Biên phòng - Ngày 25-7-2021, đúng hẹn với công chúng, triển lãm tranh vẽ online “Chung tay Việt Nam” do Hội Sinh viên trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm đóng góp gây Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ đã ra mắt. Đằng sau những bức vẽ đầy tính thời sự, nhưng rất cảm xúc, lay động, là tình cảm và sự biết ơn dành cho lực lượng chống dịch trong thời điểm cam go này.
Phong trào vẽ tranh gây quỹ Chung tay Việt Nam diễn ra từ ngày 5 đến 25-7, một quãng thời gian ngắn và gấp gáp nhưng đủ để các sinh viên Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc mạnh mẽ. Ban Tổ chức phong trào cho biết, ngày nào họ cũng nhận được tác phẩm dự thi, những tập hợp đồ sộ, đẹp mang tình cảm đáng trân trọng.
Yếu tố thiết thực để thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật được tính đến, đó là mỗi tác phẩm được ra đời, người vẽ đã có đóng góp thiết thực cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ 10 nghìn đồng. Cuộc thi cũng kỳ vọng sẽ làm dấy lên phong trào tiên phong của học sinh, sinh viên cả nước xây dựng ý thức chung tay vì cộng đồng, thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với những cá nhân, tổ chức đã cống hiến hết mình vì công cuộc phòng, chống dịch bệnh và khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn dân trong cuộc chiến này.
Chủ đề tranh vẽ và bài viết được định hướng xoay quanh các câu chuyện về y, bác sĩ, chiến sĩ, những con người cố gắng hết mình trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mỗi bức vẽ đều chuyển tải thông điệp chống dịch, lời cảm ơn gửi đến những cá nhân, tập thể đang trực tiếp làm nhiệm vụ ở tuyến đầu.
Các tác phẩm tranh vẽ có tính chất tuyên truyền, cổ động toàn dân tuân thủ nguyên tắc chống dịch, đảm bảo 5K theo tiêu chuẩn phòng dịch của Bộ Y tế. Đây là cách tuyên truyền trực quan, bằng nghệ thuật tác động vào khiếu thẩm mỹ của công chúng mang đến những tác dụng rất thiết thực nhanh chóng như thế mạnh của tuyên truyền hình ảnh thực.
Vỏn vẹn 20 ngày phát động phong trào, lượng tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt, tạo ra sự lan tỏa tích cực. Mặt khác, phong trào được truyền đi trong thanh niên, sinh viên là tầng lớp thông hiểu về khoa học xã hội, kỹ thuật máy tính nên tốc độ truyền đi rất mạnh mẽ.
Các học sinh, sinh viên tham gia đăng tranh vẽ của bản thân công khai lên trang cá nhân cùng với những lời cảm ơn, lời chúc cho Việt Nam sớm vượt qua đại dịch. Mỗi bài đăng online có kèm các từ khóa hashtag: ChungtayVietNam, ThankyouVietNam, donggopviquyvaccinephongchongcovid nhằm tạo thành tệp dữ liệu online, lan tỏa thông điệp và tạo ra làn sóng hưởng ứng khắp các vùng miền.
Nguyễn Bảo Long Nhi, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sát thời điểm tổng kết phong trào, ban tổ chức vẫn còn nhận được nhiều tác phẩm tham gia có chất lượng tốt. Số tranh vẽ đã gửi về triển lãm là 100 bức. Tranh đăng công khai trên các trang cá nhân của mạng xã hội và có gắn hashtag là 150 bức tranh. Tất cả số tranh vẽ đã chuyển đến Ban Tổ chức phong trào đều được kiểm đếm, quy ra tiền để gửi chuyển khoản trực tiếp cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ.
Có thể thấy đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân trực tiếp tham gia phòng, chống dịch xuất hiện trong tranh vẽ dày đặc với hình ảnh đẹp, cảm xúc, chứa đựng lòng biết ơn, khâm phục. Đa số các bức tranh lấy cảm hứng từ câu chuyện, hình ảnh thời sự, những điều thực tế mà Việt Nam đã và đang trải qua trong cuộc chiến chống dịch. Những bức tranh này đã tạo nên những lan tỏa tích cực, là ánh sáng có ý nghĩa, sự ấm áp để khích lệ tinh thần quyết tâm chống dịch của toàn dân trong khi ở trên mạng quá nhiều những thông tin tiêu cực, tin giả, tin khủng bố tinh thần công chúng… được chia sẻ và nhân lên hằng ngày.
Các tác giả đăng tranh của mình trên mạng xã hội đều kèm theo những chia sẻ rất nhân văn. Họ có động lực vì mục đích ý nghĩa văn minh của phong trào, đồng thời có thể góp 10 nghìn đồng mỗi bức tranh vẽ vào Quỹ vaccine. Các sinh viên chia sẻ dù ít, dù nhiều thì họ cũng muốn khích lệ động viên tinh thần mọi người, mang đến một năng lượng tích cực hơn giữa tình hình dịch bệnh đang rất cam go này.
Tác giả Nhâm Thái Bình (Hà Nội) với bức vẽ mô tả hình ảnh bác sĩ, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19 và những vần thơ mạnh mẽ, đầy hy vọng: “Sắc áo xanh đi vào tâm dịch/ Mặt đối mặt với tử thần/ Những đêm đèn không tắt…”, “Những bọng mắt thâm quầng vì thiếu ngủ/ Vẫn sáng bừng tinh thần dân tộc/ Những tia máu vằn trên đôi mắt mỏi/ Như cuộn trào huyết khí Việt Nam…”.
Các tác giả trẻ không những có tư duy sáng tạo còn có trách nhiệm với thời cuộc với vận mệnh đất nước, đó là thành công của phong trào.
Để tác động vào ý thức người dân trong cuộc chiến chống dịch, không gì bằng khơi dậy lòng biết ơn và khắc họa tổng thể sự vất vả của các y, bác sĩ. Một tác giả trẻ viết dòng trạng thái trên mạng xã hội: “Chỉ cần một người thiếu ý thức, lơ là phòng dịch, nhiều người sẽ vất vả, vết loang sẽ rộng và kéo dài, cuộc sống sẽ tê liệt. Vì vậy, nói nhiều, nói nhanh, nói đúng trong tranh của mình và hành vi vì cộng đồng và mình rất thích thông điệp và động cơ, mục đích của phong trào sinh viên này”.
Khoảnh khắc em bé mặc bảo hộ theo mẹ đi cách ly, em bé nhìn thấy mẹ là một nữ điều dưỡng trên tivi đã òa khác, hình ảnh chiến sĩ Công an bế bệnh nhân, hình ảnh các y, bác sĩ nắm tay nhau đồng lòng… tất cả đã vào tranh vẽ một cách nghệ thuật, mãi mãi là hình ảnh đáng nhớ của công chúng. Nhiều sinh viên thao tác các bức vẽ trên máy tính, bằng các phần mềm vẽ tranh hiện đại, thể hiện năng lực đi đầu trong vận dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ đời sống.
Trong bối cảnh đợt dịch thứ 4 lan rộng ra nhiều tỉnh, thành nước ta và cuộc chiến chống dịch rất cần phải nghiêm túc tuân thủ và đồng lòng thì những phong trào như cuộc thi vẽ tranh do Hội Sinh viên trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm đóng góp gây Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 rất có ý nghĩa.
Cuộc thi đã đáp ứng đủ các tiêu chí: vẫn có thể hoạt động và hoạt động tốt trong thời kỳ giãn cách, làm việc trực tuyến, khích lệ tinh thần công chúng, điều rất cần cho chống dịch. Mô hình sáng tạo nghệ thuật này cần được nhân rộng, cách làm cũng có thể để các trường đại học cũng như thanh niên, sinh viên, hội, đoàn thể khác tham khảo, học hỏi.
Thúy Hằng