Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 03:56 GMT+7

Sự “lệch sóng” trong nội bộ G7

Biên phòng - Sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bị hoãn đã trở thành một trong những tâm điểm đáng chú ý của chính trường quốc tế những ngày qua. Lý do hoãn hội nghị này đến khoảng tháng 9 năm nay là do Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mời Nga, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc cùng tham gia.

Một buổi họp của lãnh đạo G7 tại Pháp vào tháng 8-2019. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump đánh giá rằng, nhóm G7 bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức, Italia và Nhật Bản hiện nay là một nhóm “vô cùng lỗi thời” bởi nhóm 7 nước này không đại diện được cho những vấn đề đang xảy ra trên thế giới. Vì vậy, kết quả từ G7 thực chất không có tác động đáng kể đối với tình hình thế giới.

Theo giới chuyên gia quốc tế, vai trò của G7 đang ngày càng mờ nhạt và sự kiện Tổng thống Trump hoãn Hội nghị G7 có thể sẽ là cú hích giúp các nước đánh giá lại năng lực của nhóm. Trong thời gian qua, quan điểm của Tổng thống Trump vẫn kiên định với ý muốn mở rộng phạm vi của G7, ít nhất là phải có Nga, tức là Nga tái nhập tổ chức này để trở lại G8. Nga bị loại khỏi nhóm vào năm 2014 vì sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của Nga.

Sự chia rẽ trong nội bộ G7 cũng đã xuất hiện từ lâu và sự kiện này tiếp tục dấy lên những mối bất đồng. Tổng thống Trump đã trực tiếp mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự G7 bất chấp sự phản đối của nhiều thành viên. Tổng thống Trump khẳng định, sẽ thật sự sai lầm nếu duy trì tư duy loại Nga khỏi G7, bởi thế giới đã thay đổi, sự vận động ngày nay không thể thiếu Nga trong các cuộc đàm phán.

Mặc dù vậy, các đồng minh của Mỹ trong G7 vẫn không thể chấp nhận sự hiện diện của Nga. Phản ứng mạnh mẽ nhất phải kể đến Thủ tướng Canada Justin Trudeau với quan điểm chỉ trích Nga vốn không tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế nên mới bị loại khỏi nhóm. Đồng quan điểm với Canada, Anh tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn khả năng Nga tham dự G7. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Jonhson cho biết, vấn đề của Nga hiện nay là cần phải ngừng các hành động gây hấn, đe dọa ổn định và an toàn cho Anh cũng như an ninh tập thể của các nước G7.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, yêu cầu sự góp mặt Nga, Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc vào Hội nghị G7 được xem là điều không khả thi. Cụ thể, chỉ trong 3 tháng tới là quá ngắn để các quốc gia có sự chuẩn bị cho việc tham gia một hội nghị quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn tới các vấn đề thế giới. Đặc biệt, dường như Mỹ đang buộc các nước phải lựa chọn đứng về phe nào.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang bộc lộ quá rõ nét những bất ổn trong nội bộ đất nước, ít nhất là chiếc “ghế” Tổng thống của ông Trump đang không vững khi nhiệm kỳ sắp kết thúc vào tháng 1 năm sau. Về phần mình, Tổng thống Trump đã cho thấy quan điểm không coi trọng các tổ chức quốc tế, đó có thể là một yếu tố khiến các nước không cảm thấy vững tin khi tham dự các tổ chức do Mỹ điều hành.

Có thể thấy, nội bộ G7 đang ngày càng hằn sâu thêm nhiều mối bất đồng. Ngay ở thời điểm chuẩn bị cho hội nghị, từ việc nhỏ như phải hoãn ngày họp, hình thức họp là gặp mặt hay trực tuyến, đến những việc lớn hơn là có sự tham gia của nước nào... cũng đã cho thấy sự “lệch sóng”. Giới quan sát quốc tế nhìn nhận, những tín hiệu tiêu cực như trên sẽ khó có thể kỳ vọng tổ chức liên minh này đạt được sự đồng thuận để giải quyết những vấn đề quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn tới thế giới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO