thành nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau.

Trải qua 13 năm, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên giành “tước hiệu” cao quý là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, tiếng chiêng vẫn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc. Đó còn là phương tiện giao tiếp với thần linh, là niềm tin vào sự trường tồn của giá trị truyền thống. Sự phong phú, độc đáo, phóng khoáng và đa dạng đã khẳng định vị trí đặc biệt của cồng chiêng Tây Nguyên trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam...

Vùng đất Tây Nguyên lưu giữ hơn 10 ngàn bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ sử dụng cồng chiêng liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây trồng. Vì vậy, nhận định đúng đắn là chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng, cũng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống. Tây Nguyên sẽ có chiến lược trong trong việc hồi sinh vẻ đẹp đại ngàn, ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Trong suốt những ngày Festival, thành phố Pleiku và huyện Chư Păh của tỉnh Gia Lai tưng bừng trong không khí lễ hội, đậm đặc những khao khát bảo tồn và tôn vinh vốn văn hóa. Đây chính là dịp để phố núi Pleiku quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch. Cơ hội mở rộng mời gọi và đón nhận đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên được lưu ý qua việc họ quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Tây Nguyên cần được tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào và Cam-pu-chia.

Với quy mô cấp khu vực, lễ hội gồm các hoạt động chính: Lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống, trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm, sinh hoạt văn nghệ dân gian. Ngoài ra, còn có một số các hoạt động khác như: Hội chợ thương mại công, nông nghiệp Gia Lai, cà phê đường phố, ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên.

Trước đó, Lễ hội hoa dã quỳ được tổ chức tại ngọn núi lửa đã tắt Chư Đăng Ya, làng Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Cùng với các hoạt động văn hóa, lễ hội náo nhiệt, đây là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách.

Để Tây Nguyên mãi là niềm tự hào, không chỉ của một vùng đất, mà của quốc gia, dân tộc, niềm cảm hứng bất tận cho các thế hệ, cho nền văn học nghệ thuật, thì không gian văn hóa cốt lõi phải được gìn giữ. Trong các giải pháp giàu thực tiễn và khoa học, giải pháp thúc đẩy không gian du lịch chủ đề văn hóa và di sản được coi là hiệu quả nhất. Hơn thế nữa, đây lại là một thế mạnh của Tây Nguyên với sự hấp dẫn không bao giờ bị mờ lấp đi, mà càng đối mặt với nền kinh tế thị trường, công cuộc hiện đại hóa thì những giá trị cổ xưa càng được nâng tầm, càng được nhận ra và nhân lên giá trị.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO